5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW: Vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân

Lan Trần| 29/06/2018 10:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 85,6% dân số, đã vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Nhiều kết quả tích cực

Tham luận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đã cho thấy nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận trong những năm qua.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết với những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đã đạt được những kết quả tích cực. Đến thời điểm hết năm 2017, so với năm 2012, đối tượng tham gia BHXH tăng mới 3,25 triệu người, bằng 30,8%; đối tượng tham gia BH thất nghiệp cũng tăng nhanh qua các năm, tăng mới 3,5 triệu người, bằng 42,4%; đối tượng tham gia BHYT tăng thêm 20,97 triệu người (so với năm 2012 tăng 35,6%), đạt tỷ lệ 85,6% dân số, đã vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 21-NQ/TW.

5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW: Vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân

Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020

Công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đã tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, người dân trong giao dịch với cơ quan BHXH. Trong 5 năm, ngành BHXH đã giải quyết chế độ cho 762.460 người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp hằng tháng, đưa tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng tại thời điểm 31/12/2017 lên trên 3,1 triệu người (tăng 18,7% so với năm 2012); giải quyết cho trên 3,78 triệu người hưởng trợ cấp một lần; hơn 38,49 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và 3,93 triệu lượt người hưởng trợ cấp BH thất nghiệp.

Ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện tốt chính sách BHYT, kịp thời triển khai các văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện Luật BHYT như: quy định thông tuyến KCB BHYT; điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc; xây dựng và hướng dẫn thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả tại y tế cơ sở; danh mục, tỷ lệ điều kiện thanh toán vật tư y tế; sửa đổi, bổ sung chuẩn dữ liệu KCB BHYT...

Mặt khác, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT, BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quy trình, phương pháp giám định, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT; từng bước minh bạch, công khai các hoạt động KCB BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT. Trong 5 năm đã giải quyết cho 714,44 triệu lượt người KCB BHYT, bình quân mỗi năm là 142,9 triệu lượt người, tăng 17% so với năm 2012.

Trụ cột an sinh xã hội

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Trong thời gian qua, cùng với chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chú ý lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công tác BHXH, BHYT. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trong hơn 05 năm qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực và nhiều thành quả có ý nghĩa, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Được biết, những năm qua, BHXH Việt Nam đã tập trung cho công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ của Ngành để giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý như: sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký tham gia, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; các quy định về giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; quy trình giao dịch điện tử; quy trình giám định, khai thác thông tin trên Hệ thống Thông tin Giám định BHYT.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam, cắt giảm xuống còn 28 thủ tục; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận và trả kết quả TTHC (giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích…) đã giúp các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân tiết kiệm chi phí đi lại.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang xây dựng và sở hữu những hệ thống thông tin lớn như: Hệ thống thông tin giám định BHYT, Hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình, Hệ thống quản lý chi trả, xét duyệt các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử; Phần mềm giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp; Hệ thống một cửa điện tử tập trung; Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam để tiếp nhận các yêu cầu giao dịch điện tử, khai thác thông tin, dữ liệu về BHXH, BHYT của tổ chức, cá nhân (đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4); Hệ thống thông tin giám định kết nối gần 100% với cơ sở KCB trên phạm vi toàn quốc; đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW: Vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân