Thủ tướng kêu gọi mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một “pháo đài” chống dịch. Mỗi người cần bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương nơi cư trú.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị
Chiều ngày 2/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương bàn giải pháp phòng, chống Covid-19.
Cùng dự tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo các bộ, ngành.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tham dự đông đủ, thể hiện sự quan tâm, sự “đồng thanh nhất trí” về quyết tâm chống dịch COVID-19 trong giai đoạn 2 sau khi có ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng ngày 24/7. Những ngày gần đây, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn ở TPHCM, Hà Nội…
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có dịch trong cộng đồng cũng như chúng ta phải thực hiện được mục tiêu kép trong lúc toàn cầu gặp khó khăn.
Dồn mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp xử lý triệt để ổ dịch
Kết luận Hội nghị Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến của các địa phương khi nêu nhiều giải pháp cụ thể, từ đó nhấn mạnh, cần hoàn thiện Chỉ thị mới thay cho Chỉ thị 16, 19 trong bối cảnh giai đoạn 2 của dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương là bình tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn chặn để ngăn ngừa có hiệu quả làn sóng Covid-19 thứ hai vào Việt Nam. Tinh thần là không để lây lan trên diện rộng, không để xuất hiện ổ dịch mới xuất hiện mà không được ngăn chặn. Không chủ quan nhưng không hoang mang, dao động, bị động.
Theo Thủ tướng, trước hết, hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là những vùng có dịch, ổ dịch, cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo.
Tiếp đó, phải khởi động hệ thống, nhất là hệ thống y tế, để sẵn sàng phòng chống dịch. Đồng thời, quản lý chặt chẽ biên giới; sẵn sàng dồn sức và khả năng có thể để phòng chống dịch tốt nhất. Các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện cần phải có biện pháp quản lý tốt để hạn chế tử vong.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp xử lý triệt để ổ dịch liên quan đến các khu vực nguy cơ cao là TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng như các ổ dịch khác xuất hiện. Tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, lấy mẫu xét nghiệm rộng, giám sát y tế đối với tất cả các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ mắc bệnh, tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh và các trường hợp từ ngày 1/7/2020 có đi - về từ TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và qua lại ổ dịch…
Bằng nhiều biện pháp kêu gọi người dân khai báo y tế, theo dõi tình sức khỏe. Trường hợp ho, sốt phải được kiểm tra kịp thời trên phạm vi cả nước.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, để nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, Thủ tướng đề nghị người dân thực hiện cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì hướng dẫn, phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố triển khai nhanh nhất việc này.
Cùng với đó là khuyến khích thúc đẩy các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến như dạy học, khám bệnh từ xa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử. Đây cũng là dịp thúc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp, khuyến khích người trẻ đóng góp vào quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng mong muốn người dân không hoang mang lo lắng; cần tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia.
Thủ tướng lưu ý không để xảy ra ổ dịch, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế và bảo vệ nhân viên y tế tốt nhất, đồng thời xử lý nghiêm minh người tung tin đồn, tin giả gây hoang mang dư luận.
“Chống dịch như chống giặc” ở cấp độ mới
Thủ tướng nhấn mạnh Trong chỉ đạo, cần cân bằng giữa an ninh y tế và an ninh kinh tế xã hội, đặc biệt không làm những việc thái quá.
Thủ tướng: Mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một “pháo đài” chống dịch. Mỗi người cần bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương nơi cư trú.
Đối với những địa phương mà chưa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì vẫn phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, không đễ đứt gãy nền kinh tế, nhất là những trung tâm kinh tế lớn cũng như các thành phố và các địa phương trong cả nước.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ cho cả doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do Covid-19.
Thủ tướng lưu ý các địa phương không áp dụng các biện pháp thái quá không đúng với trạng thái của dịch như ngăn sông cấm chợ, không được tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có ổ dịch dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội. Đây chính là mầm mống gây mất trật tự an ninh. Các biện pháp giãn cách xã hội phải được tính toán chặt chẽ với phạm vi và quy mô hợp lý.
Thủ tướng cho biết, phương châm chỉ đạo lần trước là “chống dịch như chống giặc”, lần này dịch ở cấp độ mới, có thể diễn ra trên diện rộng nếu ngăn chặn không hiệu quả, nên mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một “pháo đài” chống dịch. Mỗi người cần bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương nơi cư trú.
Khởi tố các trường hợp tổ chức đưa người trái phép vào Việt Nam
Thủ tướng nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, ăn uống đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt những vùng có ổ dịch càng phải nghiêm túc. Nhân dân các địa phương thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.
Các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành tiếp tục cảnh giác, kiểm soát các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam qua các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, hàng không; kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở, kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực tập trung đông người nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp khởi tố các trường hợp tổ chức đưa người trái phép vào Việt Nam cũng như lưu trú trái phép các trường hợp từ nước ngoài vào Việt Nam theo quy định pháp luật.
Về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT đảm bảo an toàn các khu vực thi, căn cứ thực tiễn để chỉ đạo các địa phương về phương án đảm bảo an toàn. “Nhiều đồng chí khuyên là chưa kết luận mấy lần thi. Nói chung, những khu vực giãn cách xã hội, có ổ dịch chưa thi và để lần khác thi cũng không ảnh hưởng gì cả”, Thủ tướng nói.
Liên quan đến 400 người Hà Nội, TP.HCM ở Đà Nẵng chưa thể trở về, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ phương tiện đưa những người này trở về địa phương.
Trước đó, báo cáo tại đầu cầu Đà Nẵng, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết Đà Nẵng còn hơn 400 khách du lịch chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM đang bị mắc kẹt, rất muốn về nhưng không về được.
Chủ tịch Đà Nẵng đề nghị hỗ trợ thực hiện các biện pháp y tế phù hợp để những người này trở về địa phương, bởi Đà Nẵng chưa biết kết thúc dịch khi nào, cần đưa các du khách trở về với cuộc sống của họ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp (tính đến 18h ngày 1/8), sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24/7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Trong vòng 10 ngày tính từ 24/7 đến nay, đã ghi nhận 144 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 31/7/2020, số trường hợp mắc đạt mức kỷ lục từ đầu vụ dịch với 82 trường hợp mắc, trong đó có 56 trương hợp lây nhiễm tại cộng đồng. Do dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ 5- 8/7/2020 và từ 16-20/7/2020. Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lẫy nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng, đồng thời việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn. Các trường hợp bệnh được ghi nhận trong cộng đồng tới thời điểm hiện tại hầu hết đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của TP. Đà Nẵng với 138/144 trường hợp, là bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nói trên. Thời gian qua là cao điểm của mùa du lịch và có rất nhiều hành khách từ các địa phương đã đi/đến Đà Nẵng. Có khoảng 1,4 triệu người đã đến Thành phố Đà Nắng từ 1-29/7/2020, trong đó có khoảng 800.000 người có đi đến khu vực 3 bệnh viện tại Thành phố (khoảng 46.000 trường hợp đên khám; chữa bệnh tại 3 bệnh viện). Các trường hợp đến Đà Nẵng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất từ Hà Nội và TPHCM. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Hiện tại, với số liệu về các trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận, có thể nhận định nguồn lây nhiễm chính là tại Bệnh viện đa khoa Thành phố Đà Nẵng với mức độ lây nhiễm rất cao; đã lây lan ra cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương. Bộ Y tế dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước, số trường hợp mắc được phát hiện sẽ vẫn tập trung lớn là các trường hợp có liên quan dịch tễ đến bệnh viện Đà Nẵng và tiếp tục ghi nhận các trường mắc tại cộng đồng tại các địa phương khác đồng thời có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng. Tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. |