Thẩm phán Trần Văn Khánh: Người tiên phong áp dụng tống đạt văn bản tố tụng qua phương tiện thông tin điện tử

Quang Trung-Trần Liêm| 18/02/2018 08:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thẩm phán Trần Văn Khánh với giải pháp áp dụng tống đạt văn bản tố tụng qua phương tiện thông tin điện tử, được các đồng nghiệp đánh giá là bước đột phá.

TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, là đơn vị TAND cấp huyện có lượng án thụ lý hàng năm cao nhất các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hơn 2.500 vụ việc. Trong khi chỉ có 11 Thẩm phán. Để giải quyết lượng án lớn như vậy, lãnh đạo, CBCC đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp, sáng kiến. Thẩm phán Trần Văn Khánh với giải pháp áp dụng tống đạt văn bản tố tụng qua phương tiện thông tin điện tử, được các đồng nghiệp đánh giá là bước đột phá.

Thẩm phán Trần Văn Khánh: Người tiên phong áp dụng tống đạt văn bản tố tụng qua phương tiện thông tin điện tử

Thẩm phán, Chánh văn phòng Trần Văn Khánh

Từ tống đạt văn bản tố tụng qua phương tiện thông tin điện tử

Thẩm phán Trần Văn Khánh cho biết, năm 2017 đã giải quyết 220 vụ, đạt tỷ lệ 92,4%. Trung bình mỗi tháng giải quyết đạt 18,3 vụ/tháng. Có 86 vụ án hòa giải thành, trên tổng số 206 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đã giải quyết, đạt tỷ lệ 41,7%. Không có vụ án nào bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy do lỗi chủ quan, số vụ án bị cấp phúc thẩm sửa do lỗi chủ quan là 0,5 vụ, tỷ lệ là 0,22%.  Bên cạnh công tác xét xử, Thẩm phán Trần Văn Khánh còn đảm nhiệm nhiệm vụ là Chánh Văn phòng TAND huyện Đức Hòa, thực hiện tốt các công tác tham mưu, báo cáo cho lãnh đạo đơn vị các mặt công tác được phân công. Đồng thời, ông được Chánh án phân công trực tiếp xử lý các khiếu nại đối với thông báo trả lại đơn khởi kiện; xử lý các đơn khởi kiện phức tạp; soạn thảo các báo cáo về công tác giải quyết, xét xử các loại án phức tạp; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; các báo cáo, tờ trình về toàn bộ công tác thi đua khen thưởng của đơn vị.

Trong quá trình giải quyết các vụ án về kinh doanh thương mại, Thẩm phán Trần Văn Khánh nhận thấy, các vụ án này đa số có một bên đương sự không có địa chỉ trụ sở chính trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, mà phần lớn có trụ sở chính ở Tp. Hồ Chí Minh, còn lại thì rải rác ở một số tỉnh như Bình Định, Tiền Giang…. Cho nên, việc tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng của Tòa án gặp nhiều khó khăn, trong khi thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh thương mại chỉ có 2 tháng, được phép gia hạn tối đa là 1 tháng, kể từ ngày thụ lý. Vì vậy, Thẩm phán Trần Văn Khánh đã nghĩ ra sáng kiến là áp dụng giải pháp “Tống đạt văn bản tố tụng qua phương tiện thông tin điện tử”. Qua đó, thời hạn giải quyết vụ án được đảm bảo đúng thời hạn, giảm bớt được công sức của Thư ký trong việc tống đạt, giảm chi phí phát hành các văn bản giấy tờ  của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất về mọi mặt cho đương sự.

Thẩm phán Trần Văn Khánh: Người tiên phong áp dụng tống đạt văn bản tố tụng qua phương tiện thông tin điện tử

Trụ sở TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Để áp dụng được giải pháp này, trong quá trình làm việc với đương sự, Thẩm phán Khánh đều trực tiếp giải thích nội dung liên quan đến việc tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự bằng phương tiện điện tử như email, fax….được quy định tại khoản 2 Điều 173, Điều 176  Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13. Qua đó, các đương sự đã hiểu được lợi ích của việc nhận văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử và đều đồng ý nhận văn bản tố tụng theo phương thức này (thể hiện qua biên bản làm việc với đương sự và đương sự đồng ý cung cấp địa chỉ email, số fax…cho Tòa án). Sau khi được sự đồng ý của đương sự về việc nhận văn bản tố tụng của Tòa án qua phương tiện điện tử, Thư ký sẽ thực hiện việc scan văn bản tố tụng và thực hiện việc gửi qua địa chỉ email cho đương sự. Quá trình gửi và nhận văn bản tố tụng qua phương tiện điện tử đều thể hiện rõ trên màn hình vi tính, được chụp lại, lưu hồ sơ vụ án làm cơ sở xác định thời gian tống đạt. Việc tống đạt bằng phương tiện điện tử như email, fax đã giảm được rất nhiều công sức cho Thư ký trong quá trình tống đạt, tiết kiệm được nhiều chi phí cho Tòa án. Đương sự cũng chủ động về thời gian để sắp xếp công việc và đến Tòa án đúng thời giờ được triệu tập để tham gia tố tụng. Trường hợp có thay đổi về thời giờ làm việc thì các bên cũng có thể thông báo cho nhau một cách nhanh chóng. Do đó, Thẩm phán Khánh không chỉ áp dụng vào việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại mà còn áp dụng rộng rãi khi giải quyết các loại án khác và đều đạt hiệu quả cao.

Đến nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả xét xử khác

Bên cạnh áp dụng sáng kiến tống đạt văn bản tố tụng qua phương tiện thông tin điện tử, Thẩm phán Trần Văn Khánh đã áp dụng nhiều giải pháp khác để nâng cao hiệu quả công tác xét xử. Cụ thể, về quy trình triệu tập đương sự, ngay sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán giao cho Thư ký soạn thảo thông báo thụ lý, giấy triệu tập đương sự với những nội dung cụ thể, rõ ràng các yêu cầu của người khởi kiện, những nội dung mà người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gửi kèm theo bản photo đơn khởi kiện. Trên giấy triệu tập đương sự, ông cho Thư ký ghi rõ số điện thoại liên lạc của Thẩm phán, Thư ký để các đương sự liên lạc. Hiệu quả của giải pháp này là khi nhận được thông báo thụ lý, giấy triệu tập của Tòa án thì người bị kiện hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nắm rõ được các yêu cầu, các căn cứ của người khởi kiện để có thể làm văn bản trình bày ý kiến gửi cho Tòa án đối với yêu cầu của người khởi kiện trong thời gian sớm nhất.

Trường hợp vẫn còn chưa rõ, thông qua số điện thoại liên lạc của Tòa án, người bị kiện hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể liên hệ để được hướng dẫn, giảm được chi phí, thời gian đi lại, công sức của người dân. Khi đương sự có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, Thẩm phán trực tiếp giải thích cho đương sự biết các quyền, nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng, thông qua việc tạo 1 biên bản để các đương sự đọc và ký tên xác nhận vào. Biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ án. Hiệu quả của giải pháp này là các bên đương sự đều hiểu rõ, nắm rõ những quy định về quyền, nghĩa vụ khi tham gia tố tụng. Nhất là thực tế hiện nay, đa số người dân chưa nắm rõ các quy định của pháp luật, nhận thức pháp luật, trình độ dân trí còn thấp, hệ thống bổ trợ tư pháp từ luật sư, trợ giúp viên pháp lý… chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khi đương sự đã hiểu rõ thì việc thực hiện cung cấp chứng cứ, trình bày ý kiến hay hòa giải cũng thuận lợi hơn, góp phần cho Thẩm phán giải quyết án được nhanh chóng, chính xác và khách quan hơn. Không làm phát sinh khiếu nại của đương sự đối với hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thư ký. Không làm phát sinh tình trạng khi lên đến Tòa án cấp trên đương sự lại khiếu nại cho rằng không được Tòa án cấp sơ thẩm giải thích rõ ràng, không thực hiện được quyền, nghĩa vụ đương sự, dẫn đến án bị hủy, bị cải sửa.

Ngoài ra, Thẩm phán Trần Văn Khánh cũng trực tiếp soạn thảo đầy đủ các biểu mẫu tố tụng trên máy vi tính, tạo các thư mục quản lý theo từng loại cụ thể để có thể truy xuất được nhanh chóng. Khi hòa giải vụ án, Thẩm phán trực tiếp tóm tắt các ý kiến, yêu cầu của đương sự và thể hiện bằng file word trên máy vi tính. Từ đó, khi soạn dự thảo các bản án (trong trường hợp hòa giải không thành) thì đã có phần nội dung trình bày của đương sự để đưa vào phần nhận thấy, giảm thời gian viết bản án. Việc dự thảo tóm tắt văn bản tố tụng, các bản án chuẩn bị xét xử trên máy vi tính đã giúp cho việc kiểm tra, sửa chữa, hoàn chỉnh văn bản tố tụng, bản án sau khi xét xử được nhanh chóng hơn, đảm bảo phát hành bản án trong thời hạn theo đúng quy định của pháp luật.

Thẩm phán Trần Văn Khánh chia sẻ, “bản thân sống xa gia đình, ăn ở tại cơ quan nên có nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu và làm việc. Công việc hàng ngày được sắp xếp khoa học nên công việc luôn trôi chảy. Khi phân công công việc cho Thư ký luôn đặt ra thời gian để hoàn thành, Thư ký cũng phải chạy theo công việc của mình, tuy có vất vả nhưng các em trưởng thành và làm việc hiệu quả hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Trần Văn Khánh: Người tiên phong áp dụng tống đạt văn bản tố tụng qua phương tiện thông tin điện tử