Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm

14/06/2012 23:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14-6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển KT-XH của đất nước".

Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng công an nhân dân; đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương; các nhà báo, nhà khoa học đã tham dự Hội thảo.

Với hơn 30 tham luận đóng góp tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề lý luận chung về vai trò của báo chí - truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực tiễn hoạt động báo chí tham gia vào công tác này.  

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông góp phần rất quan trọng giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, các thành quả cách mạng; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững sự ổn định trật tự an toàn xã hội. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng này thì sự phối hợp giữa lực lượng báo chí và lực lượng công an là rất cần thiết, đòi hỏi tính liên tục, chặt chẽ và thường xuyên nhằm chuyển tải thông tin đến người dân một cách chính xác, trung thực, có định hướng và đậm chất nhân văn. 

Tuy nhiên, hiện nay, một số cơ quan báo chí vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, sa vào miêu tả chi tiết các hành vi phạm tội, có nhiều yếu tố phản cảm, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội. Do vậy, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm. 

Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm

Hội thảo thu hút được sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí. (Ảnh: Mạnh Hùng)

Đánh giá cao vai trò của báo chí, ông Nguyễn Tiến Trình, Phó Cục trưởng Cục chính trị - Hậu cần Cảnh sát phòng chống tội phạm cho rằng, hiện nay, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi với phương thức, thủ đoạn liên tục thay đổi, vì vậy, việc báo chí cập nhật và cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đến người dân là điều tất yếu trong công tác phòng chống tội phạm. Qua phương tiện truyền thông, người dân được tuyên truyền sâu rộng về cách thức lừa đảo của tội phạm, đặc biệt là đối với loại tội phạm mới- tội phạm sử dụng công nghệ cao được báo chí đề cập với mật độ dày đặc trong thời gian gần đây. Loại tội phạm này tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ngân hàng, khai thác lỗ hồng an ninh của hệ thống internet để trục lợi bất chính. Vì vậy, việc cơ quan chức năng phối hợp với báo chí để phản ánh cụ thể phương thức, thủ đoạn lừa đảo của loại tội phạm này là hết sức cần thiết.

“Vinashin là một ví dụ về việc báo chí đã giúp người dân hiểu hơn về hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Mọi góc cạnh của vụ án được đưa ra để các chuyên gia cũng như người dân phân tích, bình luận đã tạo sức ép cho cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xử lý và kêu gọi chính phủ phải hành động để cải thiện tình trạng này. Hay như vụ xét xử Lê Văn Luyện trong vụ thảm sát cướp tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Ngạn, Bắc Giang), việc báo chí và lực lượng Cảnh sát điều tra luôn song hành trong suốt quá trình phá án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng bởi những thông tin được cập nhật chính xác, liên tục từ vụ án đặc biệt nghiêm trọng này” - ông Trình nêu ví dụ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm thì mỗi cán bộ quản lý báo chí, phóng viên viết bài phải trau dồi phẩm chất và bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ để đảm bảo chất lượng thông tin theo hướng trung thực, khách quan và đúng định hướng. Mặt khác cần nâng cao trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc cung cấp cho các cơ quan báo chí, truyền thông những thông tin cập nhật, chính xác về tình hình an ninh trật tự; về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm; những gương điển hình trong phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; những vấn đề cần đảm bảo bí mật thông tin về các vụ án trong quá trình điều tra; về trách nhiệm phát ngôn và thông tin hai chiều giữa cơ quan Công an và báo chí; về giúp đỡ, bảo vệ các nhà báo trong khi tác nghiệp, nhất là tại các “điểm nóng”.

Theo nhà báo Nguyễn Quang Vũ (Ban biên tập tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam), Bộ Công an cần chỉ đạo kịp thời việc cung cấp thông tin cho báo chí đối với những vụ án, vụ việc phức tạp nghiêm trọng được đông đảo dư luận quan tâm. Mặc dù việc cung cấp thông tin được giao cho Người phát ngôn nhưng có nhiều trường hợp, người phát ngôn lại xin ý kiến của Bộ trưởng nên không đảm bảo được tính thời sự, khi thông tin đó đến được với bạn đọc thì đã bị “nguội”. Vì vậy, trong thời gian tới, báo chí và lực lượng Công an cần có biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, chính xác của công chúng ngày càng tốt hơn. 

Phương Lan

 


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm