Trận mưa lũ lịch sử khiến cho nhiều địa phương đều ngập trong nước, nhà ở, cầu dân sinh bị sập, hơn 2200 căn nhà hư hỏng, ước tính thiệt hại lên đến 112 tỷ đồng.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 25/7 đến nay trên địa bàn tỉnh đã khiến trên 2.260 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 2,0m. Rất nhiều tài sản của các hộ dân bị thiệt hại.
Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập lụt, trong đó nhiều đoạn trên tuyến đường QL18 từ Đông Triều đến Mông Dương – TP Cẩm Phả bị ngập sâu. Nhiều xe ô tô, xe máy bị chết máy, trong đó có 01 xe ô tô bán tải để sát bờ suối bị nước cuốn trôi. Hàng chục điểm bị sạt lở đất đá và chảy tràn ra đường với khối lượng khoảng 4.500 m3, trong đó riêng khu vực cầu Vân Đồn 3 sạt lở mái ta luy dài khoảng 400 m, khối lượng khoảng 2.000 m3.
Đặc biệt tại địa bàn phường Mông Dương, TP Cẩm Phả có 11 khu phố thì có đến 8 khu bị nước dâng cao gây ngập úng, trong đó nặng nhất là khu 9. Cũng tại khu vực này, có ít nhất hai cây cầu sắt dân sinh bị đổ sập, trong đó một cầu bị gẫy sập hoàn toàn, một cầu hư hại nặng, gần như không thể đi lại.
Mưa lũ khiến hơn 2.200 nhà hư hại sau mưa lũ, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Nhiều nhà dân ngập chìm trong biển nước mênh mông suốt đêm. Nước ngập quá đầu người, thấp nhất là 1,5m, có những khu vực nước dâng cao đến gần 3m so với nền nhà. Điện mất do mưa to, người dân phải bơi từ nhà này sang nhà khác để hỗ trợ, ứng cứu lẫn nhau.
Mưa lũ đã khiến 3 mẹ con chết đuối. Lũ gây ngập cục bộ một số đoạn quốc lộ 18A (km 137 - Quang Hanh, km 144 - đầu tuyến tránh Cẩm Phả, km 153 - Công ty Than Cao Sơn và km 157 - cầu vượt đường sắt.
Tại huyện Hoành Bồ có 68,3 hecta lúa và hoa màu bị ngập lụt, trong đó có 43,0 ha lúa bị ngập lụt và bồi lấp; 01 cột điện hạ thế bị đổ. Địa phương này cũng bị ngập 2,5 ha ao đẩm nuôi trồng thủy sản.
Hiện UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương, các ngành, đơn vị kiểm tra thực tế, thống kê chi tiết các thiệt hại; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương, các gia đình có nhà bị sập đổ kịp thời khắc phục; chủ động xử lý các điểm ngập, lụt, các vị trí bị sạt lở làm ách tắc giao thông; kiểm tra, kiên quyết di chuyển các hộ dân ở vùng nguy hiểm bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; sẵn sàng và có biện pháp cụ thể đối phó đề phòng mưa lớn kéo dài; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.