Josep Bartomeu: Parasite và gã chủ tịch bất lương
Thể thao - Ngày đăng : 15:36, 02/03/2021
Ngày 5/6/2015, Barcelona đăng quang Champions League, hoàn tất “cú ăn 3” ngoạn mục dưới thời Luis Enrique. Sự tung hô, tán thưởng và ngợi khen nhanh chóng ngập tràn trên các mặt báo và khắp các phương tiện truyền thông. NHM đội bóng này thì vui mừng tột độ vì sau vương triều của Pep Guardiola, Barca sẽ lại tiếp tục thống trị và say đắm thế giới bằng thứ bóng đá đẹp ngây ngất lòng người. Ấy vậy nhưng cũng ít ai có thể ngờ rằng, đó là lần cuối cùng tính đến thời điểm hiện tại, đội bóng xứ Catalonia đứng trên đỉnh châu Âu. Ẩn sâu để lý giải cho những sa sút tột cùng ấy không ai khác ngoài cái tên Josep Maria Bartomeu.
Sau mùa giải 2015, 6 năm qua là 6 năm Barca trồi lên sụt xuống trong sự hỗn loạn cả về phong độ lẫn sức mạnh của mình. Những danh hiệu cứ thế dần xa, kết quả trên sân cỏ lẹt đẹt và kéo theo sau đó là hàng tá những mối bất ổn nơi hậu trường. Lần đầu tiên trong lịch sử của CLB, họ rơi vào cảnh nợ nần tù túng với số nợ trở thành nỗi đau của bất cứ NHM nào yêu đội bóng này. Vinh quang đã ở lại phía sau, lột bỏ và trả lại cho Barca hình hài của một đội bóng “thân tàn ma dại”.
Trở lại với bê bối Barcagate, trước khi vụ việc tệ hại này bị phanh phui, người ta vẫn mặc nhiên cho rằng nguyên nhân Barca sa sút chủ yếu đến từ mặt con người. Mà nhắc đến con người có thể quyết định sinh mệnh Barca trên sân cỏ, còn ai ngoài Lionel Messi. Barca thắng nhờ hơi thở Messi, Barca thua cũng do Messi không thể ghi bàn. Barca bất ổn phòng thay đồ do Messi tham quyền cố vị, Barca khủng hoảng tài chính do mức lương của Messi nhận ở mức trên trời.
Suy cho cùng, mọi sự suy yếu, mọi sự thụt lùi của đội bóng xứ Catalonia vô hình trung đổ hết lên đầu Messi. Ở Camp Nou, cầu thủ người Argentina dù có xuất chúng tới đâu, có là “thánh bảo hộ” đi chăng nữa thì vẫn chỉ là một cầu thủ và nghề nghiệp là cầu thủ, thi đấu dù có tận hiến thì vẫn được nhìn một cách công bằng theo kiểu “làm công ăn lương”. Trên thực tế, M10 vẫn là cái tên xuất sắc trên mọi phương diện, anh vẫn ghi bàn đều đặn, xô đổ hàng loạt kỷ lục và thu thập không ít danh hiệu cá nhân.
Chỉ đến khi Barcagate vỡ lở, người ta mới thâm sâu nhìn ra được rằng sau tất cả, kẻ mà hằng ngày chọc ngoáy, đục khoét Barca tới mức mục ruỗng lại chính là vị chủ tịch quyền lực nhất đội bóng, Josep Maria Bartomeu.
Với một con người đứng đầu CLB chỉ chăm chăm “phá hoại” kiểu bất lương như thế, Messi dù có là tài thánh, có là “thần hộ mệnh” toàn năng đi chăng nữa cũng bất lực. Chẳng thế mà chỉ ít ngày sau khi Barcelona chính thức đăng quang ở Champions League mùa giải 2014/15, Bartomeu được bầu làm chủ tịch thứ 40 của CLB. Và mọi thứ đen tối nhất trong lịch sử CLB này lũ lượt kéo đến không cách gì ngăn lại.
Trước khi cuộc bầu cử được diễn ra, BLĐ trước đó của Barca đã cùng với Bartomeu đã đàm phán và ký một thỏa thuận tài trợ với Qatar Airways. Sẵn đà vừa vô địch Champions League, Bartomeu mở lại cuộc đàm phán với ý định tìm kiếm một giao kèo béo bở hơn. Sau cùng, không có giao kèo nào được ký kết, và cũng chẳng có thêm điều gì đổi khác vì quan hệ đối tác giữa Barca và Qatar đi tới hồi chấm dứt.
Trên phương diện sân cỏ, Barca dưới nhiệm kỳ đầu của Bartomeu đã vung tiền hàng loạt để đem về những cầu thủ “nửa vời” kiểu như Arda Turan, Aleix Vidal, Lucas Digne, Paco Alcacer, Andre Gomes và Samuel Umtiti. Như một sự tàn lụi được định đoạt từ trước, những cái tên này chẳng ai để lại nổi dấu ấn và đều phải khăn gói rời đi không kèn không trống. Bên cạnh việc đại náo thị trường chuyển nhượng trong vô vọng, Bartomeu nâng lương và thiết lập những bản hợp đồng mới với số tiền lương khổng lồ cho những ngôi sao như Jordi Alba, Sergio Busquets, Gerard Pique và Luis Suarez.
Quỹ lương nhanh chóng bị phình to vượt dự toán, Barca trở thành CLB có quỹ lương cao nhất tại châu Âu. Mọi chuyện chí ít vẫn nằm trong tầm kiểm soát nếu như Covid-19 không xuất hiện. Sự tàn phá và càn quét nặng nề của dịch bệnh này khiến cho Barca chao đảo và đội bóng này đã không ít lần kêu gọi các cầu thủ và nhân viên phải giảm lương để gồng gánh cùng CLB.
Mùa hè 2017, PSG - CLB thuộc sở hữu của Qatar Sports Investments (QSI) đã ngấm ngầm tiếp cận và nhanh như cắt mang Neymar rời khỏi Camp Nou bằng việc kích hoạt điều khoản giải phóng hợp đồng trị giá 222 triệu euro.
Mất đi người được coi là tiệm cận với đẳng Messi coi bộ là một điều rất khó chấp nhận. Thế nhưng việc nhận về 222 triệu euro từ Neymar và thêm một lần ném tiền qua cửa sổ chính mới là cú đấm quyết định nhất. Ousmane Dembele và Philippe Coutinho được đem về Catalonia. Và rồi kết quả của hai bom tấn này như nào thì ai cũng rõ, một cầu thủ vô kỷ luật, nằm trong bệnh viện vì chấn thương nhiều hơn ra sân thi đấu. Một cầu thủ thì thi đấu vật vờ, trở thành cái bóng của chính mình so với ngày còn ở Liverpool. Sau cùng, hai bom tấn kỳ vọng thế chỗ Neymar trở thành gánh nặng của CLB, giữ không được, bán cũng chẳng ai mua.
Barca ngập ngụa trong những sự bất ổn không dễ gì gỡ bỏ ngày một ngày hai. Trong khi đó, đại kình địch lớn nhất của họ là Real Madrid thống trị bóng đá châu Âu trong 3 mùa giải liên tiếp bằng chiến tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Barca hẳn nhiên vẫn còn là một cái tên quen thuộc ở sân chơi danh giá nhất châu Âu. Thế nhưng thay vì phô diễn sức mạnh và thể hiện đẳng cấp của một ông vua thì họ lại hô biến thành những “gã hề” không hơn không kém. Blaugrana thất bại cay đắng trước AS Roma, bị Liverpool đá cho “tơi tả” ở sân chơi mà họ từng là cái tên mạnh nhất. Mọi thứ nhanh chóng trở thành đề tài chế giễu của làng túc cầu và những gợi nhắc về chiến tích lội ngược dòng PSG năm 2017 trở thành “cú tát” đau điếng cho Barca những năm sau đó.
Không chỉ có thế, chỉ ít lâu sau khi trở thành người quyền lực nhất Barca, Bartomeu đã chứng kiến CLB do mình cai quản nhận hai tội danh chống lại cơ quan thuế đều bắt nguồn từ thương vụ ký hợp đồng với Neymar trước đó. Mặc dù rất nhanh sau đó, cả chủ tịch đương nhiệm khi đó Bartomeu lẫn cựu chủ tịch Sandro Rosell đều được chứng minh vô tội, thế nhưng hình ảnh của CLB đã bị hoen ố một cách cực kỳ nghiêm trọng.
Những người chán ghét Bartomeu sau đó còn được tiếp tục khoét sâu thêm khi trận đấu Barca vs Las Palmas đáng nhẽ phải hủy vì cuộc xung đột giữa người biểu tình và quân đội ở Tây Ban Nha hồi năm 2017 vẫn diễn ra đúng lịch. Đám đông tụ tập bỏ phiếu gây ra bạo động cả ở xứ Catalan lẫn thủ đô Madrid khiến cảnh sát địa phương buộc phải sử dụng đạn cao su để giải tán. Thế nhưng bất chấp những phản đối kịch liệt từ phía cầu thủ đội nhà, người dân xứ Catalonia lẫn cầu thủ Las Palmas, Bartomeu vẫn đồng ý cho đội nhà thi đấu trên sân không có khán giả trong ngày mà Catalonia trưng cầu dân ý.
Cuối cùng, những bê bối trong phi vụ “nhục nhã” mang tên Barcagate chính là đỉnh điểm cho sự yếu kém và hèn mọn của Bartomeu. Theo đó, ông bị cáo buộc đã thuê một công PR với mục đích là bằng mọi cách làm hoen ố cũng như tổn hại danh tiếng của các cầu thủ Barca. Trong nội tình đội bóng, ông cắt đứt mọi liên hệ với một số cầu thủ chủ chốt, bao gồm cả Lionel Messi. Mọi kế hoạch trước giờ mà vị cựu chủ tịch này vẽ ra chỉ là hão huyền và điều đó khiến cho nhiều cầu thủ mất niềm tin vào đội bóng.
Trong lần đề đơn đòi ra đi bất thành, Lionel Messi cũng đã không ngần ngại chỉ trích Bartomeu, nói rằng vị cựu chủ tịch này đã lừa dối anh nhiều lần. Sự bất mãn trong cách đối nhân xử thế và tăm tối trong việc định hướng đội bóng phát triển là nguyên nhân khiến M10 nung nấu ý định rời đi.
Sau tất cả, Bartomeu đã bị bắt, cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến hành điều tra và không sớm thì muộn, mọi việc sẽ được đưa ra ánh sáng. Barca rồi sẽ lại bước vào một công cuộc mới của sự chờ đợi, chờ đợi một vị tân chủ tịch đủ cả đức lẫn tài để vực dậy CLB. Suy cho cùng, chính Bartomeu bằng sự yếu kém và ích kỷ đã đẩy Barca xuống vũng bùn để rồi sau đó chính ông đáng bị nguyền rủa bằng những lời lẽ không mấy hay ho, một vị chủ tịch bất lương, một Parasite (ký sinh trùng) phiên bản xứ đấu bò. Chí ít là như thế.