Hưởng ứng cuộc vận động Tháng Ba biên giới, ngày 28/3/2015, đoàn cựu cán bộ Đoàn, cựu tù chính trị Côn Đảo Tp Hồ Chí Minh có chuyến hành trình thăm những miền địa đầu Tổ quốc ở phía Bắc.
Bà Lê Thị Sáu (Tư Sương) một thành viên trong đoàn đã ghi lại cảm xúc của mình sau chuyến đi rất ý nghĩa này..
Chúng tôi đã thăm bảy tỉnh, thành phố là: Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Ninh Bình và Hà Nội, với những trải nghiệm quí giá… Đoàn gồm 14 người, tuổi từ ngoài 60 đến gần 80, tuổi cao nhưng ai nấy hăng hái, phấn chấn khi được đi thăm những miền đất địa đầu phía Bắc xa xôi. Đoàn được hướng dẫn viên của Trung tâm Lữ hành Sài Gòn Hạ Long (Sahatour) nhiệt tình đưa đón nên cảm thấy rất thoải mái.
Ấn tượng mạnh đối với chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên ở miền Nam kênh rạch là núi non quá hùng vĩ, nhiều đoạn hiểm trở, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Sương mù dày đặc, khi đó ngoài trời chỉ 16 độ C. Ngồi trên xe đôi lúc hồi hộp, lo âu nhưng ai cũng cảm thấy rất thú vị và tự hào. Từ Tây Bắc sang Đông Bắc hai tiết trời khác nhau, nhiều đoạn xe phải bật đèn vàng để chạy trong sương mù…
Nhớ nhất là chuyến thăm Hà Giang. Hôm đó, anh Nguyễn Mạnh Thùy – Phó Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Hà Giang, một nhân chứng trực tiếp tham gia xây dựng Con đường Hạnh Phúc năm xưa, giới thiệu với chúng tôi về mảnh đất Hà Giang.
Bản làng dưới chân Cột cờ Lũng Cũ
Nơi đây, những năm 1979 -1984 trong cuộc chiến tranh biên giới, hàng ngàn Liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Vị Xuyên ác liệt. Đoàn chúng tôi đã thành kính và xúc động dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên. Chúng tôi cắm từng nén hương trên phần mộ các Liệt sĩ mà không ngăn được những dòng nước mắt tuôn trào. Nhiều Liệt sĩ hy sinh khi còn quá trẻ, nhiều Liệt sĩ chưa có tên. Chúng tôi đã tặng Cờ lưu niệm và ghi vào Sổ truyền thống rằng: “Xin tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã quên mình cho Tổ quốc hôm nay, chúng tôi nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh chị. Mong các anh chị phù hộ cho quê hương Việt Nam mình luôn giàu đẹp, phát triển”.
Anh Thùy đưa chúng tôi thăm Ủy ban nhân dân huyện Quản Bạ và một gia đình Liệt sĩ TNXP. Chị Nguyễn Thị Oanh, dân tộc Tày, xã Quản Bạ, là em gái của Liệt sĩ Nguyễn Thị Danh, sinh năm 1941, hy sinh khi tham gia xây dựng con đường Hạnh Phúc. Ngày đó, có hàng vạn thanh niên của 16 dân tộc thuộc 8 tỉnh miền Bắc đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng con đường trong thời gian 6 năm (1959-1965).
Địa hình hiểm trở, núi đá cao, vực sâu hàng trăm mét, chỉ bằng những dụng cụ lao động thủ công như cuốc, xẻng, xà beng họ đã làm nên con đường nối từ Hà Giang lên 4 huyện vùng cao phía bắc gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và sang huyện Mèo Vạc với chiều dài 184 km. Chị Nguyễn Thị Danh là một trong số những thanh niên xung phong đã nằm lại trên những cung đường mùa xuân này. Mãi 50 năm sau ngày hy sinh, gia đình chị Oanh mới nhận được Bằng Tổ quốc ghi công do Nhà nước truy tặng Liệt sĩ Nguyễn Thị Danh.
Đoàn chúng tôi đã tặng Cờ lưu niệm cho các anh chị Cựu TNXP với nội dung: “Máu và mồ hôi ngày hôm qua là Con đường Hạnh phúc hôm nay”. Đoàn cũng đã gửi lại 100 chiếc áo ấm tặng cho các cháu thiếu nhi của địa phương.
Chia tay Quản Bạ, đoàn chúng tôi tiếp tục đi trên Con đường Hạnh Phúc, qua Mã Pì Lèng để thăm Cột cờ Lũng Cú, nóc nhà Việt Nam. Trên đường đèo dốc quanh co, chúng tôi dừng chân tại Cổng trời Quản Bạ, ngắm núi Cô Tiên và thị trấn dưới thung lũng. Giữa trùng trùng điệp điệp đá và đá, chợt có hai quả núi tròn đều giống như bầu ngực người con gái. Anh Thùy đọc bốn câu thơ vui mà ai đó đã viết:
Trả nợ tình trời hay nghĩa đất
Mà sinh hai trái nõn nòn tơ
Xem ra trong những xô bồ đá
Mới biết ra Trời cũng lẳng lơ.
Anh Thùy chia tay chúng tôi, sau khi giới thiệu đoàn gặp Ban chỉ huy Đồn biên phòng Lũng Cú. Chúng tôi lưu luyến chia tay, ai cũng cảm ơn anh, cảm ơn sự mến khách, nhiệt tình và đôn hậu của anh.
Qua thăm dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình, đến Lũng Cú thì trời đã tắt nắng. Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy lá quốc kỳ phần phật bay trên nền trời lộng gió, ai nấy rạo rực, xúc động lạ thường. Đúng 18 giờ 40 ngày 29/3, chúng tôi đến Đồn biên phòng Lũng Cú. Ngước nhìn lên Cột cờ với hàng trăm bậc thang nhưng không ai thấy ngại, mọi nỗi mệt mỏi như tan biến. Như một phép màu, từng bước cần mẫn, đoàn chúng tôi đã có mặt đầy đủ ở sân Cột cờ. Chúng tôi xúc động không bút nào tả xiết, cảm thấy như đứa trẻ đi lạc gặp lại mẹ, tung tăng, hít thở bầu không khí trong lành.
Trời tối dần, quốc kỳ vẫn hiên ngang, phấp phới bay trên nền trời tím sẫm một cách kiêu hãnh. Chúng tôi đứng nghiêm, ngẩng đầu nhìn ngắm quốc kỳ và đồng thanh hát Quốc ca: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...” một cách xúc động, nhiệt thành.
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Thác Bản Giốc - Cao Bằng
Vậy là chúng tôi đã có mặt và được chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú nằm ở đỉnh núi có độ cao 1.700m so với mực nước biển, thuộc huyện Đồng Văn, điểm cực Bắc của Việt Nam. Tìm hiểu thì biết rằng, đây là Cột cờ có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời nhà Nguyễn, năm 1887. Những năm gần đây, cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Cột cờ mới hình bát giác có độ cao trên 30m được khánh thành ngày 25 tháng 9 năm 2010. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.
Ai nấy trong đoàn đều có cảm giác toại nguyện
Vào thăm Đồn Biên phòng lúc 17 giờ 50, đoàn chúng tôi được tiếp đón trang trọng, ấm cúng, mặc dù bên ngoài đang giá lạnh. Dù lần đầu gặp gỡ nhưng chúng tôi có cảm giác như gặp người thân trong gia đình. Chúng tôi mang quà miền Nam, trái cây và 10 triệu đồng của bạn bè không tham gia được chuyến này, gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biên cương, nơi có Cột cờ Lũng Cú thiêng liêng.
Chia tay Hà Giang, đoàn chúng tôi sang Cao Bằng, điểm đến của đoàn là thăm hang Pác Bó, suối Lê nin, núi Các Mác, nơi Bác Hồ làm việc những năm 1941-1945, thăm thác Bản Giốc như những dải lụa bạch tuyệt đẹp nơi biên giới. Rồi trở về Tuyên Quang, Thái Nguyên với di tích ATK, cây đa Tân Trào, Đình Hồng Thái.
Sau những ngày chinh phục miền núi phía Bắc hiểm trở và thú vị, đoàn chúng tôi thăm Vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên thế giới tại Việt Nam. Hôm sau đoàn đi Ninh Bình, thăm đền Vua Đinh, Vua Lê, thăm chùa Bái Đính. Ngày cuối cùng chúng tôi thăm thủ đô Hà Nội, thăm Lăng Bác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Chùa Trấn Quốc...
***
Trở lại Tp Hồ Chí Minh, ngồi viết lại cảm xúc về chuyến đi trong không khí những ngày kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước chúng tôi vẫn tràn ngập trong lòng những xúc động và niềm tự hào. Cha ông ta đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu và nước mắt để tạo dựng và bảo vệ non sông gấm vóc Việt Nam, chúng ta và mãi mãi các thế hệ cháu con phải bồi đắp và gìn giữ từng tất đất, ngọn cỏ thiêng liêng của Tổ quốc, cho xứng đáng với lịch sử ngàn năm gian lao và anh dũng của tổ tiên.