Ông Võ Kim Cự: Văn bản cấp phép thời gian 70 năm cho Formosa còn nguyên cả

Trọng Bằng| 25/07/2016 11:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (25/7), ông Võ Kim Cự, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí tại hành lang Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến Formosa, đặc biệt thời gian ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Ông Võ Kim Cự: Văn bản cấp phép thời gian 70 năm cho Formosa còn nguyên cả

Ông Võ Kim Cự trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (25/7)

Không né tránh báo chí

- Tại sao ông né tránh báo chí trước sự việc Formosa?

Tôi không né tránh. Nhưng trả lời ngắn thì không đủ, cho nên tôi muốn có thời gian đầy đủ để trả lời. Đối với báo chí tôi luôn sẵn sàng. Tôi rất muốn gặp báo chí để chia sẻ thông tin, cung cấp chính thống các quyết định, văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cung cấp.

Đây là vấn đề tôi cũng rất băn khoăn. Thời gian họp Quốc hội nghỉ giải lao ngắn, không đủ thời gian chứ không phải tôi né tránh.

- Có phải ông trả lời vì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở sau cuộc họp báo?

Không phải. Tôi chưa nhận được điện thoại từ Chủ tịch Quốc hội.

Ký giấy chứng nhận đầu tư là đúng luật

- Ông có thể nói về trách nhiệm xung quanh vụ việc Formosa để xảy ra sai phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến môi trường biển của Việt Nam?

Đây là vụ việc xảy ra rất đặc biệt, ngoài ý muốn, để lại hậu quả cho bà con nhân dân, đời sống khó khăn, ảnh hưởng tâm tư tình cảm… Ban đầu ý tưởng đưa Formosa về Hà Tĩnh thì kỳ vọng một tập đoàn lớn sẽ làm nghiêm túc như cam kết, để thay đổi một vùng đất hoang hoá bạc màu, dân nghèo khó, thông qua đó có nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, thoát nghèo. Thoát nghèo phải có cú hích, phải có công nghiệp làm nền tảng. Chúng ta nghĩ nó hiện ra theo chiều hướng tích cực. Tôi thời gian đó có trách nhiệm liên đới, cũng trăn trở lắm. Động cơ của chúng ta là tích cực chứ không tiêu cực. Nhưng Formosa đã vi phạm cam kết, vi phạm pháp luật về môi trường của chúng ta. Chúng ta làm thủ tục cấp phép đúng theo luật, theo quy trình. Khu kinh tế nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nên có ưu đãi do Chính phủ quyết.

- Nói đúng quy trình mà vẫn phát hiện sai phạm. Ông có thể giải thích rõ hơn?

Việc ký Giấy chứng nhận đầu tư là đúng luật. Đúng theo Nghị định 108, Nghị định 72 của Thủ tướng, đặc biệt đúng Luật Đầu tư và Luật Đất đai. Thời gian 70 năm cũng vậy, đúng theo điều 34 của Luật Đầu tư và điều 67 Luật Đất đai đối với những dự án lớn, vốn lớn và thu hồi chậm, nằm trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì được hưởng các ưu đãi.

Ưu đãi đó cả về thời gian, đất, chính sách khác. Có quyết định hẳn hoi, có điều khoản quy định rõ ràng. Hà Tĩnh không thể tự đặt ra được, đồng thời đảm bảo đúng quy trình.

Tức là khi nhà đầu tư có yêu cầu tỉnh đã báo cáo Chính phủ xin ý kiến. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý, sau đó giao cho các Bộ, ngành cùng địa phương làm hướng dẫn, quy trình, thẩm định của tất cả các Bộ ngành liên quan.

Hiện nay văn bản còn nguyên vẹn đây cả; thẩm định của các thành viên cơ quan Trung ương nữa. Sau đó tổng hợp báo cáo lại lần thứ hai xin ý kiến Chính phủ. Chính phủ đã đồng ý ở công văn 869 về cấp phép. Đồng thời, thời gian đó Thủ tướng cũng có văn bản 926 đồng ý thời gian 70 năm. Như vậy cấp phép đúng và phù hợp với luật pháp của chúng ta.

- Còn để xảy ra sự cố môi trường đó thì tội phạm, thủ phạm và nguyên nhân là Formosa. Nó đã rõ rồi. Chúng ta đang xử lý nghiêm túc.

Một dự án lớn thế mà chỉ trong 6 tháng đã cấp phép cho vào đầu tư thì có quá nhanh không?

Theo tôi là không, nhanh chậm không quan trọng bằng chất lượng của Hội đồng thẩm định. Có khi họ làm việc tăng thêm thời gian, năng suất, phương pháp làm việc tốt hơn thì vẫn đảm bảo điều kiện.

- Hiện luật lại cho phép Bộ Công Thương thẩm quyền quyết định sử dụng công nghệ nào, ông nghĩ sao?

Tất cả các việc này là phân cấp nhưng nhất thiết phải có ý kiến của tất cả bộ ngành trung ương chỉ tự địa phương không quyết định được.

Nói là phân cấp nhưng những vấn đề như thiết kế cơ sở, thiết bị, công nghệ nhưng phải qua Bộ KH&CN trực tiếp kiểm tra, có ý kiến bằng văn bản thì HĐND tỉnh và nhà đầu tư mới được thực hiện. Tỉnh thì không có quyền và không làm được việc này.

Đánh giá tác động môi trường thì bên Bộ TN&MT vừa kiểm tra, thẩm định, phê duyệt, cấp phép. Hà Tĩnh thì không làm được.

Nhưng Bộ KH&CN nói là họ chỉ được có ý kiến ban đầu chung chung chứ không biết Formosa sẽ dùng loại công nghệ gì, hoàn toàn do Bộ Công thương có quyền quyết định, dẫn đến bây giờ công nghệ đó lạc hậu?

Đó là do quy định về thẩm quyền của từng cơ quan.

"Tôi đang đề nghị là phải xử lý nghiêm vi phạm"

- Mới đây lại vừa phát hiện một loạt sai phạm mới của Formosa như chôn lấp chất thải ở Hà Tĩnh. Việc phát hiện cũng không phải do cơ quan nhà nước, khiến dư luận đặt câu hỏi liệu chính quyền địa phương không làm tròn trách nhiệm?

Trước hết là có phần của Formosa. Vì theo quy hoạch, cấp phép là họ phải có khu vực xử lý chất thải riêng. Lọt ra ngoài thì có thêm yếu tố nữa là một số cá nhân bên ngoài, tự ý thu gom, tự ý đưa về đổ chôn trong trang trại. Đó là vi phạm mà theo tôi phải xử lý nghiêm, cả bên phía chúng ta chứ không chỉ về phía chủ đầu tư.

Việc này cũng có một phần trách nhiệm của ngay chính xã đó, của chính quyền cấp huyện đó nữa, tất nhiên có cả cấp tỉnh. Tôi mấy hôm nay cũng vừa nghe thông tin ấy, nói thật là cũng rất bức xúc. Tự nhiên lại nghe đổ mấy xe mấy tấn ở đâu, không thể chấp nhận những hành vi như vậy.

Dù số lượng lớn hay nhỏ nhưng tính chất là tôi phản đối. Tôi đang đề nghị là phải xử lý nghiêm những hành vi này, và tiếp tục kiểm tra xem còn ở đâu nữa không.

- Ý ông là nên mở rộng điều tra?

Nghĩa là tiếp tục rà soát, nếu có vi phạm tiếp thì không dừng lại như xử lý vừa qua mà xử lý nghiêm hơn để đảm bảo phát triển bền vững. Không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, phải phát triển bền vững.

- Có ý kiến rằng cộng dồn tất cả các hành vi vi phạm của Formosa từ xả thải đến chôn lấp thì cần xử lý trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và đối với Formosa?

Cái đó Chính phủ đã chỉ đạo và đang làm quyết liệt rồi, chứ có phải đến hôm nay ta mới bình luận đâu. Trung ương đã có chủ trương, Chính phủ và Thủ tướng đang làm quyết liệt và thực sự cả bộ máy đang vào cuộc. Theo tôi là đang làm hết sức nghiêm túc, khách quan, quyết liệt, và phải làm dứt điểm sớm, vì càng kéo dài thì không hay cho nhiều vấn đề.

Theo tôi, bất kỳ ai mà vi phạm thì phải xử lý theo pháp luật, bất kỳ tổ chức cá nhân nào.

- Theo ông, trong vụ việc này có trách nhiệm của những ai?

Cái đó phải qua kiểm tra cụ thể của cơ quan chức năng, mình không thể phát biểu cảm tính được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Võ Kim Cự: Văn bản cấp phép thời gian 70 năm cho Formosa còn nguyên cả