Thêm thách thức mới đối với sông Mêkông

congly.com.vn| 13/04/2012 10:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khuôn khổ diễn đàn “Bảo tồn thiên nhiên và văn hoá vì sự phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long” (Tp. Bến Tre ngày 5 và 6-6- 2011), các nhà khoa học đã chia sẻ thông tin về việc các quốc gia trên lưu vực sông Mêkông có kế hoạch xây dựng 27 đập thuỷ điện trên dòng sông này.

Sông nước Cửu Long sẽ hứng chịu hậu quả của các thủy điện ở thượng nguồn

Vậy, đó là những con đập nào, quốc gia nào thực hiện? Đặc biệt, việc xây dựng các đập thuỷ điện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với lưu vực sông Mêkông nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng. PV Báo Công lý có mặt tại diễn đàn đã tổng hợp thông tin về vấn đề này.Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thuỷ điện ở thượng nguồnSông Mêkông được chia làm 2 phần: thượng lưu gồm phần diện tích nằm trên đất Trung Quốc và Myanma, có diện tích 189.000 km2 (chiếm 24% diện tích lưu vực); hạ lưu, gồm phần diện tích nằm ở 4 nước: Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, có diện tích 606.000km2 (chiếm 76% diện tích lưu vực).

Theo đánh giá của Uỷ hội sông Mêkông (Mekong River Conmmission - MRC), tiềm năng thuỷ điện toàn lưu vực sông Mêkông có thể khai thác (tiềm năng kỹ thuật) vào khoảng 53.000MW, trong đó phần thượng lưu thuộc lãnh thổ Trung Quốc - sông Lan Thương là 23.000MW. Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thuỷ điện với tổng công suất lắp máy lên đến 22.860MW, tổng dung tích chứa 52,81 tỷ m3. Theo kế hoạch đã được Chính phủ Trung Quốc thông qua, đến năm 2020, trên sông Lan Thương sẽ có 8 nhà máy thuỷ điện được đưa vào vận hành.

Từ năm 1993, Trung Quốc đã xây dựng công trình thuỷ điện đầu tiên ngăn dòng chính sông Mêkông, đến nay, đã xây 3 công trình thuỷ điện, đó là các công trình: Mãn Loan (1993- 2000); Đại Triều Sơn (1995- 2000); đặc biệt là thuỷ điện Tiểu Loan (1995- 2013) công suất lắp máy 4.200 MW, dung tích hồ 15,13 tỷ m3.

Việc xây dựng các công trình thuỷ điện trên dòng chính Mêkông của Trung Quốc đã gây nên sự lo ngại sâu sắc của các quốc gia hạ lưu. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn trấn an rằng các đập thuỷ điện của Trung Quốc là các hồ chứa điều tiết năm, tích nước mùa lũ, có tác dụng giảm lượng nước mùa lũ và xả nước mùa kiệt, tăng lượng nước mùa kiệt cho hạ lưu.

Dự kiến xây 12 bậc thang thuỷ điện ở hạ lưu Mêkông: nhiều bất lợi!

Vì nhiều lý do, đến nay trên dòng chính sông Mêkông phần hạ lưu chưa có công trình thuỷ điện nào được xây dựng. Một trong những lý do quan trọng, đó là cam kết của các quốc gia trong Uỷ hội sông Mêkông Quốc tế (MRC) thông qua một hiệp định được 4 quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam ký ngày 5-4-1995. Đó là Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mêkông.

Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sự gia tăng dân số nhanh trong khu vực thì nhu cầu điện năng ngày càng tăng. Vì vậy, trên dòng chính Mêkông, ở khu vực hạ lưu thì Lào, Thái Lan và Campuchia dự kiến xây dựng 11 đến 12 bậc thang thuỷ điện. Tất cả các bậc thang thuỷ điện dự kiến xây dựng ở phần hạ lưu là các loại thuỷ điện đập, không có hồ điều tiết, hoặc chỉ điều tiết theo ngày.

Đánh giá về kế hoạch phát triển 12 bậc thang thuỷ điện trên dòng chính hạ lưu sông Mêkông, các chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho rằng: Xét trên các khía cạnh, 11-12 bậc thang trên dòng chính hạ lưu sông Mêkông sẽ không mang lại bất cứ một lợi ích nào cho ĐBSCL mà còn đe doạ trực tiếp đến đời sống của gần 20 triệu dân ĐBSCL hiện nay và các thế hệ tương lai, đe doạ đến an ninh lương thực quốc gia và khu vực. Bởi vì: Tất cả 12 bậc thang thuỷ điện dự kiến là các thuỷ điện không điều tiết, chỉ phục vụ duy nhất một mục tiêu là phát điện, không có tác dụng điều hoà nguồn nước, không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô.

Năm 2010, Ban Thư ký Uỷ hội sông Mêkông đã công bố báo cáo: “Đánh giá môi trường chiến lược của phát triển thuỷ điện dòng chính hạ lưu khu vực sông Mêkông” (SEA) đã đề xuất: Các quyết định về việc xây dựng đập thuỷ điện nên trì hoãn thêm 10 năm nữa cho tới khi tiến hành các nghiên cứu sâu hơn và các nhà chức trách đã có đầy đủ thông tin về rủi ro do việc xây dựng đập thuỷ điện gây ra. Mới đây, trước sự phản ứng của các nước trong lưu vực sông Mêkông và quốc tế rộng rãi, ngày 24- 4-2011 Chính phủ Lào đã thông báo hoãn xây dựng đập Xayabouri trên dòng chính Mêkông.

Nguyễn Linh Giang (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm thách thức mới đối với sông Mêkông