Cứ đến mỗi tháng 10, tháng 11 dương lịch hàng năm, khi cái rét bắt đầu cắt cứa thịt da, khi dã quỳ, trạng nguyên lẫm liệt trổ hoa, đó cũng là lúc cộng đồng người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc bắt đầu tổ chức ăn Tết Có Nhẹ Chà.
Tết Có Nhẹ Chà - giống như Tết Nguyên đán của người Kinh. Thượng sơn đúng vào những ngày Tết ấy, lữ khách sẽ gặp những bà, những mẹ, những chị, những em gái người Hà Nhì mến thương và hiếu khách đến lạ kỳ.
Tưng bừng tiệc núi
Theo người già ở xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) thì từ xa xưa, người Hà Nhì đã tính lịch theo mặt trăng, như chúng ta thường gọi đó là Âm lịch. Lịch của người Hà Nhì mỗi năm gồm 12 tháng, tháng ít có 29 ngày, tháng nhiều có 30 ngày. Tết Có Nhẹ Chà là Tết Nguyên Đán của người Hà Nhì, diễn ra trước Tết Nguyên Đán của người Kinh chừng trên dưới hai tháng. Thời điểm đó là lúc thư nhàn nhất của người dân Hà Nhì nói riêng và người dân miền núi nói chung; mọi công việc đồng áng của vụ trước đã gọn ghẽ, xong xuôi, mà vụ sau thì chưa đến lúc bắt đầu.
Việc ăn Tết vào những ngày nào (cuối tháng 10 hay đầu tháng 11) không ấn định thành truyền thống như Tết của người Kinh, mà do Hội đồng già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm; dựa trên các yếu tố: Thời tiết, mùa màng, khả năng kinh tế chung của mỗi gia đình... Sau khi thời điểm đã được xác định, theo phong tục, buổi chiều hôm tất niên, mỗi gia đình mổ một con gà để cúng tiễn biệt năm cũ. Đêm hôm đó được coi là đêm Giao thừa, khắp làng bản Hà Nhì tiếng giã bánh dầy, bánh trôi làm rung động cả một vùng rừng núi.
Vào lúc đầu canh ba, nhà nhà thi nhau mổ lợn. Gọi là "thi" vì người Hà Nhì quan niệm, nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần là được thì sang năm sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. Bánh trôi chấm với mật ong rừng tinh khiết, màu hổ phách, dẻo như tơ, ngọt mà không khé, mùi thơm thật khó tả. Bánh chưng của người Hà Nhì được thay bằng bánh gù, hình ống, dài hơn một gang tay. Gia đình nào cũng nhồi lạp xường; lạp xường của người Hà Nhì ngon thơm đặc biệt, do có nhiều loại gia vị được chiết xuất từ các loài thảo mộc.
Thiếu nữ Hà Nhì đi xách nước đầu năm để lấy may
Năm nay, người Hà Nhì ăn Tết bắt đầu từ ngày 11/12 dương lịch. Trước đây, Tết này được tổ chức trong 5 ngày, nhưng hiện giờ rút xuống chỉ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày Thìn. Ngày đầu tiên, khi sương sớm còn đu mình trên những sợi tơ giăng giăng bên bờ suối Mo Phí, đã nghe tiếng lợn kêu eng éc, tiếng dao băm vào thớt lộc cộc, tiếng trẻ con nô đùa. Không khí Tết tràn ngập khắp các bản làng, nhịp sống trở nên nhộn nhịp hơn, đi đâu cũng thấy những nụ cười rạng rỡ. Ngày cũng như đêm, khắp bản trong bản ngoài đâu đâu cũng tưng bừng, nhộn nhịp.
Trong ngày Tết của người Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn để đón năm mới. Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo của các hộ gia đình tự nuôi lấy. Nhà có điều kiện thì mổ lợn từ 60-100kg, thậm chí là 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40-50kg.
Ngay cả trong việc mổ lợn ngày tết, người Hà Nhì cũng có những điều cấm kỵ rất riêng biệt. Từ việc chọn lợn đến mổ lợn như không bao giờ được sờ đầu, sờ chân lợn; khi mổ, không được bước qua con lợn vì để cúng, nếu bước qua phải mổ con khác. Và phải lấy tất cả nội tạng trong con lợn, mỗi thứ một ít, cả phần thịt để chủ nhà nấu nướng, không được nếm, nấu chín thì cho vào bàn thờ cúng trước. Cúng xong mới được ăn. Tất cả mọi thành viên trong gia đình lúc đó mỗi người ăn một ít lấy lộc rồi mang ra mời khách.
Mến thương và hiếu khách
Bên cạnh thịt lợn dâng cúng tổ tiên, Tết Hà Nhì không thể thiếu bánh dày làm từ chính gạo nếp nương của người dân. Gạo sau khi nấu chín sẽ được trộn với vừng rang rồi đem giã thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà. Mẻ bánh đầu tiên được giã xong, chủ nhà sẽ nặn một chiếc bánh tròn đem cúng mời tổ tiên trước khi mọi người ăn bánh. Người Hà Nhì cũng nổi tiếng về lòng mến khách, gia chủ thường không bao giờ phân biệt khách khứa thân sơ, miễn là đến vui Tết cùng gia đình thì sẽ được khoản đãi rượu thịt.
Trong mấy ngày Tết Có Nhẹ Chà, thứ không thể thiếu nữa là gạo mới và rượu mới. Bởi đối với họ có càng nâng ly để chúc nhau nhiều thì năm mới sẽ càng có nhiều may mắn. Thế nên nhà nào cũng chuẩn bị rượu ngô, rượu sắn tự nấu từ trước Tết. Người trẻ nhất mâm sẽ rót rượu cho cả mâm. Người nhiều tuổi nhất trong gia đình sẽ nâng chén chúc các con khi làm lễ ở nhà. Người già làng trong bản sẽ chúc các con cháu khi làm lễ chung ở bản. Mọi người đều lắng nghe lời chúc cho năm sau làm ra nhiều thóc gạo, được mùa, không bị sâu bệnh, nuôi được nhiều trâu, bò, gà, lợn, các cháu được học cái chữ để đổi mới bản làng. Sau lời chúc là bắt chéo tay qua ngực, nắm tay thật chặt với những người cùng trong mâm, tiếng cười vui vẻ, gắn bó, thân thiện. Và, cái lý uống cạn chén rượu nghĩa tình cũng không thể bỏ qua, uống cạn mới được đặt xuống.
Vẻ đẹp thiếu nữ Hà Nhì ngày Tết
Người Hà Nhì có câu tục ngữ nhắc nhở nhau trong bữa rượu “chi pà sê, chi pà tó, chi pà tó chi pà hẹ, chi pà hẹ to pà hẹ” (khi người ta rót rượu, rót rượu xong thì uống rượu, uống rượu xong thì say rượu, say rượu xong thì đừng say người). Vừa ăn, vừa uống, uống rượu xong thì đánh chiêng, đánh trống và vừa múa vừa rót rượu cho nhau uống. Chiếc khăn trên vai người con gái Hà Nhì được cầm khẽ trên tay vung lên vung xuống cho điệu múa thêm duyên dáng, mềm mại. Cái lý “cù ly cù la” (có đi có lại) chúc nhau rượu khiến cho cuộc vui thêm dài, thâu đêm suốt ngày.
Lỳ Lá Na, Trưởng bản Tá Miếu kể rằng: Theo quan niệm của người Hà Nhì, Tết nhà nào có nhiều khách, hết nhiều rượu thì sẽ may mắn. Sau bữa ăn, mọi người lấy cơm nếp vo tròn ném vào nhau với ý nguyện, mùa sau thóc gạo sẽ dư thừa. Sang ngày thứ ba, cả bản cùng dậy từ sáng sớm tinh mơ để nấu cơm nếp, làm bánh ngô. Trong ba ngày cúng bản, các thiếu nữ váy áo sặc sỡ, tập trung từng tốp chơi cầu. Quả cầu được làm bằng lông gà và vỏ cây chuối khô. Người nào làm rơi cầu sẽ bị cả tốp xúm lại véo tai đến khi hai tai đỏ lừ mới thôi. Tại các gia đình, phụ nữ dậy sớm đồ xôi, làm bánh ngô để làm quà tặng cho những vị khách ở xa đến bản.
Nhắc nhớ về tổ tiên, nguồn cội
Cũng giống như phong tục tập quán của người Kinh, trong mấy ngày Tết, những người cao tuổi lập thành nhóm, nhóm này đi chúc Tết gia đình của nhóm kia, họ này đi chúc Tết họ kia, với những lời lẽ tốt đẹp và tình cảm chân thành. Tại bữa tiệc khoản đãi, người khách quý nhất sẽ được mời một mâm riêng. Trên mâm, một bên bày 6 chén rượu: 4 chén để "rửa" 4 chân tay, 1 chén "rửa" mặt còn 1 chén để uống. Một bên đặt một giỏ cơm, xung quanh giỏ cắm hoa mào gà, trong giỏ cơm có một khoanh thịt mỡ đã luộc chín, giữa khoanh thịt mỡ nhét sẵn mấy quả ớt đỏ. Người khách được quyền tự do lựa chọn, hoặc bên này, hoặc bên kia. Sau khi chọn xong "phần" của mình, người khách vui vẻ đặt lên mâm mấy đồng tiền mừng tuổi rồi hát một bài, lời tự biên, mang nội dung cám ơn và cầu mong điều may mắn, hạnh phúc cho gia chủ.
Trưởng bản Tá Miếu Lỳ Lá Na
Bên mâm rượu, ngoài những lời chúc tụng, các bậc trưởng lão thường ngồi ôn lại những câu chuyện về lai lịch dòng tộc từ 9, 10 đời trước; hoặc nói với nhau những ước nguyện sâu xa về dâu hiền cháu thảo, về kinh nghiệm mùa màng. Qua những câu chuyện đó, lớp trẻ người Hà Nhì sẽ hiểu hơn về truyền thống của tổ tiên mình. Ngoài trời, các loại trống, chiêng, đàn, sáo cùng rộn rã vang lên. Trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của mình, từng đôi nam thanh nữ tú tay giấu trong tay, mắt soi vào mắt, cùng say sưa nhảy những điệu sơn vũ được lưu truyền từ muôn kiếp cha ông. Sau những trò chơi đố lá dang dở, sau những cuộc hát đối nửa chừng và cuối cùng là sau những ngày vui Tết, rất nhiều lứa đôi đã trở nên tâm đầu ý hợp, thầm mong ngày "buộc chỉ cổ tay"...
Độc đáo và sặc sỡ sắc màu như thế, nên giờ đây Tết Có Nhẹ Chà không còn là riêng của người Hà Nhì nữa. Cứ mỗi dịp vào tháng 12 dương lịch hàng năm, lượng khách du lịch lại đổ về vùng đất ngã ba biên này ngày một đông để được sống bên những người anh em Hà Nhì, không toan tính, không tị hiềm, để được say. Và hơn hết, khách thượng sơn sẽ có thêm những trải nghiệm và hiểu biết về các trầm tích văn hóa của một tộc người nơi biên ải.