Hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng gần trạm thu phí cũng như giảm chung cho các phương tiện khi lưu thông qua các trạm thu phí này.
Tổng cục Đường bộ đang tiến hành rà soát 54 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý trên cả nước. Qua đó, thống nhất điều chỉnh phương án tài chính theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng gần trạm thu phí cũng như giảm chung cho các phương tiện, nhằm cân đối lại mức thu phí cho các phương tiện.
Việc rà soát, đàm phán dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 10, để Tổng cục đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt giảm phí. Nếu được phê duyệt, các trạm sẽ tiến hành giảm phí trong tháng 11.
Trước mắt, các trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (TP Hà Nội), Cai Lậy (Tiền Giang), Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) sẽ thực hiện giảm phí đầu tiên theo chủ trương của Bộ GTVT.
Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, việc giảm phí phải xem xét vào tình hình thực tế của từng trạm. Những trạm có lưu lượng xe ít như dự án BOT cầu Hạc Trì sẽ không giảm để đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư.
Bộ Giao thông sẽ tiến hành rà soát các trạm BOT để đánh giá cụ thể về dự án, phương án tài chính và hoạt động thu phí thực tế trên lưu lượng xe; xem đó là căn cứ để đàm phán với các nhà đầu tư và thống nhất mức phí có thể giảm.
Trước đó, chiều 21/9, Tổng cục Đường bộ đã làm việc với chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và đề xuất lên Bộ GTVT mức giảm 25% đối với tất cả xe qua trạm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát mức phí cụ thể cho lộ trình từ Bắc vào Nam. Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, cả nước hiện có 70 trạm BOT đang thu phí trên các tuyến Quốc lộ, có 10 trạm khoảng cách 60-70km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.
Theo đó, ôtô đi từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu qua 29 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 phải nộp mức phí tối đa là 4.540.000 đồng mỗi xe, trong khi lộ trình cao tốc mức phí là 4.805.000 đồng mỗi xe.