Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã được tổ chức trọng thể theo nghi thức dành đón Nguyên thủ quốc gia tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Theo thông tin đã đưa, tối 2/3 theo giờ địa phương (đêm cùng ngày theo giờ Hà Nội) Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có mặt và tham gia những hoạt động đầu tiên tại Cộng hòa Ấn Độ. Sáng 3/3 theo giờ địa phương (trưa cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô New Delhi, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã được tổ chức trọng thể theo nghi thức dành đón Nguyên thủ quốc gia.
Tổng thống Ram Nath Kovind chủ trì lễ đón. Tham dự lễ đón có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng nhiều quan chức cao cấp Ấn Độ. Về phía Việt Nam có các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ.
Đoàn kỵ binh hộ tống xe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tiến vào Phủ Tổng thống trong tiếng âm vang của 21 loạt đại bác chào mừng. Tổng thống Ram Nath Kovind và Phu nhân chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại nơi đỗ xe. Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ấn Độ trân trọng mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang bước lên bục danh dự.
Sau khi Quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam và Ấn Độ, Đội trưởng Đội Danh dự Quân đội Ấn Độ mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt Đội Danh dự.
Kết thúc lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ, đề cập về ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ và triển vọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ trong những năm tới.
Trưa cùng ngày, tại Phủ Thủ tướng ở Thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Narendra Modi đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác Việt Nam-Ấn Độ được ký kết trong chuyến thăm lần này, gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ấn Độ; Kế hoạch hành động về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2018-2020.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Narendra Modi đã chủ trì cuộc họp báo chung, thông báo về kết quả cuộc hội đàm.
Thủ tướng Narendra Modi một lần nữa chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm cấp Nhà nước, khẳng định chuyến thăm đã thể hiện cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ-Việt Nam.
Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đã có từ hàng nghìn năm trước, bắt nguồn từ mối liên hệ văn hóa; các thế hệ hôm nay đang được thừa hưởng thành quả của mối quan hệ do Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng.
Thủ tướng Narendra Modi thông báo, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên đã thảo luận chi tiết các khía cạnh của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó nhất trí tăng kim ngạch thương mại. Quan hệ thương mại Ấn Độ-Việt Nam đang có bước phát triển mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Narendra Modi tại lễ đón. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Theo số liệu của Ấn Độ, trong 5 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ mức 6 tỷ USD lên trên 10 tỷ USD. Ấn Độ và Việt Nam đã nhất trí chú trọng vào năng lượng tái tạo, nông nghiệp, dệt may, dầu khí.
Đặc biệt về dầu khí, cùng với cơ chế hợp tác hiện nay, Ấn Độ mong muốn mở rộng hợp tác 3 bên giữa Ấn Độ, Việt Nam và một bên thứ ba. Một trụ cột quan trọng nữa trong quan hệ song phương là hợp tác quốc phòng-an ninh, Ấn Độ mong muốn hợp tác với Việt Nam để đảm bảo khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương độc lập, ổn định, những khác biệt được giải quyết một cách hòa bình.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trên tinh thần tái khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị cao của mỗi bên trong việc đưa quan hệ Việt Nam-Ấn Độ tiếp tục phát triển sâu sắc hơn nữa, hai bên đã trao đổi, thống nhất các phương hướng lớn cho quan hệ hai nước trong thời gian tới; đề ra các biện pháp cụ thể nhắm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.
Về chính trị-đối ngoại, hai bên sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác ở cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, thắt chặt hơn nữa giao lưu nhân dân.
Chủ tịch nước thông báo đã trân trọng mời Tổng thống Ram Nath Kovind, Thủ tướng Narendra Modi và Lãnh đạo Quốc hội sớm thăm chính thức Việt Nam; Lãnh đạo các đảng và các bang của Ấn Độ tiếp tục thăm Việt Nam theo “Chương trình Khách quý.”
Hai bên tiếp tục thúc đẩy các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, bao gồm đào tạo tiếng Anh, xây dựng năng lực, huấn luyện, cấp tín dụng ưu đãi, tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; duy trì hiệu quả các cơ chế, đối thoại quốc phòng - an ninh; đồng thời, xem xét mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng khác...
Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, các rào cản thương mại sẽ được hạn chế, tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của hai nước, phấn đấu đưa thương mại hai chiều đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020.
Hai bên đánh giá cao các dự án hợp tác mang tính biểu tượng, như: dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II tại Sóc Trăng, các dự án về điện gió, điện mặt trời đang được nghiên cứu đầu tư tại các tỉnh Nam Trung Bộ, và khả năng thành lập các Khu Công nghiệp Dệt may của Ấn Độ tại Việt Nam.
Việt Nam hoan nghênh và mong muốn Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, công nghệ và tài chính trong các lĩnh vực tạo đột phá như hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học-kỹ thuật; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển cho Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y học, khoa học ứng dụng...
Trên nền tảng mối liên hệ lâu đời về văn hóa, tôn giáo, hai bên sẽ thúc đẩy triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Mỹ Sơn do Ấn Độ tài trợ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch tại mỗi nước, phấn đấu tăng hơn nữa lượng khách du lịch.
Trên bình diện đa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ để Ấn Độ tăng cường hơn nữa quan hệ và kết nối về mọi mặt với ASEAN, mang lại lợi ích cho cả hai bên; đề cao tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Cũng trong sáng 3/3 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến đặt vòng hoa viếng Mahatma Gandhi tại Khu tưởng niệm Raj Ghat.
Tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã được giới thiệu một số nét tiêu biểu về Mahatma Gandhi và thực hiện nghi thức tưởng niệm người Anh hùng dân tộc Ấn Độ.