Sau rất nhiều lần gọi điện cầu cứu gia đình và công ty xuất khẩu lao động xin được về nước, thậm chí gia đình mang tiền bồi hoàn phá hợp đồng lao động trước thời hạn nộp cho công ty nhưng chị Lý Thị Lưu vẫn không được đưa về nước như đã hứa. Sau đó, công ty thông báo đến gia đình là chị Lưu đã chết do tự tử. Có rất nhiều uẩn khúc sau cái chết cuả chị Lưu cần được
Chị Lý Thị Lưu cùng con trai út trước ngày sang Ả rập lao động
Từ lời kêu cứu tuyệt vọng
Trước đó, ngày 28-12-2010, chị Lý Thị Lưu được Công ty Cổ phần Xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (NIBELC) có trụ sở tại chân cầu Giát, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình trực tiếp tuyển dụng và đưa đi lao động giúp việc gia đình ở Ả rập-Xê út với mức lương tính ra tiền Việt là 4 triệu đồng. Sang được hai ngày, chị Lưu gọi điện về cho Công ty nói không thể làm việc được vì công việc rất vất vả và không được ăn uống. Sau đó, nhiều lần chị Lưu gọi điện về cho gia đình nói ở bên này thời tiết khắc nghiệt, chị phải làm việc cực nhọc mỗi đêm chỉ được ngủ một tiếng đồng hồ, nhưng cả ngày chủ chỉ cho ăn một chiếc bánh mì. Chị Lưu nói với gia đình bằng mọi giá phải đưa chị về nước, dù có phải bán nhà.
Cháu Nguyễn Thị Phượng, con gái chị Lưu (SN 1993) cho biết, quá lo lắng trước tình hình của chị Lưu ở bên nước ngoài nên gia đình nhiều lần đến trình báo sự việc. Nhưng lãnh đạo Công ty lại cho rằng, ban đầu mới sang chưa quen, cứ để một thời gian xem thế nào. Chị Lưu càng gọi điện về cầu cứu nhiều hơn, khóc lóc nói gia đình bằng mọi giá phải chạy tiền đưa cho Công ty nếu không sẽ chết mà không về được. Chị Lưu nói mỗi ngày phải làm việc từ 14-16 tiếng, nhưng chủ chỉ cho ăn bánh mì và còn bị hành hạ, mắng chửi. Thậm chí khi chị bị ốm sốt họ vẫn bắt dậy làm việc và lột quần áo bắt tắm - điều này hoàn toàn không có trong hợp động đã ký với Công ty xuất khẩu lao động.
Theo yêu cầu từ phía Công ty NIBELC, gia đình chị Lưu phải nộp 42 triệu đồng bao gồm tiền phá hợp đồng và phí tổn khác thì Công ty sẽ đưa chị về nước trong thời gian sớm nhất. Ngày 27-1-2011, gia đình chị Lưu đã nộp đủ số tiền 42 triệu đồng và Công ty hứa chậm nhất là ngày 12-2 (mùng 10 Tết âm lịch) sẽ đưa chị Lưu về. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh gì, gia đình chị Lưu đến thúc giục Công ty thì phía Công ty vẫn chỉ hứa “đang giải quyết”. Chồng và các con của chị Lưu như ngồi trên đống lửa khi thi thoảng lại nhận được điện thoại chị Lưu gọi về với lời kêu cứu thống thiết.
… đến cái chết tức tưởi
Theo phản ánh của gia đình chị Lưu, lần cuối gia đình nhận được điện thoại của chị vào khoảng 6 giờ chiều 12-3. Chị khóc và nói tình trạng sức khoẻ rất yếu nhưng chủ nhà chỉ cho ăn cháo loãng với muối mà vẫn bắt làm việc. Đến ngày 23-3-2011, ông Hà Văn Tài, Phó Giám đốc Công ty NIBELC báo với gia đình là chị Lưu sắp được về nước và yêu cầu gia đình mang toàn bộ giấy tờ gốc, phiếu thu tiền 42 triệu đồng vào Thanh Hoá làm thủ tục huỷ toàn bộ giấy tờ thì mới đưa chị Lưu về. Thấy nghi ngờ nên gia đình chị Lưu đã không làm theo mà giữ lại toàn bộ số giấy tờ trên.
Đến ngày 24-3, gia đình chị vô cùng sửng sốt khi ông Hà Văn Tài lại gọi điện báo là chị Lý Thị Lưu đã tử vong ở Ả rập-Xê út, nguyên nhân chết là do tự tử.
Theo thông báo mà Công ty NIBELC thì chị Lưu tử vong ngày 24-3 nhưng mãi đến ngày 15-7 (tức sau gần 4 tháng) thi hài chị Lưu mới được chuyển về Việt Nam qua đường hàng không. Việc kiểm tra, nhận dạng thi hài để đưa về án táng được đại diện gia đình và Công ty xác nhận. Theo biên bản làm việc của Công ty NIBELC với gia đình nạn nhân, đại diện Công ty là ông Vũ Đức Lanh đã bồi hoàn cho gia đình chị Lưu số tiền 100 triệu đồng, rồi sau đó có trách nhiệm liên hệ với Đại sứ quán hai nước Việt Nam-Ả rập để làm thủ tục bảo hiểm cho chị Lưu.
Và những trang nhật ký đẫm nước mắt
Khi thi hài chị Lưu được chuyển về Việt Nam, có một quyển nhật ký được gói ghém rất cẩn thận trong túi tư trang hành lý chuyển cho gia đình. Trong nhật ký, chị viết, “… sức khoẻ tôi ngày càng suy yếu, cạn kiệt không làm được, nó (chủ nhà) vẫn lôi dậy bắt làm. Tôi đã khóc lóc cầu xin Công ty cho tôi về nước, gia đình đã chồng đủ 42 triệu mà hơn 1 tháng rồi mà nó không cho tôi về, tôi còn ba đứa con nhỏ dại, người chồng bệnh tật, ai thương con tôi với…” , “Tôi đòi về, họ cho tôi ra văn phòng Công ty, được Công ty cho ăn một bữa no rồi hỏi về hay tới chỗ có người Việt Nam? Sau một hồi đi vòng vo họ lại đưa tôi về nhà cũ. Tôi bất ngờ sửng sốt với cái người độc ác ấy lại tiếp tục hành hạ tôi. Tôi sốt nó bắt tôi tắm, không cho uống thuốc chỉ cho ăn cháo loãng với muối, tôi ngất đi nó lấy nước muối hắt vào mặt tôi…”.
Trang nhật ký ngày 9-3-2011, chị Lưu viết “đã không ăn được nửa tháng nay rồi, cố nuốt từng hạt cơm để chờ ngày được về với ba đứa con của tôi, nhưng càng chờ càng thấy vô vọng”; “tôi thương con tôi và căm thù Công ty đã đưa tôi đi nhưng vô trách nhiệm…”.
Sau những gì đã diễn ra, gia đình chị Lưu rất bức xúc cho rằng cái chết của chị Lưu mà Công ty thông báo do tự tử có nhiều điểm đáng ngờ. Bởi trong suốt thời gian trước khi mất, chị vẫn liên lạc về với gia đình, và ngay cả những trang nhật ký, chị luôn mong ngóng được về với ba đứa con nhỏ. Bên cạnh đó, nếu Công ty làm thủ tục đưa chị Lưu về ngay từ khi gia đình nộp tiền bồi hoàn phá vỡ hợp đồng thì có thể chị Lưu không bị chết oan ức như vậy.
M.Thoa