Đề nghị giao cơ quan tư pháp đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp", là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) tại buổi thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Sáng nay ( 23/5), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo
Trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) đã được Chính phủ báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Tư, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo sửa tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh, cụ thể là: “Luật Đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”, cụm từ “đơn vị HCKTĐB” được gọi tắt là “đặc khu” để bảo đảm ngắn gọn và thuận tiện trong thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cũng nêu rõ, dự án Luật chỉ quy định các nội dung đặc thù về cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước tại đặc khu. Do đó, những nội dung không được quy định tại Luật này thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Tương tự, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư không được quy định tại Luật này thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đối với khu kinh tế.
Đối với quy định về thủ tục đầu tư kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, 11 điều quy định về nội dung này (từ Điều 18 đến Điều 28) được để chỉnh lý một cách cơ bản, trong đó phân quyền mạnh mẽ việc xem xét chấp thuận dự án đầu tư cho chính quyền đặc khu. Thủ tục đăng ký đầu tư được cải cách tối đa theo hướng đơn giản, thuận tiện; tăng tính công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận và thực hiện các thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh tại đặc khu.
Về mô hình chính quyền địa phương đặc khu, theo Báo cáo giải trình của UBTVQH, sẽ vẫn gồm có HĐND và UBND, song HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; không tổ chức Thường trực HĐND và các ban của HĐND. HĐND đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề về nhân sự chủ chốt, kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách đặc khu, chủ trương đầu tư và thu hồi đất, biện pháp tổ chức đời sống dân cư và thực hiện chức năng giám sát (Điều 67). UBND đặc khu có trách nhiệm xây dựng để trình HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của đặc khu; quyết định một số vấn đề về tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật (Điều 68). Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển KT - XH tại đặc khu, được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên (Điều 69).
Cần cởi trói, tháo gỡ khó khăn cho đặc khu
Tại phiên thảo luận các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành tổ chức chính quyền đặc khu gồm HĐND và UBND.
Ủng hộ việc ban hành luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng ban soạn thảo cần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đại biểu để hoàn thiện luật phù hợp với thực tế.
Ông cũng nhất trí quan điểm trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần có tổ chức HĐND để thực hiện giám sát. Theo ông, quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình lại mới hoặc thường xuất hiện cái nóng thì càng cần được kiểm soát, giám sát quyền lực. "Điều này giúp không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng, làm mất niềm tin, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm suy thoái niềm tin. Đơn vị nếu có sai phạm rất khó điều chỉnh vì liên quan đến các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới", đại biểu Quảng Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt các quy định cho Chủ tịch để giao cho UBND để đơn vị này uỷ quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch và các ban ngành chuyên môn.
Theo dự thảo, nhiều nội dung Chủ tịch ký cấp quyết định như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu, cấp đổi giấy phép kinh doanh, cấp đổi thu hồi giấy phép thành lập hoạt động các chi nhánh văn phòng đại diện…
"Chủ tịch không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề. Việc gì Chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn. Vị trí Chủ tịch dễ vi phạm khuyết điểm. Một trăm làm việc tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa, rất nguy hiểm", ông Nguyễn Ngọc Phương phân tích.
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, với tinh thần thử nghiệm, đột phá, chắc chắn Chính phủ sẽ cẩn trọng khi chọn lựa cá nhân giữ chức danh Chủ tịch UBND đặc khu, đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ được giao. “Nếu những việc cần quyết định ngay mà không quyết được sẽ khó tạo sự đột phá cho đặc khu”, đại biểu Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Tán thành với quy định giao nhiều thẩm quyền vượt trội cho UBND, Chủ tịch UBND đặc khu, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, không nên quy định mô hình bộ máy UBND đặc khu chung cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Thay vào đó, dự thảo Luật cần cởi trói, tháo gỡ khó khăn cho đặc khu, mà cụ thể bằng việc trao quyền cho chính quyền đặc khu tổ chức bộ máy UBND phù hợp với đòi hỏi công việc thực tế ở mỗi địa bàn.
Giao Toà án đặc khu giải quyết khiếu kiện đối với Chủ tịch UBND
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội dành sự quan tâm đến các quy định liên quan hoạt động tư pháp tại đặc khu. Theo dự thảo luật, Tòa án đặc khu được tăng thẩm quyền đối với các vụ án dân sự. Hầu hết vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh sẽ được chuyển cho Tòa án đặc khu giải quyết. Về án hình sự, dự thảo quy định Tòa án đặc khu được xét xử tội phạm đến 15 năm tù. Điều này theo đại biểu Thuỷ là phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn). Ảnh: Quân Minh
Tuy nhiên đại biểu Thủy băn khoăn việc dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho Tòa án đặc khu trong các vụ án hành chính (án dân kiện chính quyền). Theo đó, mọi khiếu kiện của người dân về quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và chủ tịch UBND sẽ do Tòa án cấp tỉnh giải quyết.
Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp, cùng với sự phát triển năng động của các đặc thì cũng dự báo sự gia tăng lớn của các vụ án dân sự, vụ án hành chính như vụ án liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng của dự án.... Theo số liệu thống kê 3 năm từ 2015 đến nay, số lượng quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện bị khiếu kiện tới toà tăng mạnh, như Phú Quốc tăng gấp gần 2 lần. Dự thảo chỉ đặt vấn đề tăng thẩm quyền về án dân sự, không tăng thẩm quyền với vụ án hành chính dẫn đến thực tế là với vụ án dân sự, Toà án đặc khu có thể giải quyết những việc rất phức tạp trong khi đó lại không có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đồng cấp.
Phân tích kỹ hơn vị đại biểu này cho rằng, nếu lấy lý do việc giao Toà án đặc khu thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện với UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư khách quan, thì sẽ không giải thích được việc luật hiện hành đang giao cho 63 TAND cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện đối với quyết định của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lập luận này cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng là cho phép thực hiện thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy, trong đó có bộ máy tư pháp.
Ngoài ra, quy định như dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại cho người dân và nhà đầu tư. Cả 3 đặc khu đều cách xa trung tâm tỉnh, như người dân ở Phú Quốc muốn đến Kiên Giang phải đi 120km đường biển. Theo nguyên tắc tố tụng, nếu bản án sơ thẩm bị kháng nghị, kháng cáo thì vụ án phải do Toà án cấp cao giải quyết, trong khi cả nước chỉ có 3 toà cấp cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, khi đó rất vất vả cho người dân, nhà đầu tư tiếp tục theo kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Nữ đại biểu cũng phân tích, khác với vụ án dân sự có thể uỷ quyền cho luật sư tham gia, trong vụ án hành chính, luật tố tụng hành chính quy định Chủ tịch UBND phải trực tiếp tham gia toàn bộ giải quyết vụ án, nếu uỷ quyền thì chỉ đến Phó chủ tịch. Đại biểu Thuỷ cho biết, chưa đầy 2 năm thi hành luật nhưng nhiều địa phương đề nghị sửa điều này vì số lượng Phó Chủ tịch khống chế từ 2-3 người như hiện nay thì về điều hành công việc đã quá tải nên không đủ thời gian vật chất để tham gia phiên toà.
Trong khi đó các đặc khu được dự báo phát triển nóng thời gian tới, đòi hỏi người đứng đầu phải điều hành nhanh nhẹn, hiệu quả nhưng bắt buộc phải tham gia đầy đủ phiên toà thì có thể ảnh hưởng đến việc điều hành ở địa phương, mà nếu không tham gia phiên toà sẽ ảnh hưởng đến việc đối thoại, tranh tụng với người dân, làm tăng bức xúc của người dân.
“So sánh mối tương quan giữa hành pháp và tư pháp trong luật cho thấy còn khoảng cách rất lớn”, đại biểu Lê Thị Thuỷ nhấn mạnh. Vì UBND và Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền rất mạnh, được giao nhiều thẩm quyền từ các cơ quan nhà nước cấp trên, cụ thể là 44 thẩm quyền ở tỉnh, 21 ở Bộ và 8 thẩm quyền của Thủ tướng. Nhưng cơ quan tư pháp đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp hành chính với mình. Điều này là chưa phù hợp nguyên tắc không dồn án cho cấp trên vì quy định như dự thảo thì các vụ án hành chính dồn lên cấp trên và thậm chí còn lên tận Toà cấp cao giải quyết.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ chia sẻ, khi đi tìm hiểu mô hình đặc khu một số nước được đánh giá thành công về mô hình đặc khu, khi được hỏi điều gì tạo nên sức hấp dẫn với nhà đầu tư tại nơi đây thì câu trả lời là ban đầu thì ưu đãi về kinh tế nhưng về lâu dài là ổn định chính sách và một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh có đủ thẩm quyền, năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn đặc khu.
“Đề nghị giao cơ quan tư pháp đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp. Các cơ quan tư pháp với thẩm quyền được giao phù hợp chính là những đảm bảo cần thiết cho việc vận hành cơ chế đặc thù tại đặc khu, thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận công lý”, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nêu ý kiến.