Mỏ vàng Pác Lạng - Bắc Kạn được biết đến hơn 100 năm nay vì trữ lượng vàng rất lớn, ước tính nếu khai thác theo các phương pháp hiện đại thì có thể đem lại hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm cho nhà đầu tư.
Chính vì vậy, việc UBND tỉnh Bắc Kạn thành lập Hội đồng lựa chọn tổ chức thăm dò mỏ vàng Pác Lạng đã thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận.
Giá trị pháp lý của tiêu chí
Để chọn đơn vị đầu tư, UBND tỉnh Bắc Kạn thành lập Hội đồng lựa chọn tổ chức thăm dò mỏ vàng Pác Lạng. Trách nhiệm của Hội đồng này rất nặng nề vì với một tỉnh nghèo như Bắc Kạn thì việc chọn đúng đồng nghĩa với việc chắc chắn sẽ có thêm hàng trăm tỷ đồng thu ngân sách nhà nước hàng năm từ mỏ vàng Pác Lạng. Hội đồng này gồm hầu hết các nhân vật quan trọng của tỉnh Bắc Kạn như Chủ tịch UBND (Chủ tịch Hội đồng), Giám đốc Sở TNMT (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng), các Phó Giám đốc Sở Công Thương, Tài chính, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường …
Ngày 16/4/2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra Thông báo số 43/TB-UBND về việc công bố tiêu chí lựa chọn tổ chức cấp phép thăm dò mỏ vàng Pác Lạng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với một vấn đề quan trọng như vậy, nhưng ra Thông báo là không phù hợp, vì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân qui định Ủy ban nhân dân có hai hình thức văn bản quy phạm pháp luật là Chỉ thị và Quyết định.
Và như thế, hiệu lực pháp luật của bộ tiêu chí bằng hình thức Thông báo không cao, trong việc lựa chọn một đơn vị đủ năng lực tiến hành thăm dò khai thác mỏ vàng Pác Lạng.
Chọn đơn vị khó khăn về tài chính
Tại cuộc họp ngày 4/8/2014, Hội đồng đã xem xét hồ sơ và quyết định chọn Công ty cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico là đơn vị được cấp phép thăm dò mỏ vàng Pác Lạng, với 8/8 phiếu thuận. Đáng chú ý là phiên họp quan trọng này vắng mặt 4 thành viên, trong đó có Chủ tịch Hội đồng lựa chọn là ông Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Ma Trương Thiêm - Giám đốc Sở TNMT…
Nếu lấy Thông báo số 43/TB-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn làm tiêu chí để lựa chọn thì việc Hội đồng lựa chọn Công ty cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico là đơn vị trúng tuyển lại dường như không hề căn cứ theo tiêu chí này. Tại tiêu chí số 4 của Thông báo 43/TB-UBND tỉnh đã quy định rõ đơn vị trúng tuyển phải: “Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, các nghĩa vụ khác liên quan đến nhà nước theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, UBND tỉnh đã từng phải giúp đỡ tháo gỡ tình trạng bê bối tài chính của Công ty Na Rì Hamico.
Mỏ vàng Pác Lạng
Cụ thể là tại mục 2 Thông báo số 101/TB-UBND ngày 20/8/2014 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp năm 2014 có đoạn: “Đồng ý cho Công ty cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico được vận chuyển và tiêu thụ quặng sắt tại mỏ Pù Ô trong thời hạn một tháng để tháo gỡ tình trạng khó khăn về tài chính của Công ty, yêu cầu Công ty nộp ngay các khoản nợ thuế và phạt chậm nộp năm 2013 trên địa bàn huyện Chợ Đồn là 2,47 tỷ đồng”.
Một Công ty lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính tới mức không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước, chịu phạt một khoản tiền lên tới 2,47 tỷ đồng chỉ trên địa bàn một huyện, liệu có thể tin tưởng vào các giấy tờ chứng minh họ đủ năng lực tài chính để tiến hành khai thác mỏ vàng Pác Lạng, dự án nghìn tỷ, trọng điểm về kinh tế của tỉnh hay không? Đó là câu hỏi dư luận quan tâm.
Trong các loại giấy tờ chứng minh tài chính mà Na Rì Hamico nộp cho Hội đồng có một văn bản quan trọng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Kạn, xác nhận vốn chủ sở hữu tại thời điểm 19/3/2014 là 394,325 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thăm dò theo đề án là 41,699 tỷ đồng. Một Công ty mà ngay nghĩa vụ thuế không hoàn thành, chưa nộp hàng tỷ đồng tiền phạt thuế năm 2013 nhưng trong tài khoản lại có hàng trăm tỷ đồng, vậy đây có thể coi là hành vi cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế?
Đơn vị điều tra cơ bản
Nghị định 15/2012NĐ-CP ngày 09/ 3/ 2012 của Chính phủ và điểm b, khoản 2 Điều 40 Luật Khoáng sản đã quy định chi tiết trường hợp có từ 2 đơn vị trở lên thì đơn vị được lựa chọn “Là tổ chức, cá nhân đã tham gia vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản ở khu vực dự kiến cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản”. Nếu Hội đồng vận dụng điều khoản này thì đơn vị được cấp phép phải là Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn, vì Công ty Khoáng sản Bắc Kạn đã được cấp phép và đầu tư điều tra cơ bản về địa chất mỏ vàng Pắc Lạng.
Mặc dù quy định của pháp luật như vậy nhưng Hội đồng đã đánh giá Hồ sơ 2 đơn vị điều kiện ngang nhau, sau đó áp luôn khoản 3 Điều 13 Nghị định 15/2012NĐ-CP, phán cho Công ty Na Rì Hamico thắng do nộp hồ sơ trước.
Xem ra, việc giao thăm dò để khai thác mỏ vàng trữ lượng lớn ở tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này cần được quan tâm hơn nữa, để chọn được đơn vị có đủ tiềm lực và khả năng. Mỏ vàng Pác Lạng là tài sản lớn của Nhà nước, nó cần phải được bảo vệ, khai thác hiệu quả bởi đơn vị có trách nhiệm, có chức năng, đủ thẩm quyền và phương tiện.
Pác Lạng là mỏ vàng gốc lớn, rộng gần 25 km2, nằm trên địa bàn hai xã Đức Vân và Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn. Thời gian qua, do quản lý lỏng lẻo, thiếu biện pháp tích cực của chính quyền địa phương nên mỏ vàng này bị khai thác trái phép, khiến dư luận rất bức xúc. |