Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nâng cao vai trò của Hội thẩm nhân dân

Tống Toàn| 15/04/2014 23:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội thẩm nhân dân là người trực tiếp tham gia vào công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp mà Hiến pháp giao cho TAND.

Thực tiễn công tác Hội thẩm thời gian qua cho thấy, việc quản lý, giám sát Hội thẩm đã bộc lộ những hạn chế và bất cập, cần có cơ chế khắc phục để nâng cao chất lượng công tác Hội thẩm.  

Dự thảo Luật không “hành chính hóa” việc quản lý Hội thẩm

Như chúng tôi đã phân tích ở các số báo trước, TANDTC đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Ngay từ đầu, TANDTC đã đặt mục tiêu mà Dự thảo Luật phải đạt được, đó là: Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có yêu cầu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao; tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án. Luật này cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của TAND.

Đồng thời, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý để đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Toà án; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xét xử. Bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND tương xứng với vị trí, vai trò và đặc thù của công tác xét xử; bảo đảm để Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác không bị chi phối bởi các quan hệ xã hội và sự tác động bởi các yếu tố lợi ích tiêu cực.

Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nâng cao vai trò của Hội thẩm nhân dân

Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 103 Hiến pháp mới thì: “Việc xét xử sơ thẩm của TAND có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Vì vậy, với mục tiêu như trên, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) góp phần nâng cao trách nhiệm và điều kiện công tác của đội ngũ Hội thẩm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét xử trong tình hình mới, nhưng không làm mất đi tính “nhân dân” trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử. Trong Dự thảo Luật không “hành chính hóa” việc quản lý Hội thẩm mà quy định theo hướng mỗi TAND sơ thẩm khu vực, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một Đoàn hội thẩm gồm các Hội thẩm tham gia công tác xét xử tại Tòa án đó để tự quản công tác Hội thẩm (khoản 2 Điều 80). Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đội ngũ Hội thẩm, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các Hội thẩm khi làm nhiệm vụ xét xử, khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động của Hội thẩm hiện nay, dự thảo Luật quy định Chánh án TAND nơi Hội thẩm tham gia xét xử phân công nhiệm vụ xét xử cho Hội thẩm và đảm bảo các điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách, bồi dưỡng nghiệp vụ, khen thưởng cho Hội thẩm (khoản 1 Điều 80); HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp giám sát Hội thẩm nhân dân và hỗ trợ hoạt động của Đoàn Hội thẩm (khoản 3 Điều 80).

Quy định theo phương án trên bảo đảm sự tham gia của nhân dân vào công tác xét xử của Tòa án, bảo đảm nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, đồng thời tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện yêu cầu về quản lý và giám sát công tác Hội thẩm; quy định theo phương án lựa chọn cũng là cơ chế để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho Hội thẩm làm nhiệm vụ.

Quy định cũ có quá nhiều chồng chéo

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các TAND, chế định về Thẩm phán, Hội thẩm là những vấn đề cơ bản trong tổ chức và hoạt động của TAND. Tuy nhiên, các vấn đề này đang được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002). Bởi vậy, có nhiều quy định chồng chéo, đặc biệt là các quy định về Thẩm phán và Hội thẩm. Hơn nữa, để thể chế hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp mới về tổ chức và hoạt động của TAND thì các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của 3 văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều cần được sửa đổi, bổ sung hoặc có quy định mới.

Vì lẽ đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phải bao hàm tất cả các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của TAND, trong đó có các quy định về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND nhằm bảo đảm cho các quy định về tổ chức và hoạt động của TAND  được quy định thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các quy định của Luật và các Pháp lệnh hiện nay, đặc biệt là các quy định về Thẩm phán và Hội thẩm; phải thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp mới về các nội dung này.

Do đó, TANDTC xác định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) trên cơ sở nhất thể hóa phạm vi điều chỉnh của Luật tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002. Việc làm này, theo tinh thần một Luật sửa nhiều luật sẽ bảo đảm cho các quy định về tổ chức và hoạt động của TAND được quy định thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các quy định của Luật và các Pháp lệnh hiện nay, đặc biệt là các quy định về Thẩm phán và Hội thẩm. Bên cạnh đó, xác định phạm vi điều chỉnh và xây dựng dự án Luật theo hướng này sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức cho công tác xây dựng pháp luật. Hơn nữa, Thẩm phán và Hội thẩm là những chức danh quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp, trực tiếp làm nhiệm vụ xét xử; bởi vậy, việc quy định các vấn đề về Thẩm phán, Hội thẩm trong văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, có giá trị pháp lý cao hơn Pháp lệnh, nhằm bảo đảm giá trị pháp lý và hiệu lực của các chế định này cũng là cần thiết, phù hợp với yêu cầu về việc triển khai thi hành các quy định của Hiến pháp mới về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TAND.
Theo quy định tại Điều 102 của Hiến pháp mới thì TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các quy định của Hiến pháp nêu trên cần được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Bên cạnh quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND, trong dự thảo Luật cũng đã giải thích, làm rõ nội hàm của “quyền tư pháp” nhằm bảo đảm cách hiểu thống nhất về khái niệm này, tạo cơ sở để xây dựng các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các Tòa án, Thẩm phán và Hội thẩm. Việc xác định rõ ràng, đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ của Tòa án là vấn đề quan trọng, là cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện có hiệu quả vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền theo quy định của Hiến pháp. Đây cũng là cơ chế pháp luật để tổ chức thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đồng thời, là công cụ pháp lý để cá nhân, tổ chức bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nâng cao vai trò của Hội thẩm nhân dân