Ăn nấm hái ở rừng về, bố chết, 2 mẹ con nguy kịch

Thảo Nguyên| 28/06/2019 20:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ăn nhầm nấm độc đã khiến 1 người chết và 2 người trong một gia đình ở Sơn La đang phải điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Trước đó, ngày 22/6, vợ chồng chị Vũ Thị T. (40 tuổi, ở Yên Châu, Sơn La) cùng 1 vài người vào rừng hái nấm có màu trắng về chế biến món ăn tối cho gia đình.

Sau bữa cơm chiều cả gia đình không có dấu hiệu gì đặc biệt, nhưng đến sáng hôm sau, 3 người trong gia đình gồm chồng, chị T. và con dâu (những người ăn nấm) có biểu hiện đau bụng, nôn và mệt nhiều.

Bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện huyện, sau đó được chuyển đến bệnh viện tỉnh Sơn La. Do tình trạng suy gan quá nặng, nên chồng chị T. đã tử vong. Chị T. và con dâu sau đó tiếp tục được chuyển về Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị.

BS Nguyễn Tiến Dũng - Người trực tiếp điều trị cho 2 mẹ con bệnh nhân T. cho biết, bệnh nhân T. bị nhiễm độc gan nặng. Hiện nay, Trung tâm đang áp dụng các biện pháp khác nhau để thải độc, truyền thuốc giải độc, hồi sức, kể cả cùng lúc lọc máu bằng nhiều biện pháp khác nhau cho bệnh nhân.

Hiện tại, 1 bệnh nhân có tiến triển tốt hơn nhưng cũng chưa dám nói trước được điều gì, bệnh nhân còn lại còn rất nặng.

Ăn nấm hái ở rừng về, bố chết, 2 mẹ con nguy kịch

Nấm tán trắng còn gọi là nấm thần chết ở Việt Nam.

Theo thông tin ban đầu, loại nấm gây ngộ độc là nấm độc tán trắng. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nấm độc tán trắng có tên khoa học là Amanita verna, thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác... Độc tố chính có trong nấm tán trắng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao, chỉ cần ăn một cây nấm cũng có thể tử vong.

Tại Việt Nam, nấm tán trắng thường mọc ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ. 

Mặc dù liên tục cảnh báo nhưng Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vẫn phải tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân ngộ độc do ăn nấm rừng. Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc khuyến cáo, trên thực tế có hàng nghìn loại nấm. Tuy nhiên số loại nấm độc không nhiều, nhưng để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó, với người dân thường xuyên nhầm lẫn, kể cả với chuyên gia cũng có thể nhầm.

Vì vậy, người dân hái nấm hoang ăn rất dễ bị ngộ độc. Nấm độc gây tử vong thường là nấm trông đẹp, bắt mắt và ngon. Thông thường, ngộ độc nấm xảy ra vào mùa Xuân, nhưng lác đác trong năm vẫn có những ca bệnh nhân ngộ độc nấm.

Theo BS Nguyên, một vấn đề rất nguy hiểm cho các nạn nhân ngộ độc nấm và gây khó khăn cho các BS là các loài nấm gây ngộ độc nặng và tử vong thường là loại có biểu hiện ngộ độc xuất hiện chậm quá 6 giờ sau ăn, có nghĩa là khi đó các chất độc đã vào sâu cơ thể, các biện pháp cấp cứu ban đầu gần như hết tác dụng, các bệnh nhân đến viện muộn, bị tổn thương đường tiêu hóa, viêm gan, suy thận rất dễ tử vong, tỷ lệ tử vong thường rất cao tới 50% hoặc có thể hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn nấm hái ở rừng về, bố chết, 2 mẹ con nguy kịch