Đỗ Việt Dũng và “Người nhạc trưởng giao thông”

Bùi Phương Thảo| 18/02/2016 09:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chắc hẳn nhiều người đã biết đến tên tuổi nhà thơ Đỗ Việt Dũng với tập thơ “Mùa sau” do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành (tái bản lần 2 năm 2015) gồm hơn 200 bài thơ mà ông “gặt hái” trên con đường số phận của mình...

Không ít người còn biết đến ông, một người để lại nhiều bài hát “ngành ca”. Nói rõ hơn, thơ của ông viết về ngành, lĩnh vực nào cũng có nội dung sâu sắc, lại mang đầy nhạc tính, nên có đến hơn chục bài thơ của ông viết về các ngành, lĩnh vực được các nhạc sĩ phổ nhạc để làm công tác tuyên truyền, thậm chí có bài đoạt giải cao, nếu liệt kê ra thì rất dài…

Đỗ Việt Dũng và “Người nhạc trưởng giao thông”

Nhà thơ Đỗ Việt Dũng và tuyển tập "Mùa sau"

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó xã Đại Thắng - Vụ Bản (Nam Định), theo tiếng gọi của non sông, Đỗ Việt Dũng như bao thanh niên khoác ba lô lên đường đi đánh giặc, rồi trở về khi nước nhà thống nhất. Với bản tính thông minh hóm hỉnh, năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, ông hoạt động tại Ty Văn hóa thông tin Hà Bắc (cũ). Ông bươn chải, kinh qua nhiều giai đoạn sóng gió của số phận, ông “gom từng vũng nắng, vạt mưa, đi về phía bão giông, đi dọc luống cày"… để rồi ông có tập thơ “Mùa sau”.

Thơ là để “tải cái hồn” của người làm thơ. Với Đỗ Việt Dũng, dùng thơ để tải hồn mình từ tỉnh sang mê. Mê mà không lú lẫn. Chả thế mà bạn bè thường thuộc lòng thơ anh, nhớ anh là nhớ cái chất lính đầy nghĩa tình đồng đội, nhớ anh là nhớ cá tính mạnh mẽ của anh đầy gai góc nhưng cũng thật giàu cảm xúc yêu quê hương, yêu con người. Với cái tính ngang tàng vốn có, anh ra khỏi biên chế Nhà nước từ những năm 80, vào Bỉm Sơn - Thanh Hóa với lý do rất riêng. Cũng từ đó, hơn chục năm, cái đói nghèo cứ đeo bám vợ chồng ông cho đến ngày con thuyền gia đình vượt qua bão giông đã neo đậu bên hồ phố Chùa Láng, yên vị tại Thủ đô. Từ đó ông mới có điều kiện thể hiện hết biệt tài của mình. Mọi người biết đến tên tuổi ông, tìm đến thơ ông để cùng thư giãn, cùng khóc, cùng cười, cùng tri kỷ, cùng tri ân. Ông nhiều bạn, mà toàn bạn chí nghĩa, chí tình. Họ “nhờ vả” ông cái việc mà ít người làm được. Đó là viết hộ “ngành ca”. Ông làm chính trị bằng thơ. Thơ ông lại mang đầy nhạc tính nên có đến hơn chục bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc để làm công tác tuyên truyền.

Nhạc phẩm “Người nhạc trưởng giao thông” ra đời mới đây cũng nằm trong số các bài thơ được nhạc sỹ phổ nhạc từ đó đến rộng rãi hơn với công chúng để nhiều người lại biết đến ông.

Đó là một cơ duyên, khi mà ông Nguyễn Đình Lương - người bạn của nhà thơ Đỗ Việt Dũng ở huyện Đan Phượng yêu mến tặng Thiếu tá Trương Song Thành - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 9 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội bài thơ của Đỗ Việt Dũng viết về người CSGT. Ngay khi nhận được bài thơ, tâm đắc với bài thơ sâu sắc viết về lực lượng mình, Thiếu tá Trương Song Thành đã tìm đến nhạc sỹ Nguyễn Tuấn đề nghị phổ bài thơ này thành bài hát để phục vụ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát giao thông (16/2/1946 - 16/2/2016). Đọc được cái hồn của bài thơ, nhạc sỹ đã nhanh chóng dùng cung bậc âm thanh để dựng nên một bức tranh sinh động về một ngã tư đường phố với đầy khói bụi, còi xe đến nghẹt thở. Khi thời tiết khắc nghiệt, nắng nực, mưa tuôn, bão tố, ai cũng muốn tìm nơi né tránh thì người chiến sỹ CSGT vẫn luôn đứng đó, bám trụ tại ngã tư đường phố. Bằng chiếc gậy, chiếc còi trên tay, anh phân luồng chỉ hướng cho dòng xe ngược xuôi nhịp nhàng, an toàn thông suốt. Công việc thường ngày của các chiến sỹ CSGT tưởng chừng như đơn điệu, tẻ nhạt, ấy vậy mà qua ngòi bút của nhà thơ, qua âm thanh của nhạc sỹ, ta lại thấy một bức tranh vô cùng sinh động mà đầy ắp tình người: “Qua mỗi ngã tư ai cũng vui mừng/bởi kịp tới trường/ bởi không lỡ hẹn/Hiểu nỗi niềm kẻ đi người đến/đâu có dửng dưng ở ngã tư này”.

Từ bài thơ đến bài hát, hình ảnh người CSGT cứ hiển hiện lên trước mặt và ta hiểu rằng, có qua ngã tư thông suốt mới thấy được chiến công thầm lặng của chiến sỹ CSGT, công việc bình dị mà có lúc phi thường, nhiều khi đã đánh đổi cả tính mạng, xương máu để bảo vệ sự bình yên của nhân dân trên mọi nẻo đường.

Ca khúc phản ánh sự hy sinh thầm lặng ấy đã được thể hiện qua giai điệu hào hùng, khỏe khoắn, nhưng cũng là sự sẻ chia nỗi vất vả của người chiến sỹ CSGT: “Có lúc chúng ta chưa thật hài lòng/xin hãy nhớ những đoạn đường ùn tắc/sẽ thanh thản trước những điều vướng mắc/Và hiểu phần nào người nhạc trưởng giao thông”. Để rồi kết thúc nhạc phẩm nhịp 2/4 bằng câu “Bản hòa tấu dù xô bồ hỗn loạn/Bỗng nhịp nhàng theo tiết tấu giao thông”.

Âu cũng là cái giỏi, cái sáng tạo của nhạc sỹ Nguyễn Tuấn. Bài hát đã nhanh chóng được “bà đỡ” Trương Song Thành tổ chức cho thu đĩa với phần thể hiện của ca sỹ Nguyễn Đình Tuấn Dũng (Nhà hát ca múa nhạc Quân đội) và nhạc phẩm đã ra đời.

Rõ ràng, tác phẩm “Người nhạc trưởng giao thông” cho chúng ta thấy được hình ảnh đẹp của ngã tư đường phố với hình tượng chiến sỹ CSGT như một người nhạc trưởng với “chiếc đũa” điều khiển các nhạc công theo tiết tấu nhịp nhàng: “Dòng xe ào lên, dòng xe khựng lại/Âm sắc chiếc còi nhắc nhở điều phải, trái/người biết nhường nhau, người biết điểm dừng”. Cái giỏi, cái biệt tài viết về ngành nghề của Nhà thơ Đỗ Việt Dũng là ở chỗ viết về quy định của pháp luật khô cứng mà nhẹ như ta vừa cất tiếng hát ngọt ngào, là thông điệp gửi từ trái tim đến với trái tim.

Một số bài thơ của Đỗ Việt Dũng được phổ nhạc

-Trái tim người Thẩm phán - viết về Tòa án nhân dân, nhạc Huy Thục.
- Cô gái ngân hàng - viết về ngành Ngân hàng, nhạc Huy Thục.
-  Khe Sanh mảnh đất anh hùng - viết về Khe Sanh - Quảng Trị, nhạc Thúy Nga (giải Nhì toàn quốc).
- Bức chân dung màu hồng - viết về Trường Đại học PCCC, nhạc Quốc Vũ.
- Chúng tôi là Tham mưu An ninh - viết về lực lượng Tham mưu An ninh nhân dân, nhạc Quốc Vụ.
- Công lý và người làm án - viết về Tòa án nhân dân nhân kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Tòa án nhân dân; nhạc Vũ Duy Cương (giải Khuyến khích) v.v…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đỗ Việt Dũng và “Người nhạc trưởng giao thông”