Bất luận người đời có bình phẩm như thế nào đối với người quá cố thì riêng Nguyễn Ngọc Trình (SN 1975, trú thôn Đông Đức, phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa) vẫn luôn thấy bản thân chìm trong tội lỗi. Tiền có thể kiếm, đất có thể mua nhưng mạng người sao có thể hồi sinh như cũ.
Nguyễn Ngọc Trình cho rằng, chuyện tranh giành đất đai giữa hàng xóm láng giềng, thậm chí là anh em ruột thịt đăng nhan nhản trên báo, trên mạng… vốn cũ rích. Người xưa chẳng nói “bán anh em xa mua láng giềng gần”, còn anh em ruột vốn “gà cùng một mẹ” thâm tình “thủ túc”, lọt sàng xuống nia, có mất đi đâu mà sân si. Chính Trình cũng không ngờ có ngày cái hoàn cảnh trớ trêu vì đất “cũ rích” ấy lại dội xuống gia đình anh ta, khiến người mất mạng, kẻ phải đi tù.
Vốn không phải là người hẹp hòi nhưng sự quá đáng của đối phương làm cho tâm tính Trình trở nên xốc nổi. Trình nói, ở đời ghét nhất chữ “tham”, cho nên Trình dằn lòng lắm lắm để bản thân không quá hồ đồ. Nhưng rồi, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng… Nguyễn Ngọc Trình đã vì một phút cả giận không kiềm chế để rồi mang đến bao điều đau khổ cho nội thân.
Có người chửi Nguyễn Ngọc Trình là kẻ máu lạnh vô tình, không trọng tình trọng nghĩa, vô số người khác lại không tiếc lời chỉ trích sự tham lam quá mức của ông Nguyễn Ngọc Thành- anh trai Trình. Cho dù là chỉ trích ai, chửi ai thì với Nguyễn Ngọc Trình đó cũng là nỗi niềm đầy cay đắng,
Nguyễn Ngọc Trình và Nguyễn Ngọc Thành (SN 1959), là hai anh em ruột, cùng thường trú tại thôn Đông Đức, phường Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa. Trong thời gian Nguyễn Ngọc Trình đi làm ăn xa nhà, ông Nguyễn Ngọc Thành đã giấu mẹ và em trai để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất của bố mẹ đứng tên sở hữu cho mình.
Sau khi về địa phương, Nguyễn Ngọc Trình làm một ngôi nhà nhỏ trên lô đất đó để ở cùng mẹ. Ban đầu do mảnh đất chưa có giá trị nên không xảy ra tranh chấp gì. Nói một cách chính xác hơn, Nguyễn Ngọc Trình và mẹ không hay biết việc mảnh đất này đã… đổi chủ. Nguyễn Ngọc Trình vẫn nghĩ, đất của cha mẹ, mẹ không phản đối thì Trình cứ vậy cất nhà ở bên, tối ngày tiện bề chăm sóc.
Mọi thứ cứ bình yên trôi qua, Nguyễn Ngọc Trình và mẹ cũng bình yên sống. Cho đến một ngày cơn “sốt đất” thổi đến vùng quê vốn bình yên đó và cũng đã thổi bay hết sự tử tế của nhiều người.
Bằng chứng, đang yên đang lành chỉ vì giá đất tăng chóng mặt đã khiến Nguyễn Ngọc Trình và anh trai xảy ra mâu thuẫn. Ông Nguyễn Ngọc Thành ban đầu bóng gió cho rằng đó là đất của mình và chỉ cho Trình ở tạm, sau dần không cần che đậy đã huỵch toẹt tuyên bố “đất đã đổi chủ từ lâu”.
Tình cảm anh em không còn vẹn nguyên sau “cuộc chiến” giành đất… (Ảnh minh họa)
Giận, rất giận anh trai vì những việc làm của ông ấy là có chủ đích từ trước, làm mà không thèm bàn bạc với ai trong gia đình nhưng từ đầu đến cuối Nguyễn Ngọc Trình vẫn dùng sự ôn nhu để đối đáp với anh. Suy nghĩ của Trình vẫn đầy sự thiện lương “ở hết bao nhiêu mà tranh giành”, đôi lúc Trình còn cho phép bản thân nhu nhược để không phải tranh cãi lớn tiếng.
Vậy rồi cái sự nhịn của Nguyễn Ngọc Trình lại cứ vậy mà tỷ lệ thuận với sự ngông của ông Nguyễn Ngọc Thành. Trình càng muốn mọi thứ bình yên thì ông Thành lại muốn mọi thứ rõ ràng, của ai người nấy giữ. Sáng 5/07/2021, ông Nguyễn Ngọc Thành quyết định cho người xây dựng tường chắn lối đi ra khu đường chính trên đất của Nguyễn Ngọc Trình.
Bức tường dựng lên chẳng khác nào giới hạn chịu đựng của Nguyễn Ngọc Trình bị chặt đứt, Trình chẳng nghĩ được gì nhiều về phép tắc, lễ nghĩa nên hai anh em cứ vậy xảy ra xô xát. “Cuộc chiến” không dừng lại nên chính quyền địa phương phải ra tay can thiệp. Trong khi tổ công tác của UBND phường Quảng Đông đang tiến hành xác minh về lô đất thì ông Nguyễn Ngọc Thành cầm cuốc đập vỡ một góc mái nhà bếp của em trai mình.
Sự quá đáng của ông Thành chẳng khác nào tưới thẳng xăng vào đốm lửa. Máu điên trong người chảy ngược, Nguyễn Ngọc Trình chạy vào nhà lấy dao quắm lao ra chém liên tiếp vào người ông Thành làm ông Thành chết ngay tại chỗ. Gây án xong, Nguyễn Ngọc Trình đã đến cơ quan công an đầu thú.
Tất cả diễn ra chóng vánh, nhanh đến độ khi “hoàn hồn” Nguyễn Ngọc Trình tưởng rằng chỉ vừa mới trải qua một cơn ác mộng. Nguyễn Ngọc Trình tự nhận thời điểm vung dao chém anh trai, anh ta là con quỷ dữ. Sự tức giận dâng lên đỉnh điểm chẳng khác nào một quả bóng được bơm đến kịch khung, chỉ cần kích nhẹ là vỡ toang.
Anh trai đáng giận là vậy nhưng từ đầu đến cuối đáng lẽ ra làm em Trình không nên cố chấp, đến bây giờ Trình vẫn luôn bị dày vò bởi suy nghĩ ấy. Trình dằn vặt bản thân, vì sao đã nhịn, không nhịn đến cùng, vì sao vẫn cố chấp hơn thua để rồi cuối cùng anh trai vì mình mà bỏ mạng.
Nói Trình cố chấp là không công bằng. Lần đầu tiên, một vụ án xảy ra mà sau khi nghe tường tận sự tình thiên hạ lại chép miệng nặng lời với bị hại. Sự cố chấp, sự tham lam, sân si của ông Nguyễn Ngọc Thành chính là nguồn cơn của câu chuyện đau lòng ngày hôn nay. Việc làm có phần “quá đáng” của ông Thành thật đáng lên án và cũng chính là bài học đắt giá để làm gương cho mọi người.
Đâu đó một lời chỉ trích người quá cố nghe ra rất bất nhã cũng rất đau lòng nhưng sự thực không thể tránh khỏi. Thực sự mà nói trong vụ việc này, giá như một bên biết hy sinh thì chắc chắn sẽ không có sự tổn thương cho nhau, cũng chẳng để lại hậu quả đau lòng như thế.
Hận thù cũng từ đất đai mà ra, nghĩa tình cũng vì đất đai mà kết thúc… trong vụ án này, vì đất anh chết, em ngồi tù… đó thực sự là một cái kết bi thương không thể nào đo đếm.
Muôn ngàn nỗi hận, đủ kiểu ăn năn, Nguyễn Ngọc Trình chỉ có thể đè lại dưới đáy lòng, nhận lấy kết cục mà mình đã gây ra. Mức án chung thân về tội “Giết người” mà TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên, Nguyễn Ngọc Trình tự nhận là “đúng người đúng tội”.
Nguyễn Ngọc Trình ngồi tù cả cuộc đời, ít ra còn được sống, ít ra y còn có thời gian gặm nhấm nỗi đau như một cách trả giá cho những gì mình gây ra. Với Nguyễn Ngọc Trình lúc này, bản án không thời hạn thực sự chẳng sợ bằng bản án lương tâm mà anh ta phải đối diện hằng ngày.
(Tên bị hại đã được thay đổi)