Với địa hình khá phức tạp, gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý tuy nhiên, nhiều năm nay bằng sự nỗ lực không ngừng, Cục Hải Quan Cao Bằng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trụ sở Cục Hải quan Cao Bằng
Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc khoảng 330 Km, dài nhất so với các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Do nằm sát khu vực này, giao thông còn gặp nhiều khó khăn từ cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc, lại có nhiều cửa khẩu nên công tác quản lý về mặt nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực về hải quan.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Viết Phong, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng cho biết, loại hình xuất nhập khẩu hàng hoá mở tờ khai tại các cửa khẩu Cao Bằng còn ít. Mặt hàng chủ yếu là xuất nhập khẩu kinh doanh, tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan. Trong đó giá trị kim ngạch của mặt hàng có thuế còn hạn chế, chỉ chiếm 13,1%. Mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu là chì thỏi, hạt điều, cao su, hải sản, vải, than cốc, máy móc thiết bị. Với đặc thù như vậy, đơn vị luôn nhận được sự phối hợp, quan tâm của các đơn vị liên quan từ trung ương đến địa phương nên chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông Phong chia sẻ.
Cũng theo ông Phong, Hải quan Cao Bằng còn gặp vô vàn khó khăn như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu do không ổn định về số lượng chủng loại và kim ngạch mặt hàng có thuế chiếm tỷ lệ thấp.
Ngoài ra, vấn đề về hạ tầng cơ sở còn thiếu hoặc xuống cấp nên công tác giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ nước ta còn chưa chủ động được. Phía doanh nghiệp Trung Quốc lại thường xuyên thay đổi địa điểm, thời gian giao dịch khiến thủ tục, chi phí vận chuyển phát sinh nên dẫn đến nhiều khó khăn trong việc kinh doanh.
Theo thống kê chính thức của Cục Hải quan Cao Bằng, tính từ đầu năm 2018 đã có 120 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan tại Cao Bằng, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ngân sách thu về giảm đáng kể so với các năm vì các dự án thủy điện trên địa bàn đã hoàn thành, nguồn thu chủ yếu lại đến từ việc nhập khẩu máy móc thiết bị.
Ông Nông Phi Quảng – Chi Cục trưởng cửa khẩu Tà Lùng cho biết thêm, số thu thuế XNK của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng thường chiếm trên 60% số thu ngân sách của Hải quan tỉnh. Trong năm, đơn vị đã có nhiều giải pháp hợp lý trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh XNK qua cửa khẩu.
“Số thu thuế XNK của đơn vị chiếm khoảng 17% số thu ngân sách toàn Cục hải quan Cao Bằng. Đơn vị luôn nỗ lực kịp thời, bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời tích cực thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế, thu hồi nợ thuế, quản lý chặt chẽ hàng hóa XNK, phương tiện và người xuất nhập cảnh”, ông Mã Thanh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Trà Lĩnh cho biết thêm.
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế, Cục Hải quan Cao Bằng đã chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan; tuyên truyền, hỗ trợ cung cấp thông tin để các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và tự giác tuân thủ các quy định, chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK; niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại địa điểm làm thủ tục hải quan, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong thực hiện thủ tục hải quan; đưa hệ thống Dịch vụ công trực tuyến chính thức đi vào hoạt động, 100% thủ tục hành chính đều được tiếp nhận, xử lý qua hệ thống ở cấp độ 3 trở lên.
Ngoài ra, đơn vị tăng cường các biện pháp chống thất thu; tăng cường thu thập thông tin, xác định mặt hàng trọng điểm, có nguy cơ rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra phù hợp, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Cụ thể, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra ít hơn. Tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tỉnh tây Bắc đến Cao Bằng để chuyển qua biên giới Trung Quốc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống buôn lậu của Cục Hải quan Cao Bằng cũng được quan tâm sát sao. Đơn vị tích cực phối hợi với lực lượng bộ đội Biên phòng cửa khẩu trong việc trao đổi thông tin, tuần tra và đấu tranh ngăn chặn các vi phạm. Trao đổi phối hợp với lực lượng Công an các cấp để đấu tranh theo chuyên án, đường dây hoặc các đối tượng đã vận chuyển hàng hoá đi sâu vào nội địa.
“Phía đơn vị cũng đã tích cực phối hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hải quan cho các cư dân thường xuyên qua lại biên giới mua bán, trao đổi hàng hoá”, ông Phong nhấn mạnh.