Dù ở phiên giao dịch cuối của tháng Tám, giá vàng có quay đầu giảm nhẹ nhưng tính chung cả tháng, giá của quý kim này vẫn tăng khoảng 6,3%.
Giá vàng phiên cuối cùng của tháng Tám trên thị trường thế giới giảm nhẹ 0,5% tương đương 7,5 USD/ounce, xuống còn 1.529,40 USD/ounce. Tuy nhiên, theo số liệu của FactSet, giá vàng tháng Tám đã tăng 6,3% và là tháng tăng thứ ba liên tiếp thời gian qua.
Trong tháng 8 giá vàng SJC tăng gần 3 triệu đồng/lượng
Theo giới phân tích, dự leo thang trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc và những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đã góp phần giúp giá vàng tăng hơn 100 USD trong tháng Tám.
Suki Cooper, Chuyên gia phân tích về kim loại quý của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng ở thời điểm này, thị trường vàng đang tập trung vào tác động đối với tăng trưởng toàn cầu và khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước.
Còn Bart Melek, Trưởng ban chiến lược của TD Securities, cho rằng giá vàng có thể sẽ dao động trong biên độ 1.488- 1.586USD/ounce trong ngắn hạn, nếu không có gì đột biến tác động mạnh đến giá vàng.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC cũng đã có tăng vọt lên 43,2 triệu VND/lượng ở phiên đầu tuần, sau đó giảm xuống mức 42 triệu VND/lượng ở phiên cuối tuần.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 6 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 16%. Mức tăng này diễn ra chủ yếu từ cuối tháng 6, riêng trong tháng 8 giá vàng SJC tăng gần 3 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 7%.
Mặc dù giá vàng tăng mạnh nhưng ghi nhận giao dịch tại những thương hiệu vàng lớn cũng không quá sôi động. Việc tăng giảm đột ngột của giá vàng khiến nhà đầu tư thận trọng hơn và lựa chọn một số kênh khác để đầu tư như chứng khoán, bất động sản…Giới phân tích cũng cho rằng người dân, nếu có nhu cầu tích trữ vàng thì cần phải tỉnh táo, không đầu tư theo đám đông; Phải theo dõi thị trường để có hướng nhìn nhận đúng và thông tin được kịp thời.