Thời gian tới sẽ tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến vấn đề này.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phiên trả lời chất vấn chiều nay 3/11.
Giá nhà ở xã hội đang ở mức cao
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - TP Hồ Chí Minh chất vấn, chính sách phát triển nhà ở xã hội như thế nào trong thời gian tới đối với người thu nhập thấp?
Đại biểu Tô Văn Tám đề cập về vấn đề mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà giá rẻ là điểm mấu chốt chính sách nhở cho công nhân, người lao động.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2.
Vậy nguyên nhân của thực trạng này và có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không? Nếu được thì giải pháp nào và trong thời gian bao lâu?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan, Về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu. Vậy nên trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.
Về nguyên nhân của tình trạng thoát nước đô thị, tình trạng ngập úng nhiều nơi, Bộ trưởng cho biết là do điều kiện tự nhiên môi trường, do quy hoạch, do quá trình bê tông hóa, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dân; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra...
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch, ĐB Phan Thái Bình - Quảng Nam nhận định: Báo cáo của Bộ Xây dựng đã chỉ ra hạn chế đó là việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, bao gồm cả điều chỉnh tổng thể, điều chỉnh cục bộ. Nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết ở một số địa phương còn có biểu hiện tuỳ tiện, không tuân thủ quy định của pháp luật và yêu cầu quy chuẩn của quy hoạch xây dựng.
Những hạn chế trên được Bộ Xây dựng chỉ ra là hoàn toàn chính xác và đúng với thực tiễn hiện nay. Vậy trách nhiệm của Bộ Xây dựng và giải pháp khắc phục những bất cập này trong thời gian tới?
Quy hoạch tổng thể quốc gia đang chậm
Trả lời nhóm vấn đề trên, Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận, đúng như đại biểu phản ánh, trong thời gian qua, bên cạnh kết quả tích cực, công tác điều chỉnh quy hoạch vẫn còn tồn tại, hạn chế như không tuân thủ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do công tác rà soát đánh giá, điều chỉnh quy hoạch còn chưa kịp thời.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, các địa phương phải có trách nhiệm rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu sau thời hạn 5 năm kể từ ngày được phê duyệt và 3 năm đối với quy hoạch chi tiết. Từ đó kịp thời điều chỉnh những vấn đề không còn khả thi. Trong quá trình rà soát, đánh giá chưa xác định nội dung điều chỉnh cho phù hợp, dẫn đến điều chỉnh nhiều lần, không tính đến sự phù hợp của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn mang tính hình thức.
Theo Bộ trưởng, cũng có tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ với mong muốn thu hút đầu tư hoặc là do áp lực của nhà đầu tư. Việc thực hiện pháp luật của các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.
Trách nhiệm dẫn đến vấn đề trên, trước hết thuộc về cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và các cơ quan được giao rà soát đánh giá quy hoạch được phê duyệt. Bộ Xây dựng cũng có trách nhiệm trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, thanh tra để kịp thời hướng dẫn, xử lý vi phạm.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất sửa đổi pháp luật về quy hoạch đô thị; đồng thời đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành trên diện rộng về quy hoạch. Đối với các địa phương phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về điều chỉnh quy hoạch…
Tiếp đến, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến công tác quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay quy hoạch tổng thể quốc gia đang chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng KH&ĐT là do lần đầu tiên thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, cách hiểu còn khác nhau về tích hợp quy hoạch. Vừa rồi Quốc hội đã tháo gỡ nhiều khó khăn. Ngoài ra lực tượng tư vấn còn mỏng, vướng mắc về kinh phí…
Đoàn giám sát của Quốc hội đã giảm sát tối cao, nêu nhiều vấn đề và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 61 tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc. Hiện nay Chính phủ có nhiều chỉ đạo để đảm bảo tiến độ nhưng quan tâm lớn nhất là chất lượng quy hoạch đảm bảo, không vì tiến độ bỏ qua chất lượng. Chúng tôi cố gắng hết sức vừa tháo gỡ, hướng dẫn, cùng địa phương các ngành lập quy hoạch tốt nhất đảm bảo tiến độ như Nghị quyết 61 Quốc hội yêu cầu, Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, chủ trương hiện nay là không phải xong quy hoạch cấp tỉnh mới lập quy hoạch vùng mà làm đồng thời. Cái nào xong trước xem xét phê duyệt trước. Nếu quy hoạch nào phê duyệt sau mà khác quy hoạch trước thì điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.