Sự thật về “mía đắng” Krông Pa

Tổ PVĐT| 03/10/2014 06:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, có phản ánh trái chiều xung quanh công tác đầu tư và thu mua mía của Công ty TNHH Thương mại - Chế biến nông lâm sản Đường Vạn Phát tại địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai. Thực hư của việc này ra sao?

Tiên phong xóa đói, giảm nghèo

Đầu năm 2011, Công ty TNHH Thương mại - Chế biến nông lâm sản Đường Vạn Phát (sau đây gọi tắt là Vạn Phát) do bà Bùi Thị Quy làm Giám đốc (trụ sở chính ở Tuy Hòa, Phú Yên) đã đến Krông Pa với ước vọng xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ cây mía do vùng nguyên liệu ở đây mang lại. Lúc đó, dân ở đây chỉ quen canh tác các loại nông sản như: Thuốc lá, điều, lúa, mì… với thu nhập bấp bênh nên nông dân quyết định chuyển đổi cây trồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có gần 400 hộ nông dân ở huyện Krông Pa ký hợp đồng trồng mía với Vạn Phát (mỗi hộ từ 2 đến12ha).

Sự thật về “mía đắng” Krông Pa

Một dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Thương mại - Chế biến nông lâm sản Đường Vạn Phát

Theo hợp đồng, cuối mùa vụ, nông dân phải bán 50 tấn mía/ha cho Vạn Phát. Phía Vạn Phát có nghĩa vụ cung cấp giống, phân bón, tiền (tổng cộng 18 triệu đồng/ha) đúng thời vụ cho nông dân. Người nông dân ký hợp đồng đầu tư với Vạn Phát được quyền tự chọn giống, chọn người cung cấp giống rồi mua về trồng. Vạn Phát chỉ là người đứng ra thanh toán tiền mía giống thay cho người dân khi có biên bản giao nhận giống giữa người dân mua và người dân bán. Các hộ nông dân đều kiểm tra kỹ giống trước khi nhận, nếu không đạt yêu cầu có quyền không nhận. Vạn Phát chi trả thay tiền mua mía giống cho hộ nông dân bao gồm giá mía tại ruộng cộng với tiền cước vận chuyển, tùy theo cự ly xa gần.

 Thời gian qua, Vạn Phát đầu tư vốn cho nông dân tại huyện Krông Pa cao hơn rất nhiều so với mức đầu tư của các nhà máy đường khác do Công ty nhận thấy, đây là vùng đất mới chưa trồng mía, thời tiết khắc nghiệt, người dân lại lần đầu tiên trồng mía nên doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt để phát triển. Ngoài ra, Vạn Phát thực hiện chính sách, nếu người dân không nhận phân bón của công ty thì được nhận tiền mặt để mua loại phân theo ý thích. Trong trường hợp nông dân mua phân NPK (nhập khẩu từ Philippin) của công ty thì giá cũng ngang với giá thị trường, phân hữu cơ dùng cho bón lót khi xuống giống, giá chỉ có 310.000 đồng/bao 50kg. Thực tế cho thấy, Vạn Phát không hề có bán loại phân Vedan nào có giá 730.000 đồng/bao, đó là thông tin thất thiệt. Việc Công ty Vạn Phát đầu tư giống, tiền mặt, phân bón… theo từng giai đoạn đáp ứng nhu cầu chăm sóc cây mía như trên đã khiến cho năng suất mía tại đây rất cao, nhiều gia đình đã ăn nên, làm ra, có của ăn của để.

Tai bay, vạ gió

Theo ghi nhận của chúng tôi, những việc làm nêu trên của Vạn Phát được lãnh đạo huyện Krông Pa, lãnh đạo các xã trên địa bàn vùng nguyên liệu trồng mía và đông đảo bà con nông dân đánh giá cao, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn nơi đây khởi sắc. Tuy nhiên, có vài trường hợp lại không nghĩ thế, tất cả chỉ vì lợi nhuận. Đơn cử, tại thời điểm thu hoạch mía vụ 2012 - 2013, có một số thương lái đến vùng nguyên liệu mía của Vạn Phát tranh giành mua nguyên liệu mía với giá cao hơn chút đỉnh (cũng dễ hiểu bởi thương lái đâu có đầu tư hỗ trợ vốn cho người nông dân như Vạn Phát). Vì vậy, một số hộ nông dân như hộ Huỳnh Bá Xuân, Kpă Bin tự ý chặt mía để bán cho thương lái bên ngoài lấy tiền, đồng thời lờ luôn chuyện trả nợ tiền cho chủ đầu tư.

Khi phát hiện, Vạn Phát đã cho người lập biên bản về hành vi vi phạm hợp đồng, đồng thời cho xe công ty vào chở mía. Tuy nhiên, các hộ trên đã có những hành động ngăn cản, hăm dọa, bạo lực với tài xế… và dùng nhiều thủ đoạn để chở mía đi bán.

Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty Vạn Phát cho biết: Công ty đã bất chấp rủi ro, dùng tài sản và uy tín của mình để thế chấp ngân hàng vay vốn, đầu tư cho người nông dân trồng mía. Công ty đã đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào người nông dân, nhưng một số hộ như Huỳnh Bá Xuân, Kpă Bin đã hủy hoại niềm tin và sự kỳ vọng ấy, đặt công ty trước nguy cơ mất trắng vốn đầu tư.

Bà Quy cho biết thêm, Công ty thu mua mía của hộ ông Nguyễn Văn Hoàng cũng như của các hộ nông dân khác là từ 900 đến 950 đồng/kg và mua mía xô, không tính trữ đường. Đây là sự hỗ trợ rất lớn cho bà con nông dân vì không mua theo trữ đường nhưng giá lại bằng giá của các nhà máy khác... Trừ trường hợp nông dân chặt mía non, mía bị sâu bệnh… có trữ đường thấp không đạt yêu cầu dưới 8 CCS, Vạn Phát mới thu mua với giá thấp hơn. Đây là điều bình thường và được tất cả các nhà máy đường khác áp dụng trong chính sách thu mua. Tuy nhiên, hộ ông Huỳnh Bá Xuân, Kpă Bin và Nguyễn Văn Hoàng bán mía cho nhà máy khác đã không trả cho Vạn Phát tiền đầu tư. Trước những hành động sai trái ấy, Vạn Phát bắt buộc phải khởi kiện ba hộ trên ra Tòa để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.

Vụ việc đã được TAND hai cấp huyện Krông Pa và tỉnh Gia Lai xét xử bằng các bản án khách quan, đúng pháp luật. Theo đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu cả ba ông Huỳnh Bá Xuân (trú xã Ia Mlah, huyện Krông Pa), Kpă Bin và ông Nguyễn Văn Hoàng (trú thị trấn Phú Túc) trả tiền nợ đầu tư và tiền phạt vi phạm hợp đồng hàng trăm triệu đồng cho Vạn Phát.

Thiết nghĩ, Vạn Phát đã đầu tư một lượng vốn lớn trên một vùng đất mới, với những người nông dân lần đầu tiên tiếp xúc với cây mía là một sự mạo hiểm. Việc làm của Vạn Phát được chính quyền địa phương và người dân nhiệt tình ủng hộ nhằm chuyển đổi cây trồng, xóa đói giảm nghèo. Vì thế, thông tin cho rằng, Vạn Phát đang làm bần cùng hóa nông dân nơi đây là không có căn cứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thật về “mía đắng” Krông Pa