Kỳ 3: Nhiều giải pháp để văn hóa Thái sống mãi với thời gian
Tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt” có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Thế hệ trẻ tỉnh Nghệ An luôn xác định việc gìn giữ, kế thừa văn hóa, bản sắc dân tộc là trọng trách vô cùng lớn lao. Vì vậy, với tinh thần đoàn kết, tiên phong và sáng tạo, mỗi đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh Nghệ An đều có nhiều việc làm thiết thực để gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc.
Tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt” có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Thế hệ trẻ tỉnh Nghệ An luôn xác định việc gìn giữ, kế thừa văn hóa, bản sắc dân tộc là trọng trách vô cùng lớn lao. Vì vậy, với tinh thần đoàn kết, tiên phong và sáng tạo, mỗi đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh Nghệ An đều có nhiều việc làm thiết thực để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với gần 16.500 km2, trong đó diện tích vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tới 13.745 km2. Là tỉnh đa dạng về dân tộc, có hơn 491.000 người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số trong đó có 5 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Hòa cùng dòng chảy đa dạng nhưng thống nhất của văn hóa Việt, cộng đồng các dân tộc tỉnh Nghệ An đã khẳng định được bề dày lịch sử cách mạng, có nền văn hóa truyền thống đậm bản sắc, phong phú và đa dạng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và lưu giữ cho tới ngày nay.
Nhắc tới địa danh Con Cuông (Nghệ An), chúng ta thường nghĩ ngay tới Vườn quốc gia Pù Mát, một thắng cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ cùng món đặc sản “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng” được lưu truyền từ bao đời nay. Đặc biệt, đây là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ cùng hệ thống danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thác Khe Kèm, Đập Pha Lài, Khe nước mọc, Sông Giăng cùng kho tàng văn hoá - lịch sử còn lưu giữ trong các bản làng của đồng bào Thái…, những năm qua, du lịch cộng đồng đang được chính quyền địa phương, người dân huyện Con Cuông đầu tư, phát triển.
Huyện Con Cuông (Nghệ An) có 7 dân tộc anh em sinh sống là Thái, Đan Lai, Tày, Nùng, Ê Đê, Khơ Mú và Hoa sinh sống tại 13 xã, thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm đến 75%. Tuy mỗi dân tộc mang một nét văn hóa riêng, nhưng cái riêng đó nằm trong cái chung, đó là truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nhận thức được việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên mảnh đất quê hương là trọng trách lớn lao, những năm qua, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Huyện đoàn Con Cuông đã có nhiều mô hình, hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái.
Hiện nay, toàn huyện đã thành lập được 31 Câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ Thái ở 12/13 xã, thị trấn, trong đó nhiều nhất là xã Yên Khê (7 CLB) và xã Môn Sơn (5 CLB), tại các CLB lực lượng nòng cốt là thế hệ trẻ. Một số câu lạc bộ còn phát huy hiệu quả gắn với việc phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập cho bà con như: Câu lạc bộ dân ca Thái bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; bản Nưa, xã Yên Khê; bản Xiềng, bản Cằng, xã Môn Sơn...
Các mô hình Câu lạc bộ dân ca Thái có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, góp phần đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Theo chị Lữ Băng Châu, Bí thư huyện đoàn Con Cuông (Nghệ An), vinh dự và tự hào, năm 2021 điểm du lịch cộng đồng, sinh thái Bản Xiềng- Pha Lài- Sông Giăng xã Môn Sơn đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận điểm du lịch cấp tỉnh. Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, tại các cơ sở Đoàn có các điểm du lịch, Huyện đoàn đã chỉ đạo thành lập ra các đội, nhóm tình nguyện hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ khách du lịch, trông giữ xe, thu gom rác thải, luyện tập và biểu diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc, quảng bá về văn hóa dân tộc Thái…
Hàng năm, các cơ sở Đoàn đểu tổ chức các lớp truyền dạy dân ca Thái, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre đan… cho học sinh, đoàn viên thanh niên nhằm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tại các trường học, vào các ngày lễ đều tổ chức các Hội thi tìm hiểu, các hoạt động ngoại khóa, các chương trình văn nghệ gắn liền với truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc Thái…
Những hoạt động trên của tuổi trẻ Con Cuông đã góp phần cùng huyện nhà xây dựng Con Cuông trở thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái, trở thành điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá miền Tây xứ Nghệ.
Cũng là quê hương của những điệu nhuôn, điệu khắc luống, thế hệ trẻ huyện Anh Sơn (Nghệ An) hôm nay luôn ý thức sâu sắc việc bảo tồn, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Bí thư huyện đoàn Anh Sơn cho hay: Anh Sơn là huyện miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đồng bào dân tộc Thái sinh sống tập trung ở 8 xã, 19 thôn bản.
Hiện nay, trong chiến lược phát triển, huyện Anh Sơn đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương, trong đó chú trọng ưu tiên những ngành nghề gắn với bản sắc, văn hóa của từng vùng. Với tinh thần xung kích, sáng tạo, những năm qua, tuổi trẻ huyện Anh Sơn đã tạo được dấu ấn của mình trong hành trình tiếp nối văn hóa truyền thống của địa phương.
BTV Huyện đoàn đã chỉ đạo 8 cơ sở Đoàn có đồng bào dân tộc Thái sinh sống thành lập các nhóm trên mạng xã hội để tuyên truyền, tập hợp đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Toàn huyện đã thành lập, duy trì hơn 150 đội văn nghệ tại các thôn, bản, 6 CLB dân ca dân vũ dân tộc Thái với nòng cốt là đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thường xuyên tham gia tập luyện các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ trang phục, nhạc cụ biểu diễn đến các làn điệu, sẵn sàng phục vụ vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của địa phương.
Hàng năm, một số cơ sở Đoàn như Đoàn xã Thọ Sơn, Thành Sơn và Cẩm Sơn đều phối hợp tổ chức các lớp dạy dân ca Thái, dệt thổ cẩm cho các đoàn viên thanh niên. Thực hiện năm chuyển đổi số 2023, tuổi trẻ toàn huyện đã thực hiện 25 công trình số hóa dữ liệu, 1 điểm du lịch sinh thái và 7 di tích lịch sử, văn hóa bằng hệ thống Bảng mã QR, giúp du khách dễ dàng hiểu rõ hơn về các điểm du lịch khi đến thăm và trải nghiệm ở Anh Sơn.
Còn ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An), với 80% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, là địa phương còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống phong phú đa dạng, đậm bản sắc dân tộc. Có thể kể đến các lễ hội đặc sắc như: Hang Bua, Phá Xăng, Xăng Khan, lống tồng..., trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như ném còn, nhảy sạp, khắc luống, hát nhuôn, suối, các phong tục mang đậm nét bản sắc được lưu giữ.
Trong những năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, tuổi trẻ huyện Quỳ Châu đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, góp phần xây dựng Quỳ Châu phát triển, phấn đấu trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An.
Đồng chí Chị Phan Thị Quỳnh Châu, Bí thư Huyện Đoàn Quỳ Châu chia sẻ, hoạt động nổi bật của tuổi trẻ Quỳ Châu là nhận thấy trên địa bàn, nhiều người trẻ không biết nói tiếng mẹ đẻ, có bạn thì chỉ hiểu nghĩa mà không nói được tiếng Thái. Với lợi thế toàn huyện có 11 Nghệ nhân được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, vì vậy, hàng năm các cơ sở Đoàn ở huyện Đoàn Quỳ Châu đã mở các lớp học dạy dân nhạc, dân ca, dân vũ, (xuối, nhuôn, khắp, lắm), các nhạc cụ truyền thống và phổ cập chữ Thái, đồng thời mời các nghệ nhân ưu tú của huyện về truyền dạy.
Trong 5 năm qua, toàn huyện đã mở được hơn 10 lớp thu hút được hơn 300 lượt học viên tham gia học tập, trong đó đa phần học viên là thanh thiếu niên, cán bộ, giáo viên... Từ những lớp học, các học viên có khả năng truyền dạy lại cho người khác. Bên cạnh đó, việc thành lập và phát triển các CLB duy trì, bảo tồn văn hoá Thái luôn được thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy.
Tính đến nay, toàn huyện đã có 12 CLB văn hóa Thái, trong đó có 1 CLB cấp tỉnh, 2 HTX thêu, dệt thổ cẩm, thành viên nòng cốt ở các CLB, HTX đều là thanh niên. Trong 2 năm 2023 và 2024, Huyện đoàn Quỳ Châu đã tổ chức được 4 chương trình, hội thi như: “Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái”; “Tuổi trẻ Quỳ Châu với văn hoá dân tộc Thái”, với các hoạt động ý nghĩa như: Thanh niên lắng nghe về văn hoá rượu cần; Giới thiệu trang phục Thái và học cách đội khăn Piêu; Trình diễn trang phục Thái; Thi nhảy sạp…
Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thế nhưng bản sắc văn hóa truyền thống tại nhiều địa phương ở khu vực miền núi tỉnh Nghệ An vẫn luôn được gìn giữ và phát huy.
Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của thế hệ trẻ, nhất là lực lượng thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều cơ sở Đoàn đã có nhiều cách làm hay, mô hình hoạt động hiệu quả, sáng tạo trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nổi bật có mô hình dạy học tiếng và chữ viết dân tộc Thái, Mông được một số huyện triển khai có hiệu quả, hàng năm thu hút hàng trăm học viên là thanh thiếu niên ở nhiều lứa tuổi tham gia, tiêu biểu ở các huyện như Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Ngoài ra, các lớp học dạy dân ca Thái, dạy chơi các nhạc cụ truyền thống, dạy dệt thổ cẩm ở huyện Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn… được gìn giữ và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, trang phục sinh hoạt truyền thống của dân tộc đã được lớp trẻ đón nhận và tự hào đối với dân tộc mình. Hàng năm, các hoạt động lớn như ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc, Hội thi giọng hát của người dân tộc thiểu số, trình diễn trang phục dân tộc thiểu số luôn được các Cơ sở Đoàn toàn tỉnh triển khai.
Tại các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, hàng năm đều duy trì tổ chức chương trình “Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái”. Các cơ sở Đoàn đều có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số như: khởi nghiệp, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng; hỗ trợ học phí, trao tặng học bổng… Ngoài ra, cũng tổ chức nhiều đội hình thanh niên tình nguyện thực hiện các công trình, phần việc hỗ trợ người dân và thanh thiếu nhi tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số ít người, tổ chức các hoạt động thanh niên đồng hành, gìn giữ văn hóa dân tộc thiểu số tại các địa phương.
Hiện nay chúng ta đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển nhanh chóng. Cuộc cách mạng này tác động đến hầu hết các quốc gia, dân tộc; ở tất cả các lĩnh vực và mỗi con người trên toàn thế giới một cách trực tiếp, sâu sắc. Văn hóa Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động đó.
Anh Trần Linh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An
Vấn đề xây dựng và bảo vệ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn. Làm thế nào để bảo tồn và phát triển văn hóa trong thời đại 4.0, đó không còn là câu chuyện riêng mà là của mọi người, trong đó có trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ. Trong năm 2023, Tỉnh Đoàn Nghệ An đã tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ với nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” tại huyện Quỳ Châu. Tại diễn đàn, đoàn viên thanh niên được lắng nghe những chia sẻ, trao đổi từ các nghệ nhân văn hóa Thái về những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái như: Những làn điệu dân ca, các nét văn hóa, ý nghĩa từng hoa văn trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nghề đan lát các đồ dùng phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong đời sống của người dân…
Qua diễn đàn, nhằm tạo cơ hội cho cán bộ, đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số toàn tỉnh chia sẻ, trao đổi về những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, nêu cao vai trò, sứ mệnh của thế hệ trẻ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực hiện nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, thời gian tới, BTV tỉnh đoàn Nghệ An chỉ đạo các cơ sở Đoàn ít nhất mỗi năm tổ chức được 1 diễn đàn “Tuổi trẻ với nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số”.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động giáo dục đoàn viên thanh niên trân trọng giá trị văn hóa dân tộc. Nêu cao vai trò, sứ mệnh của thế hệ trẻ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phối hợp với các ban ngành chuyên môn và các nghệ nhân mở nhiều lớp truyền dạy những giá trị, bản sắc văn hoá cho thế hệ trẻ; Quan tâm phối hợp xây dựng, duy trì các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm văn nghệ để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc tại địa phương với lực lượng chủ yếu là ĐVTN.
Tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN dân tộc thiểu số được đào tạo nghề truyền thống, lập nghiệp ngay tại địa phương. Mỗi đoàn viên thanh niên hãy thực sự quan tâm và xem đây là nhiệm vụ quan trọng của người trẻ trên quê hương Bác Hồ, góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, xứng đáng là thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, cho biết: Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, được các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh Nghệ An quan tâm thực hiện, đặc biệt là việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ở Miền Tây Nghệ An.
Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cho Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, các câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trong toàn tỉnh.
Đối với Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Sở VHTT đã triển khai nhiều chương trình tại 11 huyện miền Tây Nghệ An; Tổ chức hội thảo “Bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp trong hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Nghệ An; tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc như: Đêm hội sắc xuân Miền Tây, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4…
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành thì không thể phủ nhận vai trò của thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng những việc làm cụ thể, những người trẻ Nghệ An đã luôn tiên phong, có nhiều sáng tạo để lan toả giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nhờ đó đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An đã có những bước khởi sắc rõ rệt, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.
Trong giai đoạn hội nhập, phát triển hiện nay, với những biến động phức tạp khó lường đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi những người trẻ trên quê hương Bác Hồ không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, mà còn phải tinh thông về văn hóa, tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó khơi dậy ý chí, khát vọng, xây dựng tỉnh Nghệ An giàu mạnh theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ chính trị, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”.
- Thực hiện: Gia Hân - Thái Hiền
- Thiết kế: Mai Đỉnh
Tuyến bài: Những người trẻ “giữ hồn” bản sắc, văn hóa dân tộc Thái
* Kỳ 1: Say sưa học để lưu giữ bản sắc
* Kỳ 2: Những thủ lĩnh đoàn nặng lòng giữ “hồn cốt” của bản, làng
* Kỳ 3: Nhiều giải pháp để văn hóa Thái sống mãi với thời gian