Nỗ lực xây dựng đội ngũ Thẩm phán liêm chính, tạo vị thế của Tòa án nhân dân

PGS.TS Trần Văn Độ| 05/02/2019 14:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những năm gần đây, việc tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, rút kinh nghiệm công tác xét xử, áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo sự liêm chính của Thẩm phán được lãnh đạo TANDTC tiến hành thường xuyên.

Năm 2018, TANDTC ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán với rất nhiều nội dung quan trọng, được rất nhiều người quan tâm. Với mỗi Thẩm phán, quy tắc này được coi là “kim chỉ nam” trong quá trình hoạt động của mình.

Nỗ lực xây dựng đội ngũ Thẩm phán liêm chính, tạo vị thế của Tòa án nhân dân

PGS.TS Trần Văn Độ

Sứ mệnh bảo vệ công lý của Tòa án

Hiến pháp 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Nhiệm vụ của Tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tổ chức cá nhân. Tòa án phải là nơi mà mọi con người, mọi công dân tìm đến lẽ phải, tìm đến sự thật, đến sự công bằng. Khi quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm, người dân tìm đến Tòa án như là tìm đến công lý. Vì vậy, có thể nói, Tòa án là biểu tượng của công lý và có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Niềm tin của nhân dân vào Tòa án chính là niềm tin vào công lý.

Đặt trong bối cảnh đó thì điểm nghề nghiệp của Thẩm phán được đánh giá là rất quan trọng trong thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý của Tòa án. Bởi vì Thẩm phán là nhân vật trung tâm trong hệ thống Tòa án, đảm nhận nhiệm vụ xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ hiến định.

Khác với công chức khác trong bộ máy nhà nước, nghề Thẩm phán có những đặc điểm riêng biệt. Thẩm phán luôn luôn tiếp xúc trực tiếp với con người; kết quả công việc của Thẩm phán ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị cũng như tự nhiên của mỗi con người, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng. Nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được hiến định cũng chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Thẩm phán.

Thẩm phán là người áp dụng pháp luật. Trên cơ sở xác định sự kiện pháp lý, sự thật khách quan của vụ án, Thẩm phán áp dụng quy định của pháp luật để phán quyết về vi phạm pháp luật, tranh chấp pháp lý và phán quyết đó làm phát sinh hậu quả đối với con người, đối với xã hội. Mọi hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán đều được thực hiện đúng với trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật. Sự thật, pháp luật, công bằng, công lý luôn là những yếu tố song hành cùng Thẩm phán trong công việc cũng như cuộc sống thường nhật.

Đặc biệt, Thẩm phán là người được giao thực hiện quyền lực nhà nước, phán quyết liên quan đến sinh mệnh chính trị, tự nhiên của con người, đến lợi ích xã hội, cộng đồng… cho nên hoạt động của Thẩm phán luôn chịu sự kiểm soát của pháp luật; sự giám sát của cơ quan lập pháp, hành pháp; sự giám sát của dư luận xã hội và của nhân dân theo quy định của pháp luật. Ngoài sự giám sát từ bên ngoài, Thẩm phán còn phải chịu sự giám sát trong nội bộ Tòa án.

Vậy nên, cùng với pháp luật, các quy chế hành nghề, quy phạm đạo đức của Thẩm phán là những công cụ cho việc giám sát, kiểm soát bên trong hệ thống Tòa án. Đó cũng là những tiêu chí mà Thẩm phán căn cứ vào để sống và làm việc; các cơ quan có thẩm quyền và công chúng thực hiện việc kiểm soát, giám sát.

Trong những năm qua, mặc dù chúng ta chưa có Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán, nhưng về cơ bản, đội ngũ Thẩm phán của Việt Nam đã thực hiện các hoạt động nghề nghiệp và ứng xử phù hợp, góp phần xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp trong xã hội thuộc thẩm quyền, bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, do chưa có một văn bản chính thức mang tính ràng buộc về các quy chuẩn đạo đức, các quy tắc ứng xử nghề nghiệp, dẫn đến tình trạng chưa có nhận thức thống nhất về các chuẩn mực về sự liêm chính, sự vô tư, khách quan mà Thẩm phán cần có; chưa có nhận thức đầy đủ về quy tắc ứng xử của Thẩm phán trong công tác cũng như cuộc sống thường nhật để thể hiện và bảo đảm sự liêm chính, vô tư, khách quan của Thẩm phán.

Năm 2018, Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Quyết định về Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán để áp dụng trong hệ thống TAND và TAQS các cấp. Cùng với quy định của pháp luật, Bộ Quy tắc là cơ sở để Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử của Thẩm phán; của người được bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác và là một trong những căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với Thẩm phán. Cùng với các chuẩn mực đạo đức khác, Bộ Quy tắc quy định về sự liêm chính, sự vô tư, khách quan như là các chuẩn mực đạo đức hàng đầu mà Thẩm phán các Tòa án Việt Nam cần tuân thủ.

Thẩm phán không phải là cán bộ, công chức bình thường mà là người có hoạt động nghề nghiệp đặc thù để bảo vệ công lý. Vì vậy, Thẩm phán phải chịu nhiều những hạn chế nghề nghiệp cũng như cuộc sống; địa vị chính trị, xã hội, pháp lý của Thẩm phán khác hơn; có tiêu chuẩn bổ nhiệm, trách nhiệm nghề nghiệp cao hơn, trong đó có yêu cầu cao về sự liêm chính, vô tư, khách quan trong chuẩn mực đạo đức của họ.

Sự liêm chính tạo vị thế của Tòa án

Có thể thấy rằng, hầu như các quốc gia trên thế giới đều ban hành các bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán phù hợp với chuẩn mực chung; đồng thời, thể hiện các điều kiện và truyền thống đạo đức riêng của mỗi nước về tính liêm chính, sự vô tư, khách quan của Thẩm phán.

 Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán của Liên bang Nga quy định trong thực hiện công vụ, Thẩm phán phải công bằng, vô tư, khách quan, không định kiến trong xét xử; Thẩm phán nắm quyền quản lý, lãnh đạo phải tạo mọi điều kiện cần thiết để Thẩm phán thực thi công vụ. Thẩm phán phải tránh những quan hệ tiền bạc, kinh doanh trong các hoạt động ngoài công vụ có thể gây nghi ngờ về sự chính trực hoặc ảnh hưởng đến việc thực thi nghề nghiệp của mình.

  Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán Hoa kỳ quy định Thẩm phán phải duy trì tính liêm chính, sự khách quan, không thiên vị trong xét xử cũng như trong các mối quan hệ khác; phải từ chối xét xử các vụ án có xung đột lợi ích; không được tham gia các hoạt động kinh doanh ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư; không được nhận quà tặng; nhận thù lao hợp lý đối với các hoạt động khác…

Thực tiễn đã chứng minh rằng, thiếu vô tư, khách quan trong xét xử các vụ án thường dẫn Thẩm phán đến các sai lầm nghiêm trọng; thậm chí, làm oan người vô tội, vi phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Bộ Quy tắc được ban hành là sự đóng góp quan trọng và cần thiết vào các quy chuẩn đội ngũ Thẩm phán nước ta. Vì các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán tạo thành một thể thống nhất, đồng bộ. Việc thi hành đúng đắn, đầy đủ các chuẩn mực đạo đức, các quy tắc ứng xử góp phần xây dựng đội ngũ Thẩm phán đủ trình độ, năng lực, đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, hiệu quả, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên thực tế và trong sự đánh giá của công chúng.

Không chỉ ban hành bộ quy tắc xử đối với các Thẩm phán, phấn đấu để Tòa án trở thành biểu tượng của Công lý mà qua theo dõi thời gian gần đây, việc tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và một số chính sách khác được triển khai mạnh mẽ. Đó là việc xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm được tiến hành bằng cách giao các chỉ tiêu thi đua cho các Thẩm phán, các Tòa án từ Tòa cấp cao cho đến Tòa cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên có những phiên tòa rút kinh nghiệm.

TANDTC cũng chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; ban hành nghị quyết hướng dẫn BLHS 2015 về những quy định có lợi cho các bị can, bị cáo khi chưa có hiệu lực. Thực hiện việc miễn trách nhiệm hình sự đối với một số tội ít  nghiêm trọng, một số Tòa đã triển khai và được dư luận đánh giá cao. Các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán của TANDTC được ban hành tăng lên khá rõ; Xem xét thành lập Hội đồng lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC mang tính chuẩn mực về áp dụng phát luật, chứa đựng nhiều nội dung hướng dẫn áp dụng pháp luật để đưa ra tham khảo ý kiến bình luận của các chuyên gia pháp luật trong và ngoài Tòa án, ban hành án lệ để các Tòa án tham khảo, vận dụng trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án đã được TANDTC thực hiện và bước đầu có hiệu quả. Gần đây nhất là việc công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, một bước tiến quan trọng trong việc bảo về quyền con người của Tòa án, giúp công dân tiếp cận thông tin bản án, tiếp cận cơ quan pháp luật; Triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự hành chính và cùng với đó là việc xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại trình Quốc hội trong thời gian tới là vấn đề rất đáng hoan nghênh…

Với những gì mà TANDTC đã thực hiện thời gian qua nhằm đảm bảo tốt hơn các hoạt động của Tòa án sự và sự độc lập, liêm chính của Thẩm phán trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã từng bước khẳng định được vị  thế của Tòa án, xứng tầm nhiệm vụ cơ là quan thực hiện “quyền tư pháp”, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực xây dựng đội ngũ Thẩm phán liêm chính, tạo vị thế của Tòa án nhân dân