Sáng 23/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự thảo Luật dược (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện.
Thảo luận về dự án Luật dược (sửa đổi), đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung được thể hiện trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật dược (sửa đổi). Dự thảo báo cáo đã cập nhật, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, cũng như ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu về vấn đề này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình dự thảo Luật dược (sửa đổi) để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Cấp chứng chỉ hành nghề dược là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, góp nhiều ý kiến tại phiên thảo luận sáng nay. Dự thảo báo cáo cho biết qua thảo luận, do còn hai loại ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho xin ý kiến đại biểu Quốc hội 2 phương án: phương án cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược 1 lần.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu ý kiến
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm, nghề dược là một nghề nếu quy định 5 năm cấp chỉ một lần, thì sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, gây tiêu cực. Đại biểu nêu quan điểm nên cấp chứng chỉ hành nghề dược 1 lần, trong quá trình hành nghề, nếu có vi phạm sẽ xem xét theo quy định pháp luật.
Lo ngại việc cấp chứng chỉ có thời hạn sẽ phát sinh những thủ tục hành chính phiên hà, đặc biệt khi cả nước đang tập trung thực hiện cải cách hành chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng có quan điểm không cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm/lần, nhưng phải “thường xuyên kiểm tra có bán thuốc, có cho mượn bằng không, nếu không đủ điều kiện thì không chỉ rút chứng chỉ đâu, mà rút ngay hoạt động của cửa hàng này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự thảo Luật dược (sửa đổi) cho biết, qua các phiên thảo luận trước, có nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật là cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm; có ý kiến đề nghị quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp cải cách hành chính cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi mà cải cách hành chính có tiến bộ. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 và Điều 24 theo hướng giảm điều kiện về thời gian thực hành còn 02 hoặc 03 năm với một số đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, để bảo đảm nhân lực ở vùng khó khăn, điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn của quầy thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã ở vùng nông thôn, miền núi chỉ cần có bằng cao đẳng, trung học dược, sơ cấp dược và thời gian thực hành là 12 tháng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến
Để đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ trước khi quyết định vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo cần cung cấp thêm thông tin về những khó khăn, vước mắc, những mặt được và chưa được trong việc cấp chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn và cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần, thông lệ thế giới về vấn đề này ra sao...
Qua tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận, ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội quyết định vấn đề này theo 2 phương án. Phương án 1 là cấp chứng chỉ hành nghề dược 1 lần và phương án 2 là cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm.
Về đề nghị cần chỉnh lý dự án Luật theo hướng minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thời gian cấp và gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc, đặc biệt là thuốc mới, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý cụ thể tại một số điều thuộc Mục 1 Chương III về hành nghề dược và Điều 60 như sau: Thời gian cấp đăng ký gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc chỉ còn 3 tháng (theo Luật dược 2005, thời gian này là 6 tháng). Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc mới, giảm từ 18 tháng còn 12 tháng khi đã có đầy đủ dữ liệu lâm sàng của thuốc mới được chứng minh đạt an toàn, hiệu quả...
Tại phiên thảo luận, các vấn đề quản lý nhà nước về giá thuốc; phát triển y học cổ truyền; phát triển công nghiệp dược... đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể.
Thông qua dự thảo Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện
Thời gian còn lại của phiên thảo luận sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện.
Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện nêu rõ: Ban Dân nguyện được thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 370/2003/UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI với vị trí, chức năng là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện tại Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15 tháng 10 năm 2008. Qua hơn 13 năm hoạt động, về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện đã được triển khai thực hiện toàn diện và đồng bộ; tổ chức của Ban từng bước được củng cố, kiện toàn; chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao lên. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII về tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của Ban Dân nguyện cần thiết phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Dân nguyện.
Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc ban hành Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Dân nguyện, góp phần để Quốc hội thực sự gắn bó với người dân.
Tại khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định Ban Dân nguyện nghiên cứu, chuyển đơn, thư gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay tại Nghị quyết 694/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội quy định “Ban Dân nguyện giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xử lý đơn, thư của công dân có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách của nhiều Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đơn, thư không thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và Ban công tác đại biểu” (Điều 14). Do vậy, một số ý kiến đề nghị chỉnh lý lại khoản này cho thống nhất với quy định nêu trên của Nghị quyết 694 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp với nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết bổ sung khoản 7 quy định thêm nhiệm vụ của Ban Dân nguyện “Tổ chức và tiến hành các công việc phục vụ liên quan đến trưng cầu ý dân theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội". Một số ý kiến cho rằng đây không phải là nhiệm vụ thường xuyên, cố định nên nhiệm vụ này đã được quy định tại khoản 10 Điều 2 dự thảo Nghị quyết. Do đó, đề nghị bỏ quy định tại khoản 7 Điều 2 dự thảo Nghị quyết để tránh trùng lặp...
Dự thảo Nghị quyết quy định: Ban Dân nguyện có các vụ tham mưu, giúp việc là Vụ Dân nguyện và Vụ Tiếp công dân và xử lý đơn thư. So với Nghị quyết hiện hành, dự thảo Nghị quyết quy định thành lập thêm 01 vụ mới để tham mưu, giúp việc cho Ban Dân nguyện trên cơ sở tách Vụ Dân nguyện hiện hành thành 2 vụ là Vụ Dân nguyện và Vụ Tiếp công dân và xử lý đơn thư. Ban soạn thảo cho rằng, việc tách ra làm 2 vụ trên để đảm nhiệm 2 lĩnh vực hoạt động của Ban Dân nguyện và việc tách Vụ Dân nguyện thành 2 Vụ về cơ bản không tăng thêm biên chế. Tuy nhiên qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với đề xuất này và đề nghị giữ cơ cấu như hiện.
Sau khi thống nhất các nội dung cơ bản được tiếp thu qua phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện.
Theo dự kiến chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.