Phòng, chống tác hại thuốc lá: "Cuộc chiến” chưa có hồi kết
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:16, 31/05/2019
Khói thuốc - Chất độc
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc và hơn 600.000 người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
Thống kê cho thấy, 90% trong số trên 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới hút thuốc lá. Trong khi đây là dạng ung thư gây tử vong phổ biến nhất. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so với người bình thường.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4%. Rất may là tỷ lệ nữ hút thuốc còn thấp, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành (Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành - GATS-2010).
Ảnh minh họa
Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người hút thuốc, thuốc lá còn tác động ghê gớm đến những người xung quanh tiếp xúc với khói thuốc - những người được coi là bị hút thuốc lá “thụ động”.
Những người hút thuốc thụ động có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá từ khi còn trong bụng mẹ, thường gặp phải những vấn đề về sự phát triển và suy giảm chức năng của phổi. Trẻ nhỏ hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc hoặc làm tăng mức độ nặng của bệnh hen, viêm phổi, viêm phế quản, cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Trên thế giới, khoảng 165.000 trẻ tử vong trước 5 tuổi do các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới do hút thuốc lá thụ động. Nghiên cứu cũng cho thấy những người hút thuốc lá còn có nguy cơ mắc lao cao gấp 2 lần so với những người không hút thuốc.
Cần quyết liệt trong xử phạt
Ở Việt Nam, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá sớm được luật hóa để kịp thời điều chỉnh hành vi. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm có cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe…
Tại Điều 22 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi như hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá ở những địa điểm được phép hút…
Thế nhưng, đến nay sau 6 năm, cả nước mới có khoảng 40 trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng bị xử lý, cho thấy quy định chưa được thực thi hiệu quả. Nguyên nhân là do thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc cơ quan thanh tra y tế, nhưng lực lượng này quá mỏng, trong khi tình trạng vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng lại phổ biến.
Đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm kêu gọi thực hiện môi trường không khói thuốc lá
Các chuyên gia y tế cho rằng, để xảy ra tình trạng người dân nhờn với Luật Phòng chống tác hại thuốc lá là do tình trạng dễ dàng tiếp cận với thuốc lá ở bất kỳ nơi đâu, dù vỉa hè, hàng quán hay trung tâm thương mại… Hơn nữa giá thuốc lá ở Việt Nam nói chung còn thấp. Bên cạnh đó, việc giám sát, xử phạt chưa nghiêm của cơ quan chức năng cũng khiến cho cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết.
Ông Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin, dữ liệu toàn cầu của WHO năm 2017 chỉ ra rằng, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. Đồng thời, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá Việt Nam trên giá bán lẻ chỉ chiếm từ 35 - 40% (cách xa khuyến cáo của WHO là 70%) và nằm trong nhóm 3 nước có thuế thuốc lá thấp nhất trên thế giới (cùng Lào và Campuchia).
Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của thành phố cũng chỉ ra rằng, chính việc mua - bán thuốc lá quá dễ dàng cũng khiến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá gặp nhiều khó khăn. Do đó, để thực thi có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Trước hết, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với tình trạng hút thuốc nơi công cộng, nơi làm việc.
Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng. Các cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, xem xét không cấp giấy phép bán lẻ thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc như: Khách sạn, nhà hàng… Xây dựng làng văn hóa - sức khỏe với việc hình thành cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá; xây dựng mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc”...
Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá. Tại Việt Nam, Bộ Y tế phát động Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5 hàng năm. Đến nay, 40 tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc với nhiều chương trình và chiến dịch ý nghĩa. Chiến dịch Ngày thế giới không thuốc lá 2019 nâng cao nhận thức về: - Nguy cơ đối với sức khỏe của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động; - Mối nguy hiểm đặc biệt của sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe phổi; - Mức độ tử vong và bệnh tật trên toàn cầu từ các bệnh phổi do hút thuốc lá gây ra, bao gồm cả bệnh hô hấp mãn tính và ung thư phổi; - Bằng chứng mới về mối liên hệ giữa hút thuốc lá và tử vong do bệnh lao; - Hậu quả của việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động đối với sức khỏe lá phổi của con người ở các nhóm tuổi khác nhau; - Tầm quan trọng của lá phổi khỏe mạnh đối với cơ thể mỗi người - Các hành động và biện pháp khả thi mà người dân và các quốc gia có thể thực hiện để giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe phổi do sử dụng thuốc lá. |