Nhớ lời Bác dạy, đồng bào các dân tộc ở Hà Giang đã và đang cố gắng lao động, sản xuất để xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cách đây hơn 57 năm về trước, khi về thăm Hà Giang, Bác Hồ đã căn dặn đồng bào: “Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà; đồng bào phải ra sức thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no...”.
Ghi nhớ lời Bác dạy, suốt gần sáu thập kỷ qua, đồng bào các dân tộc ở Hà Giang nói chung và Đường Thượng nói riêng đã và đang cố gắng lao động, sản xuất để xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Truyền thuyết về loài “cây giết người”
Xưa kia, Đường Thượng (Yên Minh, Hà Giang) không chỉ nổi tiếng với giai thoại về Cột đá treo người và chế độ cai trị hà khắc, tàn ác của một Thổ ty phong kiến người Mông tên Sùng Chúa Đà, mà vùng đất này còn được biết đến như là “Thiên đường” của cây anh túc. Trong khi ngô, đậu thì còi cọc, sống oằn mình trên đá, vậy mà loại cây giết người này cứ nghe tiếng mưa, tiếng gió gọi về xanh mướt mát khắp sườn đồi...
Thời gian đã lùi xa nhưng những câu chuyện về một thời xa xưa mông muội của Đường Thượng vẫn được người già kể lại để lớp cháu con hiểu thêm về giá trị cuộc sống, biết trân trọng cuộc sống mới no ấm hôm nay. Một trong những câu chuyện đó kể rằng, một ngày nọ, tại ngôi bản tít tận trên những chóp núi cao xảy ra đợt dịch bệnh kinh hoàng. Dân bản mời thầy mo, cúng hết trâu, hết gà mà bệnh vẫn không khỏi. Cuối cùng, mọi nghi ngờ đổ dồn về người con gái xấu xí sống cô độc trong túp lều nhỏ nơi cuối bản là con ma hại người. Trốn tránh đám đông đang giận dữ đuổi theo, cô chạy vào rừng và sống luôn ở đó.
Nhưng sơn lam chướng khí, lại đói ăn thiếu mặc nên ít lâu sau thì cô gái mất. Nơi cô nằm xuống, tự dưng mọc lên một cây hoa có vẻ đẹp rực rỡ. Đó là hoa anh túc, loài hoa sau này đã bòn rút cái vâm vam, sức vóc của cả đàn ông lẫn đàn bà Đường Thượng. Người Đường Thượng bảo đó là “cây giết người”, mọc lên từ đòn thù của cô gái bị xua đuổi ngày xưa.
Có một điều thật lạ là ở vùng đất này, ngô, đậu thì còi cọc, thưa bắp, ít trái, vậy mà với loài hoa anh túc thì mọc khoẻ đến lạ kỳ. Vào mùa thu hoạch nhựa, cả thung lũng ngập tràn sóng váy những cô gái Mèo, rực màu tím đỏ của hàng triệu bông hoa anh túc. Khắp bản trên, bản dưới, đâu đâu cũng gặp “con nghiện”, cả miền rừng ám khói phù dung. Đám trẻ chẳng mấy khi có được một bữa mèn mén no, nhưng lúc nào khói thuốc phiện cũng thơm lừng khắp bản. Cây anh túc có tự bao giờ, dân bản cũng chẳng ai nhớ nổi, chỉ biết là khi cái đồn Lũng Thùng dựng lên chắn Quản Bạ - Thái An, Bảo Lạc - Du Tiến - Lũng Hồ thì thằng Tây đã bắt đồng bào nộp thuế bằng thuốc phiện.
“Ngày đó, bếp lửa nào ở các xóm Xín Chải, Sùng Pả, Bàn Cờ Cải, Lùng Pủng cũng lạnh ngắt, đám trẻ chẳng mấy khi có được một bữa mèn mén no nhưng lúc nào khói thuốc phiện cũng thơm lừng khắp bản. Những chàng trai Mông vốn khoẻ như con hổ, con beo với đôi tay mạnh như cánh ná bị “ả phù dung” quyến rũ trở nên uể oải, không muốn cầm cái rựa xuống thang lên nương. Bản làng bao đời bình yên, không có người xấu vậy mà giờ đây con trâu, con gà cũng chẳng dám nhốt dưới nhà. Kiếp người mờ mịt, như con trâu, con ngựa bị bọn quan lang, phìa tạo trói trặt bởi bàn đèn, bằng gùi nhựa cây thuốc phiện”, bà Sùng Thị Mùa, 72 tuổi, ở Lùng Pủng kể.
Bà Sùng Thị Mùa: “Để đất hoang là có tội!”
Đói nghèo, nghiện hút như cái vòng luẩn quẩn, quấn bíu bản làng. Trong nhiều năm nhiều tháng, người Mông ở khắp “vùng đất dữ” nằm sau cái cổng trời Quản Bạ cao vòi vọi này bị cột chặt đời mình vào thuốc phiện. Nó chả khác gì cái vòng ma quái quấn bíu, tàn phá bản làng. Nhiều gia đình cha mất con, vợ mất chồng, đớn đau, mất mát đè lên những phận người.
Gian nan xóa nghiện
Cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước có chủ trương triệt để xoá cây thuốc phiện, cả Đường Thượng như trải qua cơn địa chấn. Bao đời nay người Mông vốn quen với việc đổi thuốc phiện lấy muối, vải, ngô, dầu hoả... nay không trồng nó thì sống bằng gì? Giải quyết người nghiện ra sao khi mà cả xã có đến hàng trăm người nghiện, trong đó, không ít người là cán bộ? Hàng trăm câu hỏi lớn đặt ra cho cho các cấp chính quyền từ tỉnh cho đến huyện tìm lời giải, nhưng với quyết tâm phải xóa bỏ loài “cây giết người”, phải cứu đồng bào bằng mọi giá, tất cả các ban, ngành, đoàn thể ở Yên Minh và Hà Giang đã cùng xắn tay vào cuộc.
Lúc đó, rất nhiều đoàn công tác của huyện, tỉnh xuống các bản tuyên truyền, thuyết phục cho đồng bào hiểu rõ về chủ chương của Đảng, Nhà nước để tự giác nhổ bỏ, không trồng cây thuốc phiện. Với quyết tâm xóa bỏ nỗi ám ảnh khôn cùng vì ma túy, các lực lượng chức năng của huyện, của tỉnh với Bộ đội Biên phòng phải nai nịt gọn gàng, băng rừng lội suối hàng tháng trời đi tìm phá những nương thuốc phiện rực rỡ mênh mông. Đồng thời, nhằm thay đổi tập quán canh tác, tìm cây trồng thay thế, các cán bộ nông nghiệp “ba cùng” với dân bản, tìm, hướng dẫn trồng loại cây thích hợp với từng chất đất.
Ông Giàng A Dợ: “Đường Thượng giờ đã không còn cây anh túc”
Cán bộ bảo: Bác Hồ đã dạy rồi, “phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn. Phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng, trồng cây làm thuốc; cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết mới làm ăn tiến bộ…”, vậy mà đồng bào không chịu trồng ngô, trồng lúa, không chịu diệt “cây giết người” thì làm sao làng bản ấm no lên được?. Nghe vậy, đồng bào dần hiểu và nghe theo lời cán bộ. Từ những mùa mưa sau, những ruộng đậu tương, ngô lai, cải dầu.... bắt đầu phủ xanh Đường Thượng.
Ông Giàng A Dợ, 66 tuổi, một cựu Công an xã ở Sùng Pả kể, ngày đó gian nan nhất là cái chuyện đưa người nghiện đi cai. Giao thông cách trở, tới được những xóm bản xa nhất cũng phải mất cả ngày đường, nhưng việc thuyết phục cho người nghiện hiểu và tự nguyện đi cai là rất quan trọng thế nên mỗi cán bộ đều cố công vận động. Bất kể ngày đêm, các cán bộ uỷ ban, MTTQ, phụ nữ, hội cựu chiến binh lại chia nhau đến các gia đình người nghiện vận động, thuyết phục. Sau khi “cắt” được “cơn”, người nghiện được trở về nhà dưới sự quản lý, giám sát của gia đình và cán bộ xã, thôn, bản.
“Khi nói chuyện với người nghiện, chúng tôi phải bí mật quan sát ngón tay họ xem có đen vì vê thuốc phiện không. Nếu ai hút lại thì phê bình trước bà con thôn bản, bắt xếp đá làm đường, sửa bàn ghế cho trường học...”, ông Dợ hồ hởi nói về phương pháp phát hiện và xử lý người đối với người nghiện.
Bên ánh lửa bập bùng rọi vào thân hình rắn chắc như cây lim, cây táu, với giọng nói tiếng Kinh chưa sõi, Kháng Sùa Hua, trưởng bản Cờ Tẩu kể về quãng thời gian, nỗi khổ đói nghèo khi theo nàng phù dung suốt mấy chục năm: “Hồi ấy khổ lắm, cả ngày chỉ nghĩ đến thuốc phiện thôi. Nghĩ làm sao để có tiền hút hít, chứ có thiết gì đến nhà cửa, ruộng nương đâu”. Rồi ông lại hồ hởi: “Giờ nhà mình ngô, đậu tương đầy nhà, đầy sân. Sắp tới mình bán mấy con bò, mua cái xe máy để đi chợ chơi, uống rượu với bạn...”.
Vững vàng miền phên giậu
Tính cho đến giờ, trong số hàng trăm người nghiện của Đường Thượng đã cai, không hề có ai tái nghiện. Hàng trăm, hàng ngàn mét vuông đất trồng cây thuốc phiện xưa kia giờ cũng chẳng còn mét vuông nào. Kỳ tích ấy, chả khác gì khúc hoan ca trên đá. Theo cái lý của Kháng Sùa Hua thì “công việc phòng chống ma túy là phải lâu dài, bởi chỉ buông lỏng khâu kiểm tra, quản lý một chút thôi thì lại có vạt anh túc ở trong rừng mọc lên, cái dọc tẩu nhà ai đỏ lửa”. Nhờ thành công đó, Đường Thượng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động và Ủy ban Quốc gia về phòng chống ma túy (UBQGPCMT) trao tặng bằng khen về công tác xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện và cai nghiện tại cộng đồng.
Kháng Sùa Hua còn hồ hởi kể rằng, trước kia, từ Đường Thượng muốn xuống huyện thì mất cả ngày đường, bây giờ thì chỉ cưỡi xe chạy vài ba tiếng. Trường tiểu học Đường Thượng xây mới khang trang được thầy, cô giáo dưới xuôi lên dạy cái chữ. Hiện tại cơ bản trẻ em được xoá mù, nhiều học sinh được ra huyện học trung học cơ sở.
“Ngày xưa Bác Hồ cũng dạy rồi, muốn không nghèo, không đói, muốn no cái bụng thì phải làm thôi. Chỗ nào trồng được lúa thì trồng lúa, chỗ nào không trồng được lúa thì trồng ngô, khoai, sắn, để đất hoang là có tội. Giờ mình già thì làm việc nhẹ, đỡ đần con cháu được chút nào hay chút ấy, không ngồi chơi được”, bà Mùa chia sẻ.
Chính nhờ cái suy nghĩ “để đất hoang là có tội” nên dọc con đường chênh vênh vắt từ trung tâm huyện vào Đường Thượng là những nương ngô xanh mướt. Thấp thoáng đâu đó là xập xòe nếp váy rực rỡ của thiếu nữ Mông đang kiên nhẫn, tỉ mỉ nhổ từng cọng cỏ. Tuy gian nan vậy, nhưng ngô trồng ở những nương đá tai mèo này lại lên xanh tốt bời bời bởi lớp đất màu được đá giữ lại, không bị rửa trôi. Những thân ngô mọc lên thay cho cây thuốc phiện, nó là minh chứng rõ nét nhất về ý chí bất khuất và sự cần cù, chịu khó của người dân Đường Thượng.
Không những vậy, nhờ Nhà nước đầu tư các dự án làm hệ thống tưới tiêu bằng bê tông, rồi chính quyền địa phương lại cử cán bộ nông nghiệp xuống tận thôn bản hướng dẫn bà con nắm vững thêm kỹ thuật, nên mấy vụ gần đây, năng suất thu hoạch ngô, lúa của Đường Thượng cũng tăng đáng kể. Nhiều gia đình cũng vì thế mà thoát nghèo, xóa đói, trẻ con có điều kiện được đến trường. Bên cạnh đó, phần lớn đồng bào Mông ở đây đã thay đổi thói quen sinh hoạt, đã biết giữ vệ sinh nhà cửa, khi ốm đau thì đến trạm xá xin viên thuốc uống chứ không ở nhà mời thầy mo, thầy cúng.
Với địa hình hiểm trở, phần lớn đất canh tác bị đá tai mèo xâm lấn nên tình trạng thiếu ăn thời vụ trong các thôn bản ở Đường Thượng vẫn còn nhiều. Muốn xóa đói giảm nghèo triệt để, Đường Thượng vẫn còn nhiều việc phải làm. Thế nhưng với những gì đã và đang đạt được, tôi tin mảnh đất này sẽ thoát nghèo. Bởi, đến cái khó như thay đổi tập quán canh tác tự bao đời, đoạn tuyệt hẳn với “ả phù dung”, Đường Thượng còn làm được, thì nhất định một ngày nào đó, đồng bào Mông ở đây sẽ làm thức dậy cả một vùng biên viễn.