Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang tích cực triển khai thu tiền điện không dùng tiền mặt tại 21 tỉnh, thành phía Nam theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ.
Mục tiêu của Chính phủ là trước tháng 12/2019 tất cả các trường học, bệnh viện, các công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông...trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.
Quyết liệt nói không với tiền mặt
Ông Nguyễn Văn Lý –Phó tổng giám đốc EVNSPC cho biết, từ những năm 2015-2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đã mở rộng hợp tác với các ngân hàng, tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ ví điện tử để đa dạng hóa hình thức thanh toán và hướng tới không sử dụng tiền mặt.
Đến cuối 2018, EVN đã chính thức đưa các dịch vụ điện trực tuyến đang cung cấp lên mức độ 4, hoàn thành việc kết nối cung cấp dịch vụ điện tại trung tâm hành chính công và cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố.
Khách hàng đăng ký dịch vụ trả tiền điện tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Cần Thơ.
Nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4, trong năm 2019, EVN triển khai các giải pháp thu tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như trích nợ tự động, SMS và mobile banking, internet banking, ví điện tử, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi và thanh toán trực tuyến trên website của điện lực... để giảm dần và tiến tới không còn việc thu tiền tại nhà.
Riêng tại EVN SPC, đơn vị đã có nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ, hướng dẫn người dân tham gia thanh toán tiền điện qua chuyển khoản và các hình thức thanh toán khác và đến nay đã đạt được hiệu quả tích cực. Điển hình như tại Cần Thơ, đến nay 100% quận, huyện đã sử dụng hóa đơn tiền điện điện tử. Khách hàng đến điện lực, ngân hàng hay các tổ chức thu trung gian sẽ nhận được phiếu thu (biên nhận thanh toán) và có thể tải hóa đơn điện tử tại địa chỉ https://cskh.evnspc.vn. Khách hàng có thể đến thanh toán tiền điện bất cứ ngày nào trong tuần tại các điểm thu hộ như tại các cửa hàng tiện lợi VinMart, chuỗi cửa hàng điện thoại của Phương Tùng, FPT shop, các cửa hàng của Viettel... Theo Công ty Điện lực Cần Thơ, mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ đạt được 160.000 khách hàng, năm 2020 sẽ đạt trên 190.000 khách hàng sử dụng hình thức trả tiền qua ngân hàng và các tổ chức trung gian.
Rất tiện lợi
Tháng trước, bà Nguyễn Thị Tám (55 tuổi), nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.Đà Lạt được nhân viên Công ty điện lực Lâm Đồng hỗ trợ cài đặt App (ứng dụng) trên điện thoại thông minh, đồng thời hướng dẫn cách thức thanh toán tiền điện và sử dụng các dịch vụ điện lực khác thông qua mạng internet. Dù lúc đầu có chút bỡ ngỡ nhưng bà Tám nhanh chóng thích ứng và thuần thục trong việc sử dụng các dịch vụ này.
Đến nay, từ iệc đóng tiền điện đến mọi thông tin liên quan đến điện trong gia đình bà đều theo dõi qua chiếc điện thoại cầm tay. “Tôi lớn tuổi, lại không rành công nghệ nên lúc đầu gặp chút trở ngại, sau quen dần nên thấy mọi việc trở nên thoải mái và thuận tiện”- bà Tám chia sẻ. “Qua việc này, tôi thấy ngành điện ngày càng có nhiều bước cải tiến về công nghệ giúp cho khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin như lịch cắt điện, các thông tin hữu ích về an toàn điện trong zalo…, ngay cả lượng điện tiêu thụ điện của khách hàng cũng rất minh bạch”.
Công ty Lâm Đồng đã ký kết và mở rộng hợp tác với các tổ chức trung gian trong việc thu hộ dưới hình thức thanh toán qua các kênh ví điện tử như Viettel Pay, VNPT Pay, VNPay, ECPay….tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi.
PC Lam Dong đang thúc đẩy triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt và điện tử hóa các dịch vụ của ngành điện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng
Công ty Điện lực Đồng Tháp cũng đã triển khai hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các ứng dụng, dịch vụ ngân hàng điện tử... Theo ông Đào Hữu Điền - Phó giám đốc công ty, phương thức thanh toán này giúp khách hàng không mất thêm chi phí, thời gian đến các phòng giao dịch ngân hàng trong giờ hành chính. Người dân chỉ cần có thiết bị kết nối internet (máy tính, điện thoại...) là có thể thực hiện thanh toán tiền điện một cách nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi.
Anh Trần Quang Dinh (phường 6, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết: “Tôi đã lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hàng tháng, sau khi nhận được tin nhắn của Điện lực thông báo chỉ số điện đã sử dụng và số tiền phải thanh toán, tôi có thể dùng điện thoại để thanh toán tiền điện thông qua các App bất cứ lúc nào nên giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian và quản lý tốt chi tiêu cho gia đình”.