Ngày 4/1, TAND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng kế hoạch trọng tâm năm 2023. Thiếu tướng Dương Văn Thăng - Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh TANDTC, Chánh án TAQSTW dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có ông Phạm Hồng Quyền, Vụ trưởng Vụ TĐKT TANDTC. Về phía địa phương có bà Lê Thị Thanh Trà - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang; lãnh đạo đại diện các cơ quan nội chính của tỉnh; cùng toàn thể Thẩm phán, công chức và người lao động TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang.
Theo đó, để chủ động triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2022, ngay từ đầu năm, TAND tỉnh đã khẩn trương xây dựng, đề ra chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội và của TAND đề ra.
Cùng với đó, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo TANDTC; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành ở địa phương và MTTQ, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động TAND hai cấp nên Tòa án đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm công tác được giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Thiếu tướng Dương Văn Thăng - Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh TANDTC, Chánh án TAQSTW dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cụ thể, năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã thụ lý 3.568 vụ việc, đã giải quyết được 3.427 vụ việc (đạt tỷ lệ 96%; cao hơn năm trước 1,4%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,13% số án đã giải quyết, đáp ứng yêu cầu Quốc hội và Tòa án đề ra. Trong đó, án hình sự đã thụ lý 799 vụ với 1.488 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 796 vụ với 1.477 bị cáo; đạt tỷ lệ 99,6% về số vụ và 96,3% về số bị cáo. Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, Tòa án hai cấp đã thụ lý 2.581 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 2.447 vụ việc; đạt tỷ lệ 94,8%, (vượt 9,8% so với chỉ tiêu). Đối với án hành chính, đã thụ lý 58 vụ; đã giải quyết, xét xử được 54 vụ; đạt tỷ lệ 93,1%, (vượt 28,1% so với chỉ tiêu).
Cùng với đó, trong năm 2022, đã có 1.012/2.306 vụ, việc được chuyển sang thủ tục Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chiếm 43,8% tổng số đơn khởi kiện, đơn yêu cầu TAND hai cấp đã nhận được, trong đó có 685/1.012 vụ, việc đã được Hòa giải thành, đối thoại thành chiếm 67,7% số vụ, việc được chuyển sang Hòa giải, đối thoại. Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành 685 vụ, việc. Đặc biệt, đơn vị tổ chức xét xử 64 phiên tòa trực tuyến (tỉnh 05 vụ; huyện 59 vụ) từ điểm cầu trung tâm Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đến điểm cầu thành phần Trại tạm giam Công an tỉnh.
Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Minh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang vẫn còn một số tồn tại như, tiến độ giải quyết một số các vụ việc dân sự liên quan đến đất đai và án hành chính có vụ việc còn chậm; án tạm đình chỉ ở một số Tòa án chưa khắc phục triệt để; chất lượng giải quyết một số vụ án còn hạn chế...
Để khắc phục các hạn chế, thiếu sót, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác Tòa án hai cấp đề ra một số giải pháp sau: Chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử; phối hợp với UBND tỉnh, các Ban đảng Tỉnh ủy, các cơ quan khối Nội chính trong giải quyết xét xử các loại vụ án thuộc thẩm quyền đặc biệt là các vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai; tăng cường công khai, minh bạch, đổi mới thủ tục tố tụng tư pháp tại Tòa án nhằm phục vụ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận Tòa án; tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ; tổ chức tập huấn kịp thời các luật, văn bản pháp luật mới và kỹ năng xét xử thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân hai cấp...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thiếu tướng Dương Văn Thăng đánh giá cao và biểu dương kết quả đạt được của TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đạt được trong năm 2022.
“Hội nghị ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tổng kết lại một năm 2022 TAND hai cấp Tuyên Quang thực hiện các mặt công tác với trọng tâm là công tác xét xử, mà còn đề ra phương hướng, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2023, năm mà hệ thống Tòa án trong đó có TAND hai cấp Tuyên Quang sẽ đặt quyết tâm chính trị cao thực hiện các nhiệm vụ theo chiến lược cải cách tư pháp, với Tòa án là trung tâm, cơ quan thực hiện quyền tư pháp” - Thiếu tướng Dương Văn Thăng nói.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo Thiếu tướng Dương Văn Thăng, liên tục trong nhiều năm, các TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang luôn thể hiện mình là một trong những lá cờ đầu, là một trong những điển hình cần tiếp tục được nhân rộng, học tập trong Hệ thống Tòa án Việt Nam. Đồng chí cũng lưu ý, trong năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đã được báo cáo đã chỉ ra như: Vẫn còn án hủy, sửa do lỗi chủ quan; Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo ở một số đơn vị còn chậm; Án tạm đình chỉ ở một số Tòa án chưa khắc phục triệt để. Chất lượng giải quyết một số vụ án còn hạn chế.
Thiếu tướng Dương Văn Thăng nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng chí cho biết, Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023 diễn ra vào ngày 22/12/2022, các đơn vị Tòa án trong cả nước đã được nghe quán triệt nội dung Nghị quyết của Ban cán sự đảng TANDTC, Chỉ thị của Chánh án TANDTC về các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2023.
Thiếu tướng Dương Văn Thăng trao "Cờ thi đua TAND" cho TAND tỉnh Tuyên Quang
Để tiếp tục đạt kết quả trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Thiếu tướng Dương Văn Thăng chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp mà Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Tuyên Quang cần tổ chức triển khai thực hiện 5 vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, hệ thống Tòa án phải thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về xây dựng Nhà nước pháp quyền và các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp; chủ động thích ứng, giải quyết tốt những vấn đề mới đặt ra. Do vậy, trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2021-2026, nhiệm vụ đặt ra với Tòa án các cấp là phải thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát các chỉ đạo của Trung ương Đảng, tập trung thực hiện tốt những yêu cầu của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp. Để thực hiện thành công cuộc cải cách tư pháp, nhiệm vụ của các Tòa án là phải chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Tiếp tục tham gia xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật. Tích cực nghiên cứu, đề xuất, phối hợp sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định pháp luật; tổng kết thực tiễn xét xử và phát triển án lệ với số lượng nhiều hơn và chất lượng hơn.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Hoạt động của Tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, mang lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp.
Để làm được điều này, hoạt động Tòa án phải thượng tôn pháp luật, thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp đã quy định, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết. Các Tòa án cần tăng cường hơn nữa việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự phải được xem là giải pháp căn cơ để chống xét xử oan, sai, vi phạm pháp luật trọng hoạt động tố tụng; Thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần làm giảm áp lực về công việc cho các Tòa án. Chấn chỉnh và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong triển khai thi hành; trong điều kiện hiện có cần tiếp tục ưu tiên bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị; đồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thiếu tướng Dương Văn Thăng trao "Cờ thi đua TAND" cho TAND huyện Hàm Yên
Thứ ba, tích cực, chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thông qua việc chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho Nhà nước.
TAND tỉnh Tuyên Quang cần bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban cải cách tư pháp để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ chính trị và Hướng dẫn số 04 ngày 9/12/2020 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.
Thứ tư, cần chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống Tòa án, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Chất lượng của hoạt động xét xử và uy tín của Tòa án là do cán bộ Tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán quyết định. Vì vậy, phải chăm lo xây dựng được đội ngũ Thẩm phán “thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật và mẫu mực về đạo đức; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống để xây dựng Toà án trong sạch, vững mạnh”.
Thứ năm, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng Tòa án điện tử.Tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tiếp tục hoàn thiện, bố trí trang bị phương tiện, điều kiện bảo đảm cần thiết cho hoạt động xét xử trực tuyến. Phát huy, sử dụng có hiệu quả các công cụ phần mềm đã được TANDTC triển khai như phần mềm trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, phần mềm quản lý hồ sơ, phần mềm văn thư,… Chấp hành nghiêm quy định về công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử.
Thiếu tướng Dương Văn Thăng chụp ảnh với các đại biểu tham dự Hội nghị
Dịp này, đồng thời cảm ơn Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan đã quan tâm, chỉ đạo, phối hợp để TAND hai cấp tỉnh Tuyên Quang hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chánh án TANDTC Dương Văn Thăng, Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Minh Hùng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội ý kiến phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, sẽ bổ sung vào phần phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. TAND tỉnh Tuyên Quang sẽ khắc phục những tồn tại, thiếu sót, đề ra các giải pháp thực hiện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.