Hơn 15% người lao động trên toàn cầu muốn nghỉ hưu vào năm 70 tuổi hoặc hơn. Thậm chí, nhiều người còn muốn không bao giờ nghỉ hưu và tiếp tục làm việc đến khi không thể.
Một xã hội giàu tính kỷ luật, một đội ngũ lao động chăm chỉ, sẵn sàng làm việc đến kiệt sức không đâu khác đó là Nhật Bản. Nhật Bản đã quá nổi tiếng trên thế giới vì tính kỷ luật cực cao. Lao động Nhật Bản được xem hiện thân của nguyên tắc, của sự chăm chỉ, và điều đó đã đưa xứ sở Mặt trời mọc trở thành một thế lực đáng sợ của nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh một xã hội kỷ luật và khắt khe, Nhật Bản còn là nơi có số giờ làm việc nhiều nhất thế giới. Nếu như 40h - 48h/tuần là số giờ lao động trung bình của nhiều quốc gia trên thế giới, thì việc người Nhật làm đến 80h/tuần là chuyện rất phổ biến. Thậm chí, họ chẳng có ngày nghỉ. Với nhiều người già ở Nhật Bản, công việc không phải là gánh nặng mà ngược lại, là niềm tự hào, niềm vui trong cuộc sống.
Không bao giờ nghỉ hưu và tiếp tục làm việc đến khi không thể
Ông Fukutaro Fukui hiện đã 104 tuổi, chỉ thực sự nghỉ hưu 3 năm trước, khi đã 101 tuổi. Từng là cựu lãnh đạo công ty chứng khoán, sau khi nghỉ hưu ở tuổi 70 ông Fukui lại tiếp tục một công việc mới ở công ty môi giới kinh doanh xổ số Tokyo Takara Shokai. Đáng lẽ, ở cái tuổi này, hầu hết người già ở Nhật đã nghỉ hưu.
Trong suốt 31 năm, ông vẫn làm việc chăm chỉ. Hàng ngày, ông đi tàu điện khoảng một tiếng để tới trung tâm Tokyo làm việc. Tới tận 101 tuổi, cách đây ba năm, ông Fukui mới chính thức nghỉ hưu. Ông Fukutaro Fukui được vinh danh là người làm công ăn lương nổi tiếng nhất ở đất nước mặt trời mọc.
Ông Fukui cho biết, làm việc tạo cho ông động lực, thành bản năng ăn sâu trong người, tiền bạc với ông không phải là yếu tố quan trọng. Ông đã viết một cuốn sách về cuộc đời mình với nhan đề: “Ở độ tuổi 100: Con người luôn được cần đến”. Sách được phát hành ở Nhật và đã được chuyển ngữ và bán ở Indonesia, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Câu chuyện của ông Fukutaro Fukui đã trở thành tấm gương lao động tại Nhật Bản khi dân số nước này ngày càng già đi. Hiện, nhiều người già Nhật Bản đã quay trở lại làm việc sau khi nghỉ hưu.
Không chỉ Fukutaro Fukui, ông Kenji Wada, một luật sư 73 tuổi cũng chia sẻ: “Tiền là thứ yếu. Cái quan trọng nhất là cần phải làm gì đó có ích cho xã hội”. Trong 40 năm qua, ông Wada luôn say mê với nghề của mình và đã làm việc cho nhiều công ty.
Theo một nghiên cứu mới đây của cơ quan lao động Nhật Bản, 82% công ty Nhật tái ký lại hợp đồng với nhân viên sau khi họ nghỉ hưu. Hiện nay, nhân viên có độ tuổi trên 65 đã đạt con số 6,81 triệu người. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua luật yêu cầu các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến năm 65 tuổi và bắt đầu áp dụng quy định nghỉ hưu ở tuổi 65 từ năm 2025.
Ông Shigeru Oki, Giám đốc Diễn đàn chính sách kinh doanh, một tổ chức do chính phủ tài trợ cho biết, kéo dài thời gian làm việc là một cách để cảm thấy mình hữu ích. Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy, người cao tuổi muốn làm việc để được kết nối với xã hội và duy trì sức khỏe. Theo ông Oki, người già Nhật Bản cảm nhận được rằng hệ thống lương hưu đã trở thành một gánh nặng đối với thế hệ trẻ do tỉ lệ sinh giảm. Do đó, họ có thể chấp nhận hoãn trả lương hưu cho tới tuổi 65.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất mà người dân muốn làm việc lâu hơn. Nghỉ hưu muộn trở thành một xu thế mới của toàn cầu khi mà người lao động ở mọi độ tuổi đang dần tăng tuổi nghỉ hưu mục tiêu lên cao hơn.
Theo số liệu báo cáo việc làm quý II, gần 19% người trong độ tuổi trên 65 ở Mỹ hiện vẫn đang làm việc ít nhất là bán thời gian. Bắt đầu từ khi người nghỉ hưu ở Mỹ được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội tốt hơn, tỷ lệ lao động trên tổng số dân của nhóm người này trong suốt 55 năm qua vẫn không giảm đi. Tỷ lệ người già ở trong lực lượng lao động ở Mỹ hiện nay đang cao hơn bao giờ hết kể từ khi có sự hiện diện của chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare.
Một số ngành nghề ở Mỹ vẫn giữ người lớn tuổi ở lại lực lượng lao động. Nhiều người Mỹ lớn tuổi nhưng có sức khỏe và tuổi thọ cao hơn thế hệ trước. Một số người quyết định không nghỉ hưu hoàn toàn bởi họ yêu thích công việc của họ và không muốn một cuộc sống nhàn nhã. Một số khác thì cần tiền. Làm việc càng lâu thì họ càng có nhiều tiền chi tiêu cho tuổi nghỉ hưu. Thậm chí sau khi đã chính thức "nghỉ hưu", hầu hết người Mỹ vẫn mong muốn được làm việc. Theo một khảo sát được tiến hành bởi viện nghiên cứu phúc lợi người lao động EBRI, 79% người lao động ở Mỹ mong muốn được gia tăng tiền lương hưu của họ bằng cách làm thêm lấy tiền. Hơn nữa, xu thế này ở Mỹ còn có thể tiếp tục bởi giới trẻ đang ngày càng lười kết hôn và yêu thích làm việc nhiều hơn.
Còn tại Singapore, tất cả công việc giản đơn như kéo xe đẩy, dọn vệ sinh, lau chùi nhà WC đều do những ông, bà cụ cỡ 65-75 tuổi làm. Đi taxi thì hầu hết lái xe đều do các cụ ông tóc bạc tuổi từ 65-75 lái. Trong thành phố tất cả những người nhặt rác, dọn vệ sinh đều do các cụ bà tuổi từ 65-75 làm. Trong khi đó tại Việt Nam, độ tuổi nghỉ hưu là 55 với nữ và 60 tuổi với nam và đã về hưu phần lớn là không làm việc.
Cách đây 2 năm, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đề xuất từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu nữ đối với cán bộ, công chức, viên chức (nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi), từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, dự thảo này gây ra nhiều tranh cãi và đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến, Bộ Lao động cho biết, có ý kiến đề nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì nhiều người lao động không muốn kéo dài thời gian làm việc, mong được nghỉ hưu ở độ tuổi hiện hành để hưởng lương hưu hằng tháng, sau đó nếu làm việc thêm thì họ có 2 khoản thu nhập. Nếu nâng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng được cho là không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay, cũng như ảnh hưởng đến chính sách cán bộ hành chính nhà nước, công tác quy hoạch. Nhiều người dân cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi đối với cán bộ, công chức khu vực hành chính. Còn theo phân tích của Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo, thì một trong 4 điểm yếu cố hữu cản trở sự phát triển, khiến người Việt mãi nghèo là "sự lười biếng, dễ hài lòng". Ông Đỗ Cao Bảo cho rằng, người Việt rất hứng thú "vui thú điền viên", "sum vầy bên con cháu" và "60 tuổi đã lên lão".
Trong xu thế tuổi thọ con người ngày càng tăng, hầu hết các nước đều nâng tuổi về hưu (Mỹ 67 tuổi, Nhật 68 tuổi, Pháp 62 tuổi) Việt Nam vẫn giữ tuổi lao động như cách đây 62 năm, khi mà tuổi thọ thấp hơn hiện nay 10 tuổi là gánh nặng đè lên quỹ lương hưu và Ngân sách Nhà nước.
Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả. Từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết dẫn đến nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp.