Phiên tòa đã kết thúc bằng mức án 17 năm tù dành cho kẻ sát nhân giết hại cha ruột nhưng những người đến dự phiên tòa dường như vẫn chưa hết bàng hoàng, không tin về sự sa đọa, xuống cấp của đạo đức xã hội, sự vô cảm của con người.
Người cha vĩnh viễn nằm xuống lòng đất lạnh, người con vào tù, người mẹ của bị cáo - người vợ cũ của người bị hại sống trong sự day dứt đau khổ suốt quãng đời còn lại…
Có rất nhiều người dân khu phố Ninh An, phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh đến dự phiên tòa xét xử Trần Văn Kiệt (SN 1987) về tội “Giết người”. Họ là những người chứng kiến tấn thảm kịch của gia đình Kiệt, một hoàn cảnh bi đát đến tột cùng. Cha Kiệt là ông Trần Văn Châu và bà Nguyễn Thị Hoà (ngụ thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) kết hôn cách đây gần 30 năm. Họ từng có quãng thời gian sống hạnh phúc, ông Châu là người đàn ông siêng năng, chăm chỉ, lao động chính trong gia đình. Tai họa ập đến với ông Châu cách đây 25 năm, trong một lần đi làm, ông bị tai nạn lao động rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. Mặc dù thần chết không tha mạng nhưng ông Châu vĩnh viễn nằm liệt giường, bán thân bất toại. Sau tai nạn, hoàn cảnh gia đình ông Châu buồn thê thảm. Bà Hòa chán nản nên sau đó đã quyết định rời xa bố con ông Châu để cưới chồng khác.
Trần Văn Kiệt lớn lên trong hoàn cảnh cha bại liệt, người mẹ lại lập gia đình mới nên phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Do hoàn cảnh khó khăn, Kiệt không được ăn học đến nơi đến chốn như đám bạn cùng trang lứa. Khi lớn lên, Kiệt xin đi làm thợ hồ kiếm sống và chăm sóc cha. Bi kịch ập đến vào dịp giáp Tết Giáp Ngọ 2014, Kiệt đi tảo mộ cùng gia đình bên ngoại, sau khi xong việc, mọi người có bày rượu ra nhậu. Theo cáo trạng, do sắp đến Tết mà Kiệt đang nợ nần không có tiền trả nên Kiệt gọi điện cho mẹ ruột để xin 6 triệu đồng, bà Hoà không cho nên Kiệt bực bội: “Má không cho con 6 triệu đồng thì ngày mai má bỏ hai triệu mua hai cái quan tài”. Trong trạng thái đó, Kiệt về nhà chạy xuống bếp lấy cây kéo, y đến chỗ người cha bại liệt đang nằm và vung kéo đâm nhiều nhát vào ngực trái ông Châu. Thấy cha đã bất động, Kiệt nghiến răng dùng dao đâm một nhát vào ngực trái của mình để tự kết liễu cuộc đời. Tuy nhiên, Kiệt chỉ gục xuống bất tỉnh và được một người hàng xóm phát hiện, kêu cứu. Mọi người đưa cha con ông Châu đến bệnh viện cấp cứu, do vết thương quá nặng nên ông Châu không qua khỏi, riêng Kiệt được cứu thoát và bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Giết người”.
Đứng trước vành móng ngựa, Trần Văn Kiệt giàn giụa nước mắt khi trả lời những câu hỏi của HĐXX về động cơ, mục đích phạm tội. Kiệt nại ra lý do cuộc sống quá bế tắc, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha lại bị bại liệt phải nằm một chỗ, không thể tự chăm sóc nên bị cáo giết cha và tự sát để cả hai thoát khỏi cuộc đời khốn khổ. Lý lẽ của Kiệt bị HĐXX bác bỏ, việc tước đoạt sinh mạng người khác là vi phạm pháp luật, nhất là trong hoàn cảnh người bị hại là cha ruột của bị cáo, đang trong hoàn cảnh bệnh tật, lệ thuộc vào sự chăm sóc của Kiệt, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, cần phải xử nghiêm.
Một người là hàng xóm của gia đình Kiệt chia sẻ: “Thằng Kiệt nó chỉ mới chăm sóc cho cha được hai năm, trước đó, mọi việc đều do người cô của bị cáo một tay chu tất. Mới có hai năm mà nó đã đổ cho hoàn cảnh khó khăn nên nghĩ quẩn để gây ra tội ác tày đình như vậy thì không thể chấp nhận được”. Trong phần tuyên án, HĐXX không chấp nhận việc Kiệt nại lý do hoàn cảnh túng quẫn để gây án mạng thương tâm. Hành vi của bị cáo là rất dã man, không còn tính người, cần phải xử nghiêm để giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung. HĐXX tuyên phạt Kiệt 17 năm tù về tội “Giết người”. Thảm cảnh của gia đình Kiệt ám ảnh rất nhiều người, giá như gia đình Kiệt không ly tán, giá như mọi người và cộng đồng xã hội quan tâm hơn đến hoàn cảnh của Kiệt thì có lẽ, những bi kịch đau lòng như vụ án này đã không xảy ra…