Năm 2013 khép lại, năm 2014 lại đến theo dòng chảy bất tận của thời gian. Pháp đình năm 2013 dù còn đọng lại nhiều suy tư qua những vụ án phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội nhưng đã phản ánh chân thực những nỗ lực lớn lao của ngành TAND.
Đó là việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương về cải cách tư pháp… về sự cống hiến thầm lặng của những người Thẩm phán để có những bản án công minh, giữ vững cán cân công lý…
Dân trí thấp…
Có những kẻ phạm không còn chút nhân tính giết người, cướp của nhưng cũng có những người phạm tội do thiếu hiểu biết và thái độ coi thường pháp luật. Một trong số đó là vụ án Hoàng Văn Giang và đồng bọn bị TAND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk xử phạt từ 2 đến 3 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Giang là kẻ rất mê săn bắn. Giữa tháng 4/2013, Giang rủ thêm 5 “chiến hữu” kéo đến thôn 7, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk đi bắn chim về nhậu. Cay cú vì bắn cả ngày không được con nào, cả bọn nảy sinh ý định xông vào chòi vịt của ông Nguyễn Văn Nghiên, Phan Thế Trung ngụ thôn 17A, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) với ý định cướp mấy con vịt về làm mồi nhậu. Trước yêu sách vô lý của Giang, anh Trung đã từ chối thẳng thừng. Cả bọn đe dọa và xông vào hành hung anh Trung. Anh Trung sợ hãi nên lùi về phía sau chòi vịt để trốn.Thấy anh Trung bỏ chạy, Giang liền chỉ đạo đồng bọn xông vào bắt 2 con vịt rồi bỏ đi. Anh Trung xót của nên đuổi theo và tri hô: “Cướp!”. Cả bọn sợ hãi nên vứt vịt xuống đường bỏ chạy nhưng bị người dân phát hiện truy đuổi. Hoảng sợ, cả bọn quẳng xe mô tô chạy bộ nhưng bị bắt ngay sau đó. Chỉ vì mê nhậu dẫn đến hành vi cướp tài sản cho thấy ý thức chấp hành pháp luật và sự hiểu biết của Giang và đồng bọn quá thấp, cái giá phải trả là rất đắt.
Nguyễn Văn Bình lĩnh án tử hình vì sát hại vợ dã man
Trong năm 2013, tội phạm giết người do nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bột phát tức thời trong quan hệ xã hội tăng nhanh. Lương Thiên Uyên Ca (SN 1988), ngụ tại khu phố 3, phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm rất mê các loại điện thoại di động. Tối 6/3/2013, Ca đến nhà anh Trịnh Văn Tín (SN 1988) ngụ cùng khu phố ăn nhậu cùng một số bạn bè. Thấy anh Tín có điện thoại mới nên Ca lấy để nghịch. Chẳng hiểu Ca thao tác kiểu gì mà màn hình điện thoại tắt lịm. Anh Tín bực tức nên có quát mắng vài câu. Mâu thuẫn rất nhỏ như vậy cũng khiến Ca đùng đùng nổi giận, y chạy về nhà, lấy dao Thái Lan quay lại bất ngờ đâm anh Tín tử vong. Với hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, TAND tỉnh Ninh Thuận đã tuyên phạt Ca 20 năm tù giam về tội “Giết người”.
Năm 2013, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các vụ án xuất phát từ việc đòi nợ một cách tự phát, thiếu hiểu biết xảy ra rất nhiều. Trong đó có không ít vụ án rất đáng tiếc như vụ án Nguyễn Chí Trai (SN 1973, ngụ xã Bình Tâm, TP Tân An, tỉnh Long An) bị xử phạt 8 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Trai hành nghề giết mổ bò tại lò bò Huỳnh Thảo (Long An). Trong số bạn hàng của Trai có chị Quách Thúy An, hai người thỏa thuận mua bán lâu dài theo hình thức trả tiền hàng gối đầu sau một ngày phải thanh toán hết. Ban đầu, chị An lấy hàng và thanh toán sòng phẳng, tuy nhiên sau đó lại khất nợ. Đến cuối tháng 12/2012, tổng số tiền chị An ghi nợ anh Trai đã lên tới đến 214 triệu đồng. Vì nguồn vốn không nhiều nên anh Trai đã nhiều lần điện thoại và tìm gặp yêu cầu chị An trả nợ nhưng không thành. Mặc dù chưa giải quyết xong nợ với anh Trai nhưng chị An lại bỏ đi mua hàng của lò mổ khác. Của đau con xót, Trai nhờ thêm mấy đứa em làm nghề nông chặn đường, chiếm 1,6 tấn thịt bò của chị An để xiết nợ. Bi kịch cuối cùng là chẳng những tiền nợ không thu hồi được, Trai còn gánh thêm nỗi đau gia đình ly tán, phải trả giá bằng mức án nhiều năm tù một cách quá oan uổng...Vụ án cảnh báo về tình trạng việc tự ý cấn nợ, xiết nợ khá phổ biến ở các làng quê. Khi xảy ra tranh chấp, cần yêu cầu các cơ quan pháp luật giải quyết, không nên tự ý cấn nợ, xiết nợ, nhiều khi hậu quả của nó rất đau đớn và nặng nề.
…“Quan trí” chưa cao
Bên cạnh tình trạng một số đương sự là thường dân chưa tuân thủ pháp luật, vẫn còn không ít “bị đơn” là cán bộ công chức nhưng chưa gương mẫu trong việc tham gia phiên tòa, có người đã “né” dự tòa bằng những chiêu trò đáng lên án. Một trong số đó là ông Nguyễn Hồng Q., cán bộ tỉnh Đồng Nai. Sáng 23/7/2013,TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử vụ án hành chính giữa nguyên đơn là Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc, bị đơn là UBND tỉnh Đồng Nai. Chờ đến hơn 8h30 phút, tòa có quyết định “hoãn phiên xử” do đại diện người bị kiện là ông Q bị bệnh đột xuất. Thư ký tòa mang ra hai tờ giấy, gồm đơn xin “hoãn đưa vụ án ra xét xử” và giấy chứng nhận “viêm dạ dày cấp” của Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Để kiểm tra mức độ “trung thực” của ông Q., Luật sư Trần Hải Đức, người bảo vệ quyền lợi của Công ty Tân Lộc đã gọi điện cho ông Q. và mở loa ngoài để mọi người cùng nghe. Trong vai người nhà một cán bộ tỉnh Đồng Nai, luật sư nhờ ông Q. xem giúp hồ sơ đất. Ông Q. nói năng khúc chiết, khỏe khoắn và vui vẻ nhận lời”. Ông Q. cho biết đang ở Phòng TN-MT Biên Hòa có công việc.Với sự nhanh trí của luật sư, màn kịch giả ốm, cáo bệnh né đi dự tòa của ông Q. đã lộ tẩy. Sau đó, TAND tỉnh đã xét xử, tuyên Công ty Tân Lộc thắng kiện.
Những ngày cuối năm 2013, pháp đình nước ta mở phiên tòa xét xử vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm ra tòa trong vụ án tham nhũng “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” gây chấn động dư luận. Màn bất ngờ “đọc thơ” khi nói lời sau cùng của Dũng cũng đã thể hiện được ý thức chấp hành pháp luật thấp, thái độ ngang ngược của bị cáo. Dũng được xác định là chủ mưu, ký quyết định phê duyệt đầu tư Nhà máy, chỉ đạo đồng phạm mua ụ nổi gây thiệt hại 366 tỷ đồng, chỉ đạo tham ô 1,66 triệu USD, riêng Dũng chiếm đoạt 10 tỷ đồng. Khi nói lời sau cùng, Dũng “khoe” có 2 bằng đại học, có bằng tiến sỹ kinh tế và được khen thưởng nhiều… Dũng nói không biết ngượng về việc “tư lợi”, chỉ muốn đóng góp tâm sức phát triển ngành hàng hải. Cao trào hài hước là Dũng bất ngờ ngâm thơ: “Hai tám năm qua lại trở về/Với người hàng hải lời thề năm xưa....” Dương Chí Dũng đã phải trả giá bằng bản án tử hình.
Trăn trở về xuống cấp đạo đức
Những vụ án giết người vợ, người thân trong gia đình hay tình nhân được xét xử nhiều đang cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội ở mức “báo động đỏ”. Như vụ án Nguyễn Văn Tư (SN 1965, ngụ tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) giết người tình vì lo sợ bị “bỏ bùa” bằng cách thức phạm tội tàn độc đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Mặc dù đã có vợ nhưng Tư vẫn trăng hoa, thường tán tỉnh gái đẹp mỗi khi có cơ hội. Trong số những người lọt vào “tầm ngắm” của Tư có chị Trần Thị Hoa. Sau một thời gian đắm đuối, chị Hoa thường tỉ tê tâm sự, gợi mở cho Tư về việc nên bỏ vợ để dọn về ở chung với mình. Sau một lần ân ái, chị Hoa lại khuyên Tư bỏ vợ. Tư nặng lời dẫn đến hai người cãi vã kịch liệt. Trong cơn hờn dỗi, chị Hoa dọa: “Nếu anh không nghe lời, bỏ vợ để sống chung với em thì em sẽ bỏ bùa cho anh chết”. Là một người ít học, hiểu biết nông cạn nên Tư toát mồ hôi vì sợ hãi và quyết định “ra tay trước”. Tư đã chuẩn bị một số công cụ phạm tội, hẹn chị Hoa ra khách sạn và hạ sát người tình rồi cướp tài sản.Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa tuyên án tử hình Nguyễn Văn Tư.
Để tuyên truyền giáo dục pháp luật, các tòa án đã mở nhiều phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án, thu hút sự tham gia của hàng ngàn người dân. Trong đó có vụ Nguyễn Văn Bình (45 tuổi) hạ sát người vợ môi kề má ấp được xử lưu động tại xã thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Vợ chồng Bình đã chung sống 20 năm, dù gia cảnh chẳng khấm khá gì nhưng vợ chồng Bình sinh liên tục 7 người con. Hai người phải làm việc đầu tắt mặt tối mới tạm đủ ăn, dù khó khăn nhưng vẫn khá hạnh phúc. Cuộc sống vợ chồng trở nên đảo lộn vì tật ghen tuông vô cớ của Bình. Bắt đầu từ năm 2011, Bình thấy vợ thường có những cử chỉ bất thường, đi lại không đúng quy luật, hay nhắn tin điện thoại cho người khác. Cho rằng vợ có tình ý với ai đó nên Bình tỏ thái độ hậm hực, thường xuyên mắng mỏ, cho rằng vợ già mà “mất nết”. Chị Giang (vợ Bình) nhiều lần giải thích và khuyên Bình nghĩ lại vì chị sống thủy chung, chưa không hề làm gì trái luân thường đạo lý với chồng sau bao nhiêu năm chung sống. Thế nhưng Bình vẫn bỏ ngoài tai, nhiều lần đánh đập vợ tàn nhẫn. Thấy cuộc hôn nhân không thể cứu vãn được nên chị Giang quyết định gửi đơn ra tòa xin ly hôn người chồng bạc ác. Bình chẳng những không nghĩ lại mà còn “hận” vợ, cho rằng chị Giang là nguyên nhân gây ra đổ vỡ gia đình.Tối 23/10, Bình bới móc chuyện cũ để xúc phạm vợ, trong cơn nóng giận, Bình chạy vào bếp cầm một khúc gỗ xông ra đánh vợ đến chết. Sau đó, y mang xác vợ vứt xuống giếng bỏ hoang sâu để phi tang. Với tính chất phạm tội không còn tính người, Tòa đã tuyên mức án tử hình dành cho kẻ sát nhân. Những bản án nghiêm minh của tòa án, loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội những bị cáo giết vợ, giết người tình với thủ đoạn tàn độc, đê hèn là cần thiết. Đó là sự răn đe, phòng ngừa chung trong hoàn cảnh đạo đức xã hội đang xuống cấp của ở mức báo động.
An Dương