Năm 2022, Hội đồng nhân dân sẽ đổi mới các phương thức hoạt động

Mai Thoa| 21/02/2022 15:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 21/2, tại Tòa nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh...

hoi-nghii.jpg
Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022.

Hội nghị còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp; cùng hơn 200 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Đoàn ĐBQH, HĐND 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.

Trình bày Báo cáo tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết: năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là năm cử tri và nhân dân cả nước tiến hành bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật. Năm 2021 mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhưng HĐND cấp tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch đề ra.

Thường trực HĐND cấp tỉnh đã chủ động chỉ đạo, điều hòa hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều mặt công tác. Hoạt động các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ và có tính chủ động, linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND cấp tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo báo cáo của HĐND các địa phương, trong công tác chuẩn bị kỳ họp, vẫn còn tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo, nghị quyết do UBND chuẩn bị đến Thường trực và các Ban của HĐND chậm, làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban. Có địa phương tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành nghị quyết quá nhiều, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của nghị quyết. Chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND ở một số địa phương hiệu quả chưa cao, chưa khoa học. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức…

hoi-nghi2(1).jpg

Đáng chú ý, hiệu quả công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cam kết, kết luận chưa thường xuyên. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng chưa sâu. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm, chủ yếu là chuyển đơn. Công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ cấu đại biểu HĐND cấp tỉnh có sự thay đổi lớn, số đại biểu HĐND lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, phần lớn chưa được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng hoạt động nên còn lúng túng, bị động. Thành viên các Ban của HĐND cấp tỉnh phần lớn là mới nên kinh nghiệm hoạt động HĐND còn chưa nhiều. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến một số hoạt động của HĐND cấp tỉnh, nhất là trong hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri, tiếp công dân.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định, thời gian tới HĐND các cấp cần tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND; triển khai có hiệu quả việc “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026” để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Trưởng Ban công tác đại biểu nêu rõ, HĐND cấp tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND; tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp; tiếp tục nâng cao vai trò của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phục vụ hoạt động của HĐND. Rà soát và hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, ĐBQH với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, tổ chức, từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương.

Hội nghị đã nghe đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trình bày tham luận tập trung vào các nội dung: nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND cấp tỉnh; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND cấp tỉnh trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giải trình của Thường trực HĐND cấp tỉnh…  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, Hội đồng nhân dân sẽ đổi mới các phương thức hoạt động