Trong tháng 2, có lẽ do Tết Ất Mùi, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh tiếp tục có dấu hiệu chậm lại, với số lượng văn bản nợ đọng rất lớn, mới chỉ có 6/91 văn bản được ban hành.
93,41% văn bản chưa được ban hành
Theo Bộ Tư pháp, tính đến ngày 26/2, đối với 91 văn bản nợ đọng quy định chi tiết 23 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 06/91 văn bản (05 nghị định, 01 thông tư), đạt 6,59%. Còn 85/91 văn bản nợ đọng (26 nghị định, 01 quyết định, 45 thông tư, 13thông tư liên tịch) chưa được ban hành, chiếm 93,41%.
Đối với 85 văn bản quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh chưa có hiệu lực thi hành, hiện các Bộ, cơ quan ngang Bộ tích cực nghiên cứu, soạn thảo để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Qua công tác theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đánh giá công tác này tiếp tục có dấu hiệu “chùng xuống”, nhất là đối với thông tư, thông tư liên tịch, trong tháng 02/2015, ngoài việc trình Chính phủ ban hành 05 nghị định, các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ ban hành được 01 thông tư; số lượng văn bản nợ đọng hiện nay là rất lớn, với 85 văn bản, tăng 13 văn bản so với cùng kỳ năm 2014 (72 văn bản).
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do trong thời gian qua, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải tập trung chỉ đạo, giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh tổ chức đón Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Bên cạnh đó, có 13 luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015, dẫn đến việc nợ đọng nhiều văn bản.
Trong tháng 3 và những tháng tiếp theo của năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ chỉnh lý, hoàn thiện 85 văn bản nợ đọng nêu tại Phụ lục II để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, nhất là đối với 17 văn bản nợ đọng từ năm 2014 chuyển sang.
Nghiên cứu soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 85 văn bản nêu tại Phụ lục III quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh chưa có hiệu lực thi hành, bảo đảm chất lượng, tiến độ và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh.
Xây dựng, ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành 18 luật được Quốc hội thông tại Kỳ họp thứ 8 và Pháp lệnh cảnh sát môi trường.
Hoàn thiện dứt điểm 17 văn bản nợ đọng từ năm 2014
Để triển khai tốt công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong thời gian tới, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC phát biểu tại phiên họp thông qua Luật Tổ chức TAND sửa đổi
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ đạo dứt điểm việc hoàn thiện để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 17 văn bản nợ đọng từ năm 2014 quy định chi tiết thi hành 10 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ những năm 2012, 2013 và năm 2014; đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 68 văn bản quy định chi tiết 12 luật đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 và 85 văn bản quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh chưa có hiệu lực thi hành, nhất là các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải trình trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2015 để ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh.
Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Quốc phòng, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian tới có nhiệm vụ xây dựng, ban hành nhiều văn bản cần ưu tiên, tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt các đơn vị trực thuộc khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo văn bản đã được Thành viên Chính phủ cho ý kiến để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành...
Ưu tiên các dự án bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp 2013
Trước đó, Nghị quyết số 04/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2015 ngày 04/02/2015 đã quy định nhiều chính sách cơ bản, quan trọng, trong đó có quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 và một số vấn đề liên quan.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 cần tiếp tục ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh phải sửa đổi, bổ sung, ban hành để bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013; phục vụ mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Các Bộ, cơ quan chủ động rà soát, tính toán thận trọng để lựa chọn những dự án luật, pháp lệnh thực sự cần thiết đưa vào Chương trình; xác định rõ phạm vi, đối tượng, mục tiêu các dự án để bảo đảm tính khả thi; ưu tiên đưa vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh đã được chuẩn bị kỹ và đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 của Quốc hội phải thực hiện chặt chẽ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh đã đưa vào Chương trình bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Bộ Tư pháp rà soát dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bảo đảm có sự nối tiếp giữa Chương trình năm 2016 và Chương trình năm 2017, sự chuyển tiếp giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản, đặc biệt là việc triển khai thi hành kịp thời các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1 /1/2015; tăng cường phối hợp trong xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, bảo đảm sự đồng bộ trong thực thi.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ và cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp chế.