Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự (kỳ 6)

Thu Hương| 23/07/2014 09:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi nghiên cứu hồ sơ Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ các tài liệu nhằm nắm bắt các tình tiết, các sự kiện và phải trả lời được câu hỏi có hành vi trái pháp luật xảy ra hay không?

Kỳ 6: KỸ NĂNG ĐẶC THÙ KHI NGHIÊN CỨU HỒ SƠ MỘT SỐ LOẠI VỤ ÁN DÂN SỰ (phần 2)

Trong số báo trước chúng tôi đã đề cập kỹ năng nghiên cứu một số loại vụ án dân sự như tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, tranh chấp thừa kế. Trong số báo này chúng tôi tiếp tục đề cập kỹ năng nghiên cú hồ sơ vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, án ly hôn.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng so với các loại tranh chấp khác tỷ lệ vụ việc phải thụ lý, giải quyết tại các Tòa án không nhiều, phần lớn là yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, tài sản, một số ít vụ yêu cầu bồi thường về danh dự.v.v… Loại việc này có những nét đặc thù cần phải chú ý trong quá trình nghiên cứu đó là: trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ xuất hiện khi sự việc đó thỏa mãn cả bốn yếu tố là: có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, người gây thiệt hại có lỗi, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. Do đó, khi nghiên cứu hồ sơ Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ các tài liệu nhằm nắm bắt các tình tiết, các sự kiện và phải trả lời được câu hỏi có hành vi trái pháp luật xảy ra hay không? Tùy theo vụ việc cụ thể đối chiếu với hành vi đã diễn ra với quy định của pháp luật để xác định. Ví dụ có hành vi lái xe máy va vào một người đi đường, làm người này bị thương, phải nghiên cứu người lái xe máy có đi đúng phần đường của mình không? Tốc độ có vượt quá quy định không? Có thuộc trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ không?... đối với người đi bộ bị xe máy va quệt cũng phải xem xét hành vi của họ với quy định của luật giao thông, để xác định hành vi của họ có trái pháp luật không? Nếu hành vi của người đi bộ vi phạm luật giao thông là nguyên nhân gây ra va chạm, còn người điều khiển xe máy chấp hành đúng luật giao thông thì họ không bị coi là có lỗi, hành vi của họ không bị coi là trái pháp luật.

Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự (kỳ 6)

Một phiên tòa dân sự 

Phải nghiên cứu các tài liệu về thiệt hại xảy ra để biết được có thiệt hại thực tế hay chỉ là dàn dựng. Thiệt hại cần tìm hiểu bao gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất (các tổn hại về tinh thần, danh dự…).

Đối với thiệt hại vật chất, Thẩm phán phải xem xét, nghiên cứu rất cụ thể. Ví dụ những chi phí khi điều trị phải có hóa đơn, chứng từ do bác sỹ kê đơn, các chi phí khi nằm viện do bệnh viện thu cũng phải có hóa đơn chứng từ; nếu tự mua thuốc bổ, mua các loại cao, thuốc đặc biệt đắt tiền không phải do bác sỹ yêu cầu mua điều trị thì dù có hóa đơn, chứng từ cũng không được coi đó là các chi phí hợp lý, là thiệt hại.

Đối với thu nhập bị mất, bị giảm sút phải nghiên cứu các tài liệu thể hiện thu nhập của họ trước khi bị gây thiệt hại, sau khi bị gây thiệt hại có thời gian phải nằm điều trị, không lao động được, hoặc khi đi lao động được phải làm công việc khác phù hợp sức khỏe, thu nhập bị giảm, những khoản chênh lệch, khoản thu nhập bị mất đó là thiệt hại. Nếu thu nhập trước đây của họ không thường xuyên phải nghiên cứu các tài liệu thể hiện thu nhập trung bình ở địa phương.v.v…

Các vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ các tài liệu thể hiện lỗi, mức độ lỗi của mỗi bên. Nếu hồ sơ chưa thể hiện rõ, Thẩm phán phải có phương án thu thập, xác minh thêm theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự. Cùng với việc nghiên cứu các tài liệu để xác định lỗi, phải nghiên cứu các tài liệu để tìm hiểu mối liên hệ giữa hành vi trái pháp luật với hậu quả thiệt hại xảy ra. Nếu có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra thực, nhưng giữa hai sự kiện đó (hành vi trái pháp luật, thiệt hại xảy ra) không có mối liên hệ nội tại nào thì cũng không phát sinh trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại. Do đó, khi nghiên cứu hồ sơ không chỉ tìm hiểu những tình tiết các biểu hiện bên ngoài của sự việc đó, mà phải nghiên cứu kỹ các tình tiết, sự kiện để tìm ra mối liên hệ bên trong của các hành vi, tình tiết, sự kiện đã diễn ra.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án ly hôn

Các vụ việc hôn nhân và gia đình chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số các vụ án dân sự mà các Tòa án cấp huyện phải giải quyết. Trong vụ án ly hôn thông thường Tòa án phải giải quyết ba mối quan hệ đó là: quan hệ hôn nhân, quan hệ con cái, quan hệ tài sản. Do đó, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án ly hôn, Thẩm phán phải tập trung nghiên cứu các vấn đề sau:

Về quan hệ hôn nhân: Phải nghiên cứu quan hệ vợ chồng hình thành từ thời gian nào? có đăng ký kết hôn hay không? (lời khai của hai bên, của chính quyền cơ sở, giấy đăng ký kết hôn hoặc sổ ghi việc đăng ký kết hôn…); việc kết hôn đó có tuân thủ các điều kiện kết hôn hay không? Nếu vi phạm thì vi phạm điểm nào thuộc Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

- Thời gian chung sống hạnh phúc? Thời điểm phát sinh mâu thuẫn? nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn? các biểu hiện của mâu thuẫn…

- Lý do, động cơ xin ly hôn, xin đoàn tụ? ý kiến nhận xét, đánh giá… của người thân, gia đình, bạn bè, chính quyền, đoàn thể (nếu có) về quan hệ hôn nhân này? Nếu nghiên cứu hồ sơ thấy có điểm gì chưa rõ, chưa đủ độ chính xác thì có phương án kiểm tra, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để việc đánh giá chứng cứ, xác định bản chất quan hệ được chính xác.

Về quan hệ con cái: vợ chồng có mấy con chung? Ngày tháng năm sinh của từng người con? Con chưa thành niên, con dưới ba tuổi hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập để tự nuôi mình, hoặc có thu nhập thì thu nhập bao nhiêu? Hiện đang ở với ai? Nguyện vọng của mỗi bên về việc nuôi con, về đóng góp phí tổn nuôi con? Thu nhập của mỗi bên? Tài sản riêng của mỗi bên? Động cơ của mỗi bên trong việc xin nuôi con? Tình trạng sức khỏe, đạo đức, tư cách, nghề nghiệp của mỗi bên? Nếu con đã từ 9 tuổi trở lên phải nghiên cứu ý kiến nguyện vọng của các con muốn ở với ai?  Đời sống trung bình ở địa phương? Ngoài các con đang hiện hữu, người vợ có mang thai không? Thai đó của ai?...

Về tài sản: Khi nghiên cứu hồ sơ phải làm rõ tài sản chung của vợ chồng gồm những tài sản gì? Ai đang quản lý sử dụng? giá trị của các tài sản này? Nguồn gốc tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên đối với khối tài sản? Yêu cầu nguyện vọng của mỗi bên về tài sản. Nếu có sự tranh chấp về tài sản riêng, tài sản chung, tài sản chỉ đứng tên một bên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng thì đặc biệt chú ý tìm hiểu thời điểm, điều kiện hình thành tài sản , các căn cứ, lý lẽ của bên yêu cầu xác định tài sản chung, tài sản riêng, các tài liệu thể hiện quá trình hình thành, sử dụng, quản lý, kê khai tài sản, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với tài sản đó.v.v… nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi bên khi ly hôn.

Về nhà ở: Vợ chồng có nhà đất thì phải chú ý nghiên cứu yêu cầu, nguyện vọng mỗi bên về nhà ở, đất ở; xem xét nhà ở, đất ở có chia được hiện vật cho mỗi bên không? Nếu chia được thì yêu cầu của mỗi bên về việc phân chia cụ thể như thế nào? nếu nhà đất không thể chia cho hai bên cùng sử dụng thì xem xét ai có nhu cầu cấp thiết hơn. Nếu trong hồ sơ đã có đầy đủ các thông tin về các vấn đề cần xem xét, giải quyết thì sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ phải hình dung bước đầu, có dự kiến các phương án xử lý thích hợp theo yêu cầu của mỗi bên và phù hợp với thực tế tài sản hiện có của vợ chồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự (kỳ 6)