Phóng sự - Ghi chép

Kỳ 1: Say sưa học để lưu giữ bản sắc

Gia Hân - Thái Hiền 27/05/2024 09:06

Hơn 70 năm trước, ngày 17/8/1947, Bác Hồ có thư “Gửi các bạn thanh niên”. Với niềm tin yêu vô hạn với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên…”. Điều đó đã khẳng định vai trò của thanh niên là vô cùng to lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực.

anh-cover-bai1.jpg

Hơn 70 năm trước, ngày 17/8/1947, Bác Hồ có thư “Gửi các bạn thanh niên”. Với niềm tin yêu vô hạn với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên...”. Điều đó đã khẳng định vai trò của thanh niên là vô cùng to lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực.

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Văn hóa hình thành nhân cách con người và bản sắc, cốt cách dân tộc. Chính vì vậy, vai trò của thanh niên đối với lĩnh vực văn hóa là vô cùng quan trọng. Bởi họ là người trực tiếp lựa chọn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại.

Nhớ lời Bác dặn, vinh dự là thế hệ trẻ trên quê hương Bác Hồ, những năm qua, tuổi trẻ tỉnh Nghệ An không chỉ xây dựng được hình ảnh thanh niên trong thời đại mới bằng việc xung kích, đi đầu tham gia các hoạt động vì cộng đồng, an sinh xã hội, sáng tạo trong phát triển kinh tế, mà còn tích cực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nổi bật là văn hoá đồng bào dân tộc Thái, viết nên những câu chuyện đẹp về một thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.

titphu-ky1-1.png

Những lớp học về văn hoá dân tộc Thái được mở ra, nhiều người trẻ say sưa, miệt mài tham gia học, là những việc làm thiết thực của thế hệ trẻ tỉnh Nghệ An trong việc tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Họ không chỉ những người kế thừa, “giữ lửa”, mà còn lan tỏa mạnh mẽ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình cho muôn đời sau.

Ngược dòng sông Con, chúng tôi đến Bản Bộng, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), nơi đây 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, là một trong những bản đầu tiên trong toàn tỉnh và cả nước được công nhận danh hiệu đơn vị văn hóa.

Hai bên đường dẫn vào bản, những cánh đồng lúa chín vàng đang đến mùa thu hoạch, những cô gái, chàng trai thanh niên người Thái trong bộ trang phục truyền thống đủ màu sắc sặc sỡ, xa xa là âm thanh của tiếng khèn, Pí, của tiếng cồng chiêng, hoà lẫn với tiếng cười nói làm rộn rã khắp bản làng.

Không khí tại nhà sinh hoạt cộng đồng của bản rất nhộn nhịp, đông vui khi Đoàn thanh niên đang chuẩn bị cho lễ tổng kết lớp học dân ca, dân vũ dân tộc Thái. Tất cả các thành viên đang say sưa, miệt mài tập luyện các tiết mục để biểu diễn.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội văn nghệ của bản, em Vi Thị Khánh Na, năm nay mới 10 tuổi, nhưng đã thuộc hàng chục làn điệu khắp, nhuôn. Trong bộ váy cóm màu hồng tươi, chiếc khăn đội đầu nhỏ xinh, lưng váy gắn đôi xúc xắc, em múa điệu xoè Thái và cất lên bài hát “Bản làng ơn Bác”, những lời hát ngân nga theo tiếng khèn, tiếng pí khiến ai nghe cũng thấy xao lòng. “…Nay ghi bao công ơn của Đảng, Bác Hồ. Trọn ngàn đời theo Đảng xây dựng quê hương. Xây cuộc đời ấm no tô đẹp muôn phần. Cho nhịp Khèn ơn Đảng ngân vang bản Mường. Pị noòng ơi! Ơi Pị noòng ơi…”. Khánh Na cho biết, để hát và múa được như thế này là nhờ tham gia vào lớp học do Đoàn thanh niên xã tổ chức.

Sửa lại chiếc khăn Piêu đội đầu để chuẩn bị cho tiết mục của mình, em Lữ Ngọc Bảo Châu, một “hạt nhân” nòng cốt trong đội văn nghệ ở bản Bộng xã Thành Sơn, chia sẻ: Là người con của đồng bào dân tộc Thái, cứ mỗi lần thấy các bà, các mẹ trong bản khoác lên mình bộ váy áo truyền thống, hòa vào tiếng cồng chiêng, múa điệu lăm vông uyển chuyển trong các ngày lễ, Tết em rất thích, nên khi Đoàn thanh niên của bản và xã tổ chức lớp học này em đăng ký ngay.

Hầu hết các bạn học sinh, anh chị đoàn viên thanh niên trong bản đều tham gia, đều đặn mỗi tuần vào thứ 7 và chủ nhật, chúng em được các nghệ nhân, các cụ cao niên trong bản hướng dẫn và trao truyền những bản sắc văn hoá Thái. Qua đó, giúp chúng em hiểu biết sâu sắc hơn và yêu thêm về những nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

dfff.jpg
Lớp học dân ca, dân vũ dân tộc Thái do Đoàn thanh niên xã Thành Sơn, Anh Sơn tổ chức đã thu hút đông đảo các em học sinh, đoàn viên thanh niên tham gia.

Được chứng kiến các thế hệ con cháu trong bản hăng say tập luyện, già làng Vi Văn Lưu cùng lãnh đạo địa phương, ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi ở bản Bộng thể hiện rõ sự rạng ngời, phấn khởi khi được thưởng thức những làn điệu khắp, múa xoè, lăm vông, tiếng cồng, tiếng chiêng đầu đời của con cháu. Già Lưu xúc động nói: “Chúng tôi thấy vui và hạnh phúc lắm vì được nhìn thấy thế hệ trẻ của bản biết trân trọng và có ý thức tìm hiểu, học hỏi các bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông. Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là trao truyền những giá trị tốt đẹp của dân tộc Thái để các con, các cháu gìn giữ, phát triển cho muôn đời sau”.

Theo chị Lô Thị Hằng, Bí thư chi đoàn bản Bộng xã Thành Sơn, Anh Sơn (Nghệ An), trong những năm qua, Chi đoàn đã phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong việc duy trì phong trào văn hóa văn nghệ và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, nổi bật là đã mở được 2 lớp học miễn phí truyền dạy hát dân ca, sử dụng các nhạc cụ dân tộc Thái cho học sinh, thanh, thiếu niên trong bản; vận động đoàn viên tham gia vào CLB Dân ca Dân vũ của bản và các tổ dệt thổ cẩm. Hiện nay, toàn bản có 9 khung dệt và vẫn luôn hoạt động để làm ra các sản phẩm truyền thống.

Trong dịp nghỉ hè năm 2024 này, Chi đoàn đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động với chủ đề trọng tâm là “Tuổi trẻ bản Bộng chung tay giữ gìn bản sắc dân tộc Thái”, như tổ chức cuộc thi trang phục người Thái; thi các trò chơi truyền thống như đánh cồng chiêng, bắn nỏ, ném còn... nhằm đưa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái đến với thế hệ trẻ; tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em trong dịp hè, từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng ở bản Bộng.

Rời bản Bộng, xã Thành Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) khi nắng chiều dần khuất sau ngọn núi, ráng chiều đỏ rực một góc, hoàng hôn buông mình giữa dòng sông Giăng thơ mộng, tiếng cồng chiêng vẫn còn ngân vang, bên chum rượu cần, già, trẻ gái trai cùng quây quần với nhau bằng điệu múa lăm vông. Ai cũng rạng rỡ, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, khi thấy hướng đi đúng đắn của thế hệ trẻ bản Bộng, cùng chung nhau tay giữ hồn văn hóa của dân tộc mình.

titphu-ky1.png

Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Theo tập quán, trước đây người con gái Thái trước khi về nhà chồng đều phải dệt chăn, đệm làm quà tặng anh em nhà chồng, vừa để thể hiện sự khéo léo, đảm đang, vừa tỏ tấm lòng thơm thảo. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, nghề dệt thổ cẩm hiện đang có nguy cơ mai một. Với mong muốn khôi phục, giữ nghề truyền thống của dân tộc mình, những người trẻ ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) vẫn ngày đêm miệt mài đến các lớp học dệt thổ cẩm hay nhờ các bà, các mẹ truyền lại nghề.

Cứ vào ngày nghỉ cuối tuần, em Lang Tú Uyên, ở bản Cẩm Hoà, xã Cẩm Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) lại đến nhà bà Lương Thị Phài để tham gia vào tổ dệt thổ cẩm của bản. Mặc dù ít tuổi nhất trong tổ dệt, nhưng em đã dệt được nhiều sản phẩm thổ cẩm với hoa văn tinh xảo, mang đậm nét truyền thống của người Thái.

Từ nhỏ, em được mẹ dạy cho những bản sắc văn hoá của dân tộc mình và được biết đối với người Thái thì công việc gì cũng cần đến vải thổ cẩm. Mẹ kể rằng, người con gái Thái ngày trước thể hiện sự khéo léo, đảm đang bằng cách quay sợi, bật bông, phối màu, thêu hoa để khi lấy chồng có chiếc khăn Piêu, bộ chăn đệm đẹp tặng người thân...

Tú Uyên chia sẻ

Theo thời gian và các sản phẩm may mặc chạy theo nền kinh tế thị trường, nên nghề dệt truyền thống cứ mai một dần. Vì vậy, mong muốn giữ gìn nghề truyền thống đã thôi thúc em học nghề từ các bà, các mẹ trong bản. Hiện nay, ở bản vẫn đang duy trì 5 tổ dệt thổ cẩm, mỗi tổ từ 5-6 người và hơn 1 năm nay, em đã sắp xếp thời gian để tham gia vào tổ dệt, sản phẩm dệt ra của các tổ chủ yếu phục vụ chị em trong bản và điều quan trọng nhất là để giữ nghề truyền thống.

6.jpg
Thế hệ trẻ ở bản Cẩm Hoà xã Cẩm Sơn, Anh Sơn học nghề dệt thổ cẩm.

Đến bản Đông Thọ xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) - nơi được coi là một vùng văn hóa đậm đà bản sắc của huyện.

Thấy chúng tôi ấn tượng với những bộ trang phục nhiều màu sắc với đường nét, hoa văn tinh xảo, bà Vi Thị Thiện cầm chiếc váy thổ cẩm vừa dệt xong giới thiệu thêm: Đã từ lâu, những sản phẩm thổ cẩm của người Thái là niềm tự hào qua bao thế hệ ở khắp các bản làng. Từ màu sắc, nguyên liệu cho đến các hoa văn, họa tiết và hình thái sản phẩm đều có nét độc đáo.

Trong các sản phẩm của mình, người Thái sử dụng rất nhiều màu sắc, màu xanh của cây lá, màu hồng, trắng, đỏ... của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh mặt trời trên núi. Nó là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của bà con người Thái, gắn bó với mỗi người dân từ lúc sinh ra, đến lúc lập gia đình và những lúc cuối đời.

Thế nhưng hiện nay trong bản, số người biết dệt thổ cẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết đều đã già yếu. Từ lâu lắm rồi, bà Thiện luôn trăn trở về việc giữ nghề, phát triển nghề và truyền nghề cho lớp trẻ. Chính vì vậy, khi xã mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, thấy các các cháu thanh niên trong bản đăng ký tham gia học nhiều, ngoài giờ còn đến nhờ bà dạy thêm, bà vui lắm. Bà đã tranh thủ thời gian truyền dạy cho các cháu, chỉ mong được giữ lại nghề truyền thống của cha ông để lại.

Miệt mài bên khung cửi, đôi bàn tay thoăn thoắt theo nhịp thoi đưa, em Vi Thị Cúc, là thành viên trẻ tuổi nhất ở lớp học nghề dệt thổ cẩm xã Thọ Sơn, chia sẻ: Mỗi lần bản có dịp lễ, hội được mặc trang phục dân tộc của mình, em rất thích và tự hào. Vì vậy, khi thấy xã mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm em đã đăng ký tham gia, hiện nay lớp đã học được hơn 1 tháng. Cúc cho biết, mới đầu học dệt em thấy rất khó, nhất là cách kết hợp màu để tạo hoa văn trang trí... Nhưng được cô giáo chỉ dạy tận tình và còn được các bà, các mẹ trong bản truyền dạy thêm, nên em cũng đã tự dệt được những sản phẩm đơn giản.

Bà Dương Thị Hạnh, Bí thư Đảng uỷ xã Thọ Sơn, Anh Sơn (Nghệ An), cho hay: Là địa phương có 2 bản đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nhiều năm trước đây, do điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nên việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc không được đồng bào chú trọng. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ con em người dân tộc Thái chưa ý thức được hết tầm quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nên việc lưu truyền, sử dụng những bản sắc văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Với mong muốn lưu giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của đồng bào Thái, trong những năm qua, Đảng uỷ xã đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên triển khai các giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt tham gia giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá đồng bào Thái.

Hàng năm vào các dịp lễ, Tết, nhất là ngày hội đại đoàn kết toàn dân, tại các khu dân cư đều tổ chức các hoạt động mang đậm nét văn hóa Thái. Hiện nay, UBND xã đang phối hợp với Trung tâm GDNN- GDTX huyện Anh Sơn mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, với 33 học viên đều là những người trẻ ở độ tuổi từ 20- 35 tham gia. Đặc biệt, Đoàn xã đã phối hợp với các đoàn thể địa phương vận động bà con xoá bỏ được các hủ tục. Nếu như trước đây, việc ma chay diễn ra 2 đến 3 ngày, thì nay đã bị xóa bỏ, thay vào đó được tổ chức trang nghiêm, nhưng gọn nhẹ, văn hóa và tiết kiệm.

Quê hương, đất nước đang ngày càng phát triển, làn sóng hội nhập và giao thoa văn hoá đang diễn ra hết sức sôi động. Bởi vậy việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc của thế hệ trẻ ở huyện miền núi Anh Sơn, tỉnh Nghệ An thông qua việc mở các lớp học dân ca dân tộc Thái hay say sưa, miệt mài học nghề dệt thổ cẩm là những cách làm hay, cần được nhân rộng, vì đây chính là lực lượng nòng cốt để gìn giữ và lan toả những bản sắc văn hoá của các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ.

van-hoa-dan-toc-thai.jpg

(Còn nữa)

  • Thực hiện: Gia Hân - Thái Hiền
  • Thiết kế: Mai Đỉnh

Tuyến bài: Những người trẻ “giữ hồn” bản sắc, văn hóa dân tộc Thái

* Kỳ 1: Say sưa học để lưu giữ bản sắc
* Kỳ 2: Những thủ lĩnh đoàn nặng lòng giữ “hồn cốt” của bản, làng
* Kỳ 3: Nhiều giải pháp để văn hóa Thái sống mãi với thời gian

Gia Hân - Thái Hiền