Nộp trễ hóa đơn, bị xử phạt hành vi kinh doanh hàng nhập lậu

Đỗ Việt| 04/03/2017 08:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi phát hiện lô hàng bị tạm giữ, phía doanh nghiệp đã kịp thời bổ sung các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc 90 chiếc điện thoại là hợp pháp nhưng vẫn bị quy kết là hàng nhập lậu.

Theo phản ánh của ông Đoàn Đình Luận, Giám đốc Công ty Đại Đoàn Gia có địa chỉ tại Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội, sáng 19/12/2016, một khách hàng thân thiết ở Nghệ An đặt mua 90 chiếc điện thoại. Sau khi báo đơn đặt hàng, chiều cùng ngày, Công ty gửi xe khách vận chuyển lô hàng về Nghệ An cho khách.

Khi xe chạy đến địa phận tỉnh Ninh Bình thì bị Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT Ninh Bình kiểm tra. Do nhân viên công ty Đại Đoàn Gia sơ suất “quên” đóng hóa đơn kèm vào lô hàng nên lái xe đã không thể xuất trình ngay giấy tờ hợp pháp chứng minh số hàng này. Cho rằng là hàng nhập lậu, Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ lô hàng.

Nộp trễ hóa đơn, bị xử phạt hành vi kinh doanh hàng nhập lậu

Lô hàng bị Chi cục QLTT Ninh Bình thu giữ

Sau khi nhận được thông báo về sự việc, phía lãnh đạo Công ty Đại Đoàn Gia đã mang toàn bộ giấy tờ gồm: hóa đơn VAT, phiếu xuất kho, phiếu nhập hàng, phiếu xuất hàng để chứng minh nguồn gốc số hàng trên.

Quá trình làm việc, Đội QLTT số 1 xác định 90 chiếc điện thoại bị tạm giữ thuộc sở hữu của công ty Đại Đoàn Gia. Số hàng hóa trên là hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển lưu thông trên thị trường.

Sau đó, Đội QLTT số 1 áp dụng theo quy định tại khoản 1, điều 3 Thông Tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCA-BQP ngày 8/5/2016 quy định chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để cho rằng số hàng trên là hàng nhập lậu áp dụng xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng, đồng thời phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ lô hàng gồm 90 chiếc điện thoại.

Theo ông Đoàn Đình Luận, ngay sau khi phát hiện lô hàng bị tạm giữ, phía công ty đã nhanh chóng mang đầy đủ các loại giấy tờ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc số hàng nhưng vẫn bị quy là hàng nhập lậu. “Từ khi thành lập đến nay, công ty phân phối điện thoại nhập khẩu trên toàn quốc, hàng phân phối được lấy từ một doanh nghiệp nhập khẩu có uy tín trong nước. Do nhân viên sơ suất khi đóng hàng gửi cho khách không có hóa đơn chứng từ, phía công ty đã kiểm điểm sâu sắc, tuy nhiên, việc Đội QLTT số 1 ra quyết định xử phạt tịch thu toàn bộ lô hàng đó là vô lý gây khó khăn cho doanh nghiệp vì phía doanh nghiệp đã chứng minh đầy đủ các hóa đơn chứng từ và giấy tờ liên quan”, ông Luận bức xúc.

Chia sẻ với PV xoay quanh vụ việc này, luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VPLS Đặng Sơn và Công sự, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng khoản 1 Điều 3 Thông tư liên bộ 64/2015 quy định đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển thì phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa tại thời điểm kiểm tra. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định xử phạt hành chính thì chủ hàng đã chứng minh được hàng hóa của mình có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ. Do đó, nếu căn cứ vào việc không mang hóa đơn mà xác định đây là hàng nhập lậu là hơi có phần cứng nhắc và vội vàng.

Báo Công lý tiếp tục thông tin về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nộp trễ hóa đơn, bị xử phạt hành vi kinh doanh hàng nhập lậu