Hám lời, hai “thầy giáo” chế bằng lái xe giả

Hải Anh| 17/06/2016 19:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Được Đức hưởng ứng, Bình mua máy tính, máy in màu, máy Scan… mang về phòng trọ của mình để “thửa” các loại bằng lái xe giả.

Ngày 17/6, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Đại, 32 tuổi (ở xã Yên Nội, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) 4 năm tù và Nguyễn Văn Bình, 36 tuổi (ở xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) 4 năm 6 tháng tù cùng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo truy tố, Đại và Bình vốn là giáo viên hợp đồng dạy lái xe tại trung tâm dạy nghề, đào tạo, sát hạch lái xe – Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy thuộc Bộ Công an.

Thấy nhiều người có nhu cầu “mua bằng” ô tô, xe máy nên Bình đã nảy sinh ý định làm giả giấy phép lái xe môtô, ô tô để bán kiếm lời. Đầu năm 2014, Bình quyết định rủ Đức tham gia cùng mình. Được Đức hưởng ứng, Bình mua máy tính, máy in màu, máy Scan… mang về phòng trọ của mình để “thửa” các loại bằng lái xe giả.

Theo phân công, Đại sẽ chịu trách nhiệm nhiệm liên hệ với những người có nhu cầu làm giấy phép lái xe và đặt vấn đề không cần học, không cần thi mà vẫn có bằng với 550.000 nghìn đồng đến 620.000 nghìn đồng/ 01 giấy phép lái xe.

Hám lời, hai “thầy giáo” chế bằng lái xe giả

Các bị cáo tại phiên xét xử

Nhận được hồ sơ của khách, Đại chuyển cho Bình, Bình sẽ làm giả các hồ sơ thi sát hạch lái xe và chuyển lại giấy tờ, hồ sơ cho một đối tượng khác tên Vũ (hiện chưa xác nhận được nhân thân) trú tại TP. Hồ Chí Minh, để làm giả bằng lái xe với giá 400.000 nghìn đồng/01 giấy phép.

Tuy nhiên, hành vi của hai “thầy giáo” này đã bị lộ khi ngày 30/10/2014, Tổ công tác của Công an TP. Hà Nội làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hoàng Đạo Thúy – Lê Văn Lương, kiểm tra hành chính đối với Đại đã phát hiện trên người Đại có 16 giấy phép lái xe mang tên nhiều người. Từ đây, Đại khai ra Bình và đường dây làm giả giấy tờ đã bị triệt phá.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và xin được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về làm lại cuộc đời.

Xét thấy, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự quản lý hành chính, gây mất trật tự trị an trong dân cư, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của những người tham gia giao thông, trong khi các bị cáo đủ khả năng nhận thức được mức độ cũng như hậu quả nghiêm trọng mà hành vi của mình gây ra. Vì vậy, cần phải có mức hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục các bị cáo nên đã tuyên phạt các bị cáo mức án như trên.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hám lời, hai “thầy giáo” chế bằng lái xe giả