Về các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định (kỳ 5)

Quang Trung| 27/05/2014 14:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỳ 5: Cần hoàn thiện thủ tục rút gọn trong xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân

Trên thế giới, bên cạnh thủ tục tố tụng thông thường, nhiều nước đã xây dựng thủ tục tố tụng rút gọn (summary procedure) để áp dụng xử lý những vi phạm pháp luật nhỏ, giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện có giá trị thấp, những vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng.

Xuất phát từ các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống pháp luật... cách thức tổ chức các cơ quan tư pháp có thẩm quyền giải quyết các vụ việc theo thủ tục rút gọn ở mỗi nước có sự khác nhau với những tên gọi khác nhau; có quốc gia thành lập các Tòa án giản lược độc lập (Court of Summary Jurisdiction) ở cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với các vụ việc hình sự và dân sự như Nhật Bản; có quốc gia thành lập các Tòa vi cảnh (Magistrate’s Court/Police Court) để xử lý các vi phạm hình sự nhỏ, có quốc gia thành lập các Tòa giải quyết các vụ việc dân sự nhỏ (Small-Claims Court/Small-Debts Court/Court of Petty sessions) như ở Hoa Kỳ, Úc, Anh, Singapore; có quốc gia thành lập các Tòa hòa giải (the Peace Court/ Conciliation Court) để thực hiện chức năng hòa giải những tranh chấp nhỏ; có quốc gia không thành lập các Tòa giản lược độc lập với Tòa án sơ thẩm thông thường.

Về các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định (kỳ 5)

 

Ảnh minh họa

Thủ tục rút gọn đã được áp dụng ở nước ta

Ở Việt Nam, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn có thể được coi là đã từng được quy định trong pháp luật của nước ta từ thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, thời điểm đó, hình thức tố tụng rút gọn này còn nhiều hạn chế, như chỉ có một hình thức duy nhất là xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm và chỉ áp dụng đối với một loại vụ án – các vụ tranh chấp dân sự có giá ngạch thấp.

Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn thời kỳ này nằm rải rác trong một số văn bản như: Sắc lệnh 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức Tòa án và quy định các ngạch Thẩm phán. Sự rút gọn này trong văn bản thể hiện ở quy định Chánh án xử một mình; Điều 12 Luật tổ chức TAND năm 1960 quy định: có thể xét xử một thẩm phán, không có hội thẩm nhân dân trong vụ án nhỏ, giản đơn, không quan trọng; Nghị định 32 ngày 6/4/1952 của Bộ Tư pháp, thủ tục rút gọn thể hiện Tòa án huyện có quyền chung thẩm; Thông tư 4013/TTC ngày 9/5/1959 của Bộ Tư pháp và thông tư liên bộ thẩm phán – TANDTC số 93/TC ngày 11/11/1959 đã quy định Tòa án huyện có thẩm quyền chung thẩm một số lĩnh vực.

Hệ thống Tòa án ở nước ta được thành lập theo Sắc lệnh 33C ngày 13-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, xây dựng và hoàn thiện pháp luật tố tụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Ngày 02-6-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó có yêu cầu xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp.

Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Toà án. Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định. Tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự. Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và các cơ quan công quyền trước Tòa án.

Ngày 28/11/2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp mới. Theo quy định của Hiến pháp mới, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND đã được bổ sung, sửa đổi.

Trong đó, nguyên tắc việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm tham gia và nguyên tắc TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số đều quy định ngoại lệ đối với trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn (khoản 1 và khoản 4 Điều 103).

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức TAND và các Luật tố tụng cũng đã được đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đây là những điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, đề xuất thành lập Tòa giản lược trong hệ thống Tòa án nhân dân và áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết một số loại vụ việc cụ thể theo tinh thần cải cách tư pháp.

Đặc điểm của thủ tục rút gọn

Thủ tục rút gọn là thủ tục được hình thành trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục tố tụng thông thường nhằm giải quyết một số loại vụ việc cụ thể nhanh gọn, hiệu quả và có những đặc điểm sau đây: Được áp dụng để xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, bao gồm các tội vi cảnh (tương tự như vi phạm hành chính) tội ít nghiêm trọng (tiểu hình), chứng cứ đầy đủ, mức hình phạt thấp, bị cáo có căn cước, lai lịch rõ ràng; Được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự có giá trị tranh chấp không lớn, những vụ việc dân sự đơn giản, bất đồng giữa các bên không nghiêm trọng; Thủ tục giải quyết đơn giản, thời hạn giải quyết được rút ngắn (từ 2 đến 3 lần); thường được giải quyết bằng một Thẩm phán; quyết định của Tòa án có quốc gia quy định có hiệu lực thi hành ngay, có quốc gia cho phép kháng cáo lên Tòa án cấp trên; Chi phí tố tụng thấp hơn nhiều so với chi phí tố tụng thông thường.

Ý nghĩa của thủ tục rút gọn

Việc áp dụng thủ tục rút gọn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án xử lý hoặc giải quyết nhanh chóng các vi phạm hoặc các tranh chấp phát sinh trong xã hội mà vẫn bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Việc áp dụng thủ tục rút gọn sẽ giảm nhẹ đáng kể thời gian, vật chất cho hoạt động tố tụng của Tòa án; giảm nhẹ đáng kể chi phí tố tụng, thời gian, công sức của các đương sự cho việc tham gia tố tụng tại Tòa án;

Việc quy định về thủ tục rút gọn bên cạnh thủ tục tố tụng thông thường sẽ tạo cơ hội cho người dân lựa chọn phương thức khởi kiện, tham gia và tiếp cận các hoạt động của Tòa án; Việc xử lý hoặc giải quyết nhanh chóng các vi phạm hoặc các tranh chấp, bất đồng nảy sinh trong xã hội sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực của vụ việc đó trong xã hội; góp phần ổn định xã hội.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn ở một số nước:

Nhật Bản: Thẩm quyền giải quyết các vụ việc theo thủ tục rút gọn ở Nhật Bản được giao cho Tòa án giản lược thực hiện. Tòa giản lược có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự có giá trị tranh chấp dưới 1.400.000 Yên (tương đương 300 triệu đồng Việt Nam) và các vụ án hình sự nhỏ, có mức hình phạt là phạt tiền hoặc các hình phạt không nghiêm trọng. Theo nguyên tắc chung, Tòa án giản lược không có thẩm quyền quyết định các hình phạt tù không lao động hoặc các hình phạt tù nghiêm khắc hơn. Khi xác định hình phạt đối với bị cáo trong vụ án có thể vượt quá khung hình phạt cho phép thì Tòa án giản lược chuyển vụ án cho Tòa án sơ thẩm giải quyết. Tòa án giản lược ở các thành phố lớn, nơi có các Tòa sơ thẩm thường có một số Thẩm phán; ở những vùng ít dân cư thì chỉ có 1 Thẩm phán.

Trung Quốc: Bộ luật tố tụng hình sự Trung Quốc thì: “Toà án nhân dân có thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với những vụ án sau, do một Thẩm phán xét xử: Những vụ án mà bị cáo có thể bị phạt tù có thời hạn không quá 3 năm, tạm giam, giám sát hoặc chỉ phạt tiền, có tình tiết rõ ràng, chứng cứ đầy đủ và Viện kiểm sát đề nghị hoặc đồng ý áp dụng thủ tục rút gọn; Những vụ án chỉ giải quyết dựa trên khiếu nại; Những vụ án do người bị hại khởi tố, có chứng cứ chứng minh là án ít nghiêm trọng.” Vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào ba tiêu chí như sau: Tranh chấp giữa các đương sự có sự thật rõ ràng mà hai bên đương sự cơ bản nhất trí, chứng cứ đưa ra rõ ràng. Tòa án không cần phải tiến hành công việc điều tra, thu thập chứng cứ mà vẫn có thể làm rõ được sự thật, đúng sai của vụ án; Quan hệ pháp luật về tranh chấp giữa các bên đã rõ về việc bên nào được hưởng quyền lợi, bên nào phải gánh vác nghĩa vụ. Đồng thời quan hệ pháp luật về việc giải quyết tranh chấp đó cũng đã được quy định tương đối rõ ràng; Tranh chấp mà hai bên không có bất đồng lớn về đúng sai, trách nhiệm của các bên trong vụ án và các khoản chi phí tố tụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định (kỳ 5)