Sáng tạo, dám thay đổi vì lợi ích cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc

Xuân Lan| 28/12/2021 14:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung trên tại lễ tuyên dương 07 tập thể và 128 cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”.

dam-nghi-dam-lam-dam-thay-doi-vi-loi-ich-quoc-gia-dan-toc.jpg
Thủ tướng: Không ngừng sáng tạo, dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc.

Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc tế Lao động tại Việt Nam (1/5/1946-1/5/2021) nhằm phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong công nhân lao động. Sau gần 3 tháng phát động, Chương trình đã nhận được hơn 250 nghìn sáng kiến trên nhiều lĩnh vực.

Cùng tham dự sự kiện với Thủ tướng có các đồng chí: Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Luôn nâng niu, coi trọng sáng kiến, kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc”. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nâng niu, coi trọng sáng kiến, kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là sáng kiến, kinh nghiệm từ những người lao động.

“Lịch sử dân tộc ta đã chứng kiến lớp lớp các thế hệ cha anh không ngừng suy nghĩ, phát huy tinh thần sáng tạo để bảo vệ và xây dựng đất nước, từ bãi cọc Bạch Đằng ba lần đánh tan các đạo quân xâm lược cho tới cuộc hành quân thần tốc đập tan 29 vạn quân Thanh dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần sáng tạo của quân và dân ta trong chiến đấu đã được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta khó có thể kể hết được những sáng kiến độc đáo, hiệu quả, từ chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 cho tới việc cải tiến tên lửa SAM2 để bắn rơi pháo đài bay B52, đi đến thắng lợi vang dội được thế giới ngợi ca là “Điện Biên Phủ trên không””, Thủ tướng phát biểu.

Những năm đất nước đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động như “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, “Học tập và làm theo lời Bác”…, đoàn viên, người lao động cả nước đã hăng hái thi đua, lập nhiều thành tích, có những sáng kiến, sáng tạo, kinh nghiệm nhằm cải tiến, hợp lý hóa quy trình, tổ chức công việc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế sâu rộng

Dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong 2 năm qua đã tác động sâu rộng, gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trước tình hình đó, các cấp Công đoàn đã đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp; chia sẻ với doanh nghiệp, làm tốt công tác phòng chống dịch; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động và triển khai Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo đoàn viên, người lao động trong cả nước.

“Có nhiều sáng kiến làm lợi hàng trăm tỷ đồng và cũng có rất nhiều sáng kiến bình dị, gần gũi nhưng rất thiết thực, hiệu quả, góp phần xử lý những bất cập hằng ngày trong sản xuất, công tác, lao động, chiến đấu. Đó là những gương mặt tiêu biểu như Võ Thị Hồng Phương, Phạm Thành Công, Phạm Văn Thiều, Dương Văn Hùng, Lê Thị Hòa... được tuyên dương hôm nay. Dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến đó, ý tưởng đó, kinh nghiệm đó đều là tấm lòng, sự tâm huyết với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và đất nước; là kết quả của sự tìm tòi, trăn trở, lao động hăng say của đoàn viên, người lao động trên toàn quốc”, Thủ tướng phát biểu.

Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu lớn lao này, một trong những định hướng lớn mà Đảng và Nhà nước ta xác định là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; “Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ này đòi hỏi các cấp, các ngành, mọi người dân Việt Nam dù trong hay ngoài nước, từ trẻ đến già, từ đồng bằng đến miền núi, cùng chung tay góp công, góp sức, trong đó lực lượng đoàn viên Công đoàn, người lao động có vai trò rất quan trọng, là lực lượng tiên phong, nòng cốt, không ngừng phát huy tiềm năng, trí tuệ của mình, nỗ lực lao động sáng tạo, đề xuất được các sáng kiến, đúc rút những kinh nghiệm quý, bài học hay phục vụ sản xuất, công tác, lao động, chiến đấu.

Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu, kết quả rất đáng trân trọng, phải thẳng thắn thừa nhận rằng những sáng kiến, hoạt động đổi mới sáng tạo của chúng ta vẫn chưa dựa nhiều trên cơ sở, nền tảng vững chắc của hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ một cách bài bản, hiệu quả, nhất là các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, công nghệ lõi, công nghệ nguồn… Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khoa học công nghệ, tri thức con người không ngừng phát triển, biến đổi rất nhanh. Để bắt kịp với nhịp sống đó, đòi hỏi mỗi chúng ta trong công việc hằng ngày phải không ngừng sáng tạo, dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc.

Phát hiện và bồi dưỡng nhiều hơn các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến

Thủ tướng đánh giá cao việc tiếp nối thành công của Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục nhân rộng mô hình, triển khai Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” từ tháng 9/2021 đến hết năm 2023.

Thủ tướng đề nghị các cấp công đoàn cần tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí để Chương trình thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, được các đoàn viên công đoàn tích cực hưởng ứng, tham gia và có thêm nhiều sáng kiến chất lượng, thiết thực, khả thi, áp dụng được ngay vào lao động sản xuất, mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan, doanh nghiệp và cho đất nước nói chung.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động Công đoàn, nhất là hoạt động sáng tạo, phát huy sáng kiến trong đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức và người lao động, cùng chung sức, đồng lòng tạo nên bứt phá mới trong năng suất lao động để đưa Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền và Công đoàn các cấp tiếp tục phát hiện và bồi dưỡng ngày càng nhiều hơn nữa các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các tấm gương tiêu biểu để kịp thời khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tôn vinh những tấm gương tốt trong phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nên sức mạnh của đất nước, sức mạnh của toàn dân tộc.

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ đề nghị đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương, đầu tư nhiều hơn, có chiều sâu hơn nữa cho khoa học, công nghệ và giáo dục - đào tạo xứng tầm là quốc sách hàng đầu; triển khai có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, tạo nền tảng vững chắc hơn, căn cơ hơn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy cao nhất tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam trong thời đại mới, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển xanh.

“Tôi mong muốn và tin tưởng rằng các tập thể, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương hôm nay đã cố gắng rồi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa! đã nỗ lực phấn đấu nhiều rồi sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa! đã hành động quyết liệt rồi sẽ tiếp tục quyết liệt, hiệu quả nhiều hơn nữa! đã thành công rồi sẽ thành công, thành công nhiều hơn nữa! tiếp tục trăn trở, không ngừng vươn lên, sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn nữa, xứng đáng là hạt nhân, là tấm gương sáng tạo, lan tỏa đến mọi người dân, mọi công nhân, mọi người lao động như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Với truyền thống dân tộc Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo, chúng ta tiếp tục kế thừa, cùng quyết tâm, nỗ lực phát triển lên tầm cao mới, với tinh thần “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, góp phần quan trọng thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc”, Thủ tướng phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo, dám thay đổi vì lợi ích cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc