Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 16/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Tham gia đoàn có nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tiền Giang đã nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, đạt kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%; sản lượng lương thực đạt 1,34 triệu tấn; hơn 70.775 ha vườn cây ăn trái cho thu hoạch 1,34 triệu tấn; nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản đạt sản lượng hơn 240.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra... Toàn tỉnh có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân số tiêu chí đạt được trong toàn tỉnh là 11,23 tiêu chí/xã. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2015 thực hiện gần 65.000 tỷ đồng, hai tháng đầu năm 2016 thực hiện hơn 11.500 tỷ đồng. Các ngành dịch vụ giữ vững nhịp độ tăng trưởng, du lịch thu hút gần 1,5 triệu lượt khách năm 2015, hai tháng đầu năm 2016 là 268 ngàn lượt khách. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm lãnh đạo thực hiện, đặc biệt là công tác giảm nghèo. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8% dân số toàn tỉnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ Tiền Giang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chủ động tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mới đây nhất là Hội nghị Trung ương 2 với việc thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch định hướng tài chính - ngân sách Nhà nước và Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm phải làm trong thời gian tới. Toàn Đảng, toàn dân thống nhất nói và làm, bám sát nội dung, tinh thần Nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đồng chí cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị, trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại... sát hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Muốn vậy, Tiền Giang phải thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Với Tiền Giang, tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt, khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tỉnh cần có giải pháp cấp bách, quyết liệt phòng chống hạn, mặn, khắc phục những khó khăn do hạn, mặn gây ra, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương, trên cơ sở phân tích tình hình thực tế tại địa phương, tỉnh cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bởi thế mạnh của Tiền Giang vẫn là nông nghiệp, là vườn cây ăn trái... Trước mắt, tỉnh cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng thiếu nước ngọt, có giải pháp kịp thời, đồng bộ phòng chống hạn mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Tổng Bí thư lưu ý Tiền Giang cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích xuất khẩu, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút, kêu gọi đầu tư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi công nhân Làng nghề sản xuất gỗ truyền thống Gò Công. Ảnh:TTXVN
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Tiền Giang cần lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bảo đảm dân chủ, chất lượng, đúng quy định của pháp luật.
Tổng Bí thư mong muốn Tiền Giang tiếp tục quan tâm làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nếu xây dựng Đảng không tốt, cán bộ thoái hóa biến chất, thì dân không tin. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt, cho nên phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, trọng dân, tin dân. Kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, đồng thời biết vận dụng sáng tạo, không cứng nhắc, đổi mới tư duy, phong cách làm việc, chỉ đạo ráo riết quyết liệt, nội bộ đoàn kết thống nhất cao, có như vậy mới sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo chuyển biến thực tiễn. Tổng Bí thư tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang sẽ không ngừng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường và những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới, tiếp tục vững bước phát triển, đi lên.
Tổng Bí thư cũng ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Tiền Giang, đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình, dự án bức xúc nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đề nghị bổ sung Khu kinh tế ven biển Gò Công vào Quy hoạch khu kinh tế ven biển của cả nước.
Thăm vùng hạn, mặn Gò Công Đông
Đến thăm, làm việc tại xã Gia Thuận - xã bãi ngang đặc biệt khó khăn thuộc huyện ven biển Gò Công Đông, một trong những khu vực trọng điểm của tỉnh Tiền Giang, đang phải chống chọi với tình hình hạn mặn gay gắt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến tình hình hạn mặn, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và biện pháp ứng phó của địa phương nhằm ổn định sản xuất, sinh hoạt của bà con; tình hình phát triển kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Tổng Bí thư thông cảm, chia sẻ với những khó khăn bà con gặp phải trong sản xuất và đời sống do tác động, ảnh hưởng của thiên tai. Xâm nhập mặn năm nào cũng diễn ra nhưng năm nay diễn ra sớm hơn, gay gắt, quyết liệt hơn, gây thiệt hại trên 1080 ha trong tổng số hơn 11.100 ha lúa Đông Xuân, trên 1.580 ha nuôi nghêu của huyện. Tổng Bí thư hoan nghênh huyện Gò Công Đông đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều biện pháp ngăn mặn, giữ ngọt, tổ chức 252 điểm bơm chuyền cứu lúa, mở 85 vòi nước công cộng phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân, giảm thiểu được thiệt hại... Tuy nhiên, cần có giải pháp cơ bản, lâu dài, Trung ương phối hợp với địa phương để giải quyết tình trạng này; trước mắt cần tập trung thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về các giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn.
Thời gian qua, huyện Gò Công Đông phải đối mặt với nhiều khó khăn, tình hình thiên tai, thời tiết, dịch bệnh diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự lãnh đạo, điều hành của địa phương và tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của nhân dân. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, huyện Gò Công Đông đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 11,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,6 triệu đồng. Trong sản xuất nông – ngư nghiệp, huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước thích ứng với thị trường, hình thành cánh đồng mẫu lớn, sản xuất rau an toàn theo mô hình Vietgap, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Diện tích gieo trồng 32.995 ha, sản lượng lương thực đạt 190.799 tấn.
Phát huy tiềm năng kinh tế biển, toàn huyện nuôi trồng 3.293 ha thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm, nghêu; có hơn 700 phương tiện đánh bắt xa bờ; thành lập 10 tổ hợp tác khai thác thủy sản, ngoài việc đánh bắt còn hỗ trợ lẫn nhau trong phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tổng Bí thư ghi nhận, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, huyện đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu xây dựng thêm 6 xã nông thôn mới, làm tiền đề xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,96%.
* Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Y ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông; thăm làng nghề gỗ Gò Công thuộc xã Tân Trung, thị xã Gò Công.