Ngày thường, bộn bề với công việc còn bớt cô quạnh nhưng những dịp lễ tết, khi các bạn tù khác háo hức được gặp gỡ người thân thì bà Nghĩa lại nuốt nước mắt ngồi thu lu trong buồng giam. Hơn 5 năm ở tù, bà Nghĩa chưa một lần được người thân tới thăm nuôi.
Dù có tới 3 đứa con cùng dăm ba đứa cháu, thế nhưng hơn 5 năm “mặc áo số”, phạm nhân Phạm Thị Nghĩa, 70 tuổi (ở thành phố Nam Định) chưa một lần được người thân đến thăm nuôi. Ngày thường, bộn bề với lao động còn bớt cô quạnh nhưng những dịp lễ tết, khi các bạn tù khác háo hức được gặp gỡ người thân thì người đàn bà ấy lại nuốt nước mắt ngồi thu lu trong buồng giam.
Buổi trò chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi bà ta không kìm được cảm xúc, khóc nấc lên mỗi khi nhắc đến chồng con. “Tôi có chồng, ba con, 5 đứa cháu. Đứa lớn vẫn đang ở tù, hai đứa ở nhà thì làm đơn từ mẹ, ra tòa tôi mới biết điều đó”, phạm nhân Nghĩa cay đắng kể lại.
Sinh ra và lớn lên từ quê lúa Thái Bình, bập bẹ được vài con chữ, Nghĩa bỏ học đi buôn chuối. Lang thang khắp nơi, đến Nam Định, Nghĩa gặp và nên duyên với một người đàn ông tại đây.
Cuộc sống của vợ chồng nghèo nhưng đầm ấm, ngày ngày chồng đạp xích lô vợ gánh hoa quả lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm ở thành phố Nam Định, tối về cả gia đình 5 người quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Cả ngày vất vả mưu sinh nên vợ chồng bà Nghĩa không có thời gian quan tâm, quản lý con cái nên hai con trai bà lần lượt dính nghiện. Từ chỗ hút hít vì đua đòi đến khi ngày nào cũng phải có ma túy để thỏa mãn cơn nghiện, chúng tham gia vào việc mua đi bán lại ma túy.
“Hai đứa chúng nó lông bông, nghiện ngập nên vợ con cũng chẳng ra gì, chỉ tội cái thân tôi, già rồi vẫn không được yên”, bà Nghĩa sụt sịt.
Con nghiện, hết cai tự nguyện rồi cai tập trung, lần nào bà cũng phải đứng ra lo toan chi phí. Không những thế, Nghĩa còn phải chăm con cho chúng. Chi phí cho gia đình ngày một nhiều hơn đồng nghĩa với việc vợ chồng bà phải nai lưng ra làm việc. Chán cảnh gia đình, người chồng tìm đến rượu để giải sầu.
Gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai của bà Nghĩa, sáng bà phải dậy sớm hơn và tối cũng về muộn hơn để nhặt nhạnh từng hào lẻ lo cho gia đình. Thế nhưng, gánh hoa quả không đủ để lo cho đại gia đình và 2 thằng con nghiện, “đói ăn vụng, túng làm càn”, Nghĩa quyết định tăng thu nhập bằng việc mua ma túy về bán. “Tôi có bán nhiều đâu, mỗi ngày chỉ một, hai tép, đủ tiền đi chợ mua đồ ăn cho bọn trẻ”, bà Nghĩa thanh minh.
Cả đời vì chồng con nhưng hơn 5 năm thụ án, Nghĩa chưa một lần được người thân tới thăm
Khi sức khỏe kém do tuổi tác và mấy chục năm gánh hàng đi bán, cột sống của bà Nghĩa bị vôi hóa nên đành phải chuyển sang nghề giúp việc, nhận trông trẻ nhưng thu nhập cũng không đủ trang trải cho cả một gia đình. Thấy việc bán lẻ ma túy vừa nhàn vừa đủ chi tiêu, bà Nghĩa nhắm mắt làm liều.
“Lúc đầu tôi cũng sợ lắm trong đó có cả sợ mua phải hàng giả thì cụt vốn nhưng rồi bạn của con mách chỗ, chúng nó hứa sẽ trả công nên tôi làm”, bà Nghĩa kể.
Việc làm của bà Nghĩa dù có giỏi che giấu đến đâu rồi cũng bại lộ. Những khi bị gọi lên nhắc nhở, giáo dục, bà Nghĩa luôn mồm hứa sẽ dừng lại. Thế nhưng, khi về nhà nhìn đám con cháu vất vưởng vì đói, bà ta lại nhắm mắt đưa chân. Và sự liều lĩnh của bà đã phải trả giá, khi vận chuyển 1 cây heroin thì bị Cảnh sát bắt giữ. Khi đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, bà Nghĩa phải lĩnh cái án 16 năm 6 tháng tù và về trại Ninh Khánh (Ninh Bình) thụ án.
Hơn 5 năm trong tù, nơi bà Nghĩa thường xuyên lui tới là bệnh xá của trại, bởi bà ta mang đủ thứ bệnh trong người, không còn sức khỏe mà lao động cải tạọ.
Những người lầm lỗi mong nhất là sự quan tâm, chia sẻ của người thân, nhưng hơn 5 năm qua Nghĩa chưa từng có người nhà tới thăm, rưng rưng nước mắt, bà Nghĩa tâm sự: “Người già chẳng mong gì hơn là được con cháu hỏi thăm. Tôi bằng này tuổi rồi, có ăn cũng chẳng đáng bao nhiêu, cơm trại nuôi còn không ăn hết, chỉ thèm được nghe một tiếng gọi bà, gọi mẹ”.
Nhớ lại ngày ra Tòa, bà Nghĩa vẫn chưa hết bàng hoàng đau khổ. Ngày đó, khi được dẫn giải từ trại tạm giam tới Tòa, bà Nghĩa mỏi mắt tìm chồng con nhưng không thấy. Chỉ để khi nghe Tòa tuyên bố, 2 đứa con của bà ta đã làm đơn xin không nhận mẹ, tai Nghĩa như ù đi, không tin đó là sự thật. Rồi bà lại tự ru lòng mình rằng biết đâu các con làm thế để tránh điều tiếng thị phi, để đoạn tuyệt với quá khứ mà làm ăn lương thiện. Thế nhưng, vào trại giam Ninh Khánh cải tạo các con cũng không một lần tới thăm hay một dòng thư động viên thì lúc này bà Nghĩa phải chấp nhận sự thật.
“Bao nhiêu năm làm lụng cho gia đình, tôi đâu thiết mâm cao cỗ đầy, chỉ mong một lời thăm hỏi của con cháu, vậy mà nỡ lòng nào chúng nó….”, bà Nghĩa bỏ dở câu nói, nước mắt lăn dài.
Hiểu hoàn cảnh của bà Nghĩa, cán bộ quản giáo thường xuyên động viên an ủi, ngày lễ ngày tết thường cho thêm một suất quà. Hành động nhân văn đó đã khiến bà cảm động nghẹn ngào không biết phải cảm ơn các cán bộ như thế nào.
“Người dưng mà lại là cán bộ quản lý giáo dục mà họ còn động lòng, thương cho hoàn cảnh của phạm nhân, vậy mà các con tôi lại nỡ để tôi như vậy. Giá như tôi không có chồng, không có con và không cả thời gian chăm cháu thì đỡ đau lòng”, bà Nghĩa trải lòng.