Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa TAND hai nước Việt - Lào

Trần Minh Giang| 05/08/2014 21:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ ngày 4 đến ngày 10/8, Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Lào gồm 7 thành viên do ông Khăm Pha Seng Đa Ra, Phó Chánh án TANDTC Lào làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Chuyến thăm của Đoàn đại biểu TANDTC Lào nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Tòa án hai nước, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tổ chức, hoạt động của Tòa Hành chính và kinh nghiệm trong việc Tổ chức Hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới ba nước (Việt Nam - Lào - Campuchia).

Ngày 5/8/2014, tại Hà Nội, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC đã hội đàm với Phó Chánh án TANDTC nước CHDCND Lào Khăm Pha Seng Đa Ra cùng các thành viên. Thay mặt TANDTC Việt Nam, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cảm ơn Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Lào đã dành thời gian sang thăm, làm việc tại Việt Nam và chúc Đoàn thu được những kết quả tốt đẹp trong chuyến công tác.

Thay mặt TANDTC Lào, ông Khăm Pha Seng Đa Ra bày tỏ vui mừng được đến với đất nước và con người Việt Nam cũng như sự đón tiếp trọng thị của TANDTC Việt Nam. Đồng chí Bùi Ngọc Hòa đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc luôn sát cánh bên nhau trong công cuộc chiến đấu, xây dựng và phát triển đất nước. Đối với TANDTC Việt Nam và Lào, trong những năm qua, Tòa án hai nước đã có nhiều phương thức hợp tác nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xét xử.

Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa TAND hai nước Việt - Lào

Buổi hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào 

Trong phần hội đàm, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa giới thiệu với Đoàn đại biểu TANDTC Lào về vị trí của hệ thống Tòa án Việt Nam trong bản Hiến pháp năm 2013; công tác cải cách tư pháp của Việt Nam trong thời gian gần đây; giới thiệu tổng quan về Tòa Hành chính; kế hoạch hợp tác trong thời gian tới. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 được ban hành với nhiều điểm mới tiến bộ, nhiều quy định mới liên quan đến việc đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, trong đó có hệ thống TAND, đã nâng cao và khẳng định tầm quan trọng của TAND trong bộ máy Nhà nước, phù hợp với xu thế chung của thế giới. TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử; là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp theo quy định của pháp luật và về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiến pháp mới đã tạo ra vị thế mới, điều kiện mới bảo đảm cho tổ chức, hoạt động của TAND trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và thực hiện cải cách tư pháp. Hiện nay, TANDTC Việt Nam đang hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Về công tác cải cách tư pháp, đây là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề cập một cách toàn diện đến những vấn đề cải cách liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng đã xác định, Tòa án giữ vai trò trung tâm của hệ thống tư pháp và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, TANDTC Việt Nam đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng một số đề án quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND.

Giới thiệu về Tòa Hành chính của hệ thống TAND Việt Nam, Phó Chánh án TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết: Tòa Hành chính được thành lập và đi vào hoạt động từ 1/7/1996. Tòa Hành chính không được tổ chức thành một hệ thống độc lập, mà tổ chức thành các Tòa chuyên trách trong hệ thống TAND gồm: Tòa Hành chính thuộc TANDTC và TAND cấp tỉnh; ở cấp huyện không thành lập Tòa Hành chính nhưng có thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính. Theo quy định này, TAND các cấp đều có quyền xét xử các vụ án hành chính. Việc thành lập Toà Hành chính và thực tiễn hoạt động xét xử đã góp phần thúc đẩy quá trình cải cách nền hành chính ở Việt Nam, buộc các cơ quan hành chính Nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước phải tự nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm, cũng như phương thức điều hành, quản lý xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của mình và buộc những người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước phải chú ý cân nhắc, thận trọng hơn khi ra một quyết định hành chính hay khi thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa TAND hai nước Việt - Lào

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu TANDTC Lào

Phát biểu tại buổi hội đàm, ông Khăm Pha Seng Đa Ra, Phó Chánh án TANDTC Lào cho biết: Hiện hệ thống TAND Lào được tổ chức theo thẩm quyền và cấp xét xử; các TAND sơ thẩm khu vực đã và đang hoạt động rất hiệu quả, nhưng ở Lào chưa có Tòa Hành chính. Do đó, TANDTC Lào rất muốn TANDTC Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về mặt tổ chức, điều hành cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Về vấn đề này, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa chia sẻ vui mừng khi Bộ Chính trị nước CHDCND Lào đã có chủ trương thành lập Tòa Hành chính trong hệ thống TAND của Lào. TANDTC Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ TAND Lào thành lập Tòa Hành chính. Bên cạnh đó, TANDTC Việt Nam rất mong muốn được TANDTC Lào chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng tổ chức Tòa án theo thẩm quyền và cấp xét xử; các TAND sơ thẩm khu vực.

Về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, ông Khăm Pha Seng Đa Ra, Phó Chánh án TANDTC Lào nhấn mạnh: Hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới ba nước (Việt Nam - Lào - Campuchia) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2014 tại Lào. TANDTC Lào đã có Công hàm mời 50 đại biểu TAND Việt Nam tham dự Hội nghị. Dó đó, TANDTC Lào mong muốn TANDTC Việt Nam truyền đạt những kinh nghiệm của mình trong việc tổ chức Hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới ba nước được tổ chức vào tháng 12/2010 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Vấn đề này, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cam kết sẽ giúp đỡ TANDTC Lào về công tác chuẩn bị, kỹ thuật, nội dung và hỗ trợ kinh phí (khoảng 2 tỷ đồng Việt Nam) để TANDTC Lào tổ chức thành công hội nghị.

Về đề xuất của TANDTC Lào đối với TANDTC Việt Nam trong việc giúp đỡ Lào xây dựng Dự án Nâng cao năng lực cho ngành TAND Lào giai đoạn II và Dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho TAND tỉnh Hủa Phăn (Lào), Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết, các dự án này không nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ và do nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế nên chưa có căn cứ để triển khai trong năm 2014. Vì vậy, Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào nên xem xét, cân nhắc dựa trên nhu cầu thực sự của phía Lào. Nếu xét thấy hai dự án trên thật sự cần thiết, đề nghị Chính phủ Lào có ý kiến chính thức với Chính phủ Việt Nam để cùng trao đổi cân đối, bố trí kinh phí triển khai trong thời gian tới.

Kết thúc buổi hội đàm, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cảm ơn các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Lào đã sang thăm và chia sẻ nhiều kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động với Tòa án Việt Nam. Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa tin tưởng, TANDTC hai nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những phương thức hợp tác mới nhằm không ngừng trao đổi và chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử.

Buổi chiều cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hoàng Bạch Yến, Chánh tòa Tòa Hành chính TANDTC Việt Nam đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Lào để truyền đạt những kinh nghiệm về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Tòa Hành chính TANDTC Việt Nam cũng như Tòa Hành chính của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa TAND hai nước Việt - Lào