Nội dung trên được Thủ tướng Chính phủ đề cập trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 22, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam có chất vấn Thủ tướng Chính phủ về 3 vấn đề: Giải pháp xử lý rác thải ở địa phương; giải pháp nâng cao năng suất lao động, mở rộng quy mô nền kinh tế; giải quyết chính sách đối với người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.
Triển khai đồng bộ giải pháp quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Về vấn đề xử lý rác thải, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo đó, lực lượng chức năng kiện toàn hệ thống tổ chức phục vụ công tác bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nội dung về quản lý chất thải quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường tới các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý chất thải rắn nhằm thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và quản lý một cách đồng bộ, hiệu quả; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về mô hình xử lý chất thải phù hợp, theo hướng giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu năng lượng từ chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải.
Các đơn vị huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi), quỹ bảo vệ môi trường, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiếp tục tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn và áp dụng cơ chế giá dịch vụ công trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bổ sung, hoàn thiện cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý chất thải…
Cải thiện năng suất lao động
Đối với Việt Nam, việc cải thiện năng suất lao động của cả nền kinh tế bằng việc đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực có giá trị gia tăng thấp sang khu vực có giá trị gia tăng cao là quan trọng nhất.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực nói chung và nguồn nhân lực nói riêng; điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, chủ động. Tăng cường hiệu quả phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng đề nghị cần nỗ lực phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân gắn với cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả, cạnh tranh. Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2017 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, xây dựng chính sách ngành kinh tế trọng điểm cần tập trung đầu tư phát triển, đi kèm với các chính sách ưu đãi và tạo động lực cho sự tham gia của khu vực tư nhân và thu hút lao động có kỹ năng vào những ngành này; đẩy nhanh việc xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển các ngành, lĩnh vực như khởi nghiệp sáng tạo; nhân lực cho công nghệ thông tin; gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, thương mại; rà soát, loại bỏ mọi điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không cần thiết và các loại phí không chính thức; thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân; kịp thời giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp.
Đồng thời, cải cách mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm sự tham gia vào các ngành, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao, khu vực ngoài nhà nước có thể đảm nhận. Cần xây dựng lộ trình với những biện pháp cụ thể để xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những ưu đãi với doanh nghiệp nhà nước, tiến tới loại bỏ hoàn toàn.
Đối với nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng yêu cầu rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm; thực hiện tốt công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng; xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng giáo dục, gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo một số trường đại học, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới.
Cùng với đó, thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo, thực hiện tự chủ các trường đại học, cao đẳng công lập; tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học; công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, trên cơ sở đó thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học, trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động giảng dạy nghiên cứu, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng đào tạo.
Thủ tướng nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện cơ sở vật chất; cải thiện điều kiện ăn ở, đi lại cho học sinh nội trú ở vùng sâu, vùng xa; bảo đảm công bằng trong giáo dục, đào tạo…
Về các giải pháp khoa học và công nghệ, Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động nghiên cứu ứng dụng sang khu vực doanh nghiệp; xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ cho giai đoạn đến năm 2025; tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, xây dựng, thực hiện các chương trình xúc tiến, chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nghiên cứu, thực hiện các giải pháp hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặt cơ sở nghiên cứu phát triển tại Việt Nam và sử dụng kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường cơ chế đối ứng hợp tác công tư để khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; tăng quy mô tài chính cho các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay từ các quỹ nhà nước cho dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; hình thành thiết chế bảo lãnh vốn vay đối với các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ để doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại…
Nhiều chính sách hỗ trợ người có công
Thủ tướng yêu cầu, đối với kiến nghị mở rộng việc xác nhận và giải quyết chế độ đối với số người bị phơi nhiễm chất độc da cam (không phải người hoạt động kháng chiến) cần tiếp tục được các cơ quan chức năng (Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế) nghiên cứu, đánh giá cụ thể và xây dựng chính sách khi có đầy đủ cơ sở thực tiễn, khoa học và trong điều kiện kinh tế-xã hội cho phép.
Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, trong đó có nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung chính sách đối với một số đối tượng, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung yêu cầu của Chỉ thị.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phòng ngừa dị tật bẩm sinh có liên quan đến chất độc hóa học; nghiên cứu chỉnh sửa bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ; tăng cường mạng lưới giám định y khoa và nâng cao năng lực giám định bệnh tật, dị tật có liên quan với chất độc hóa học; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách cho các nạn nhân chất độc hóa học/ dioxin, đề xuất các điều kiện để xác định nạn nhân da cam/dioxin, làm cơ sở tiến hành tổng điều tra số lượng nạn nhân chất độc hóa học/dioxin.