Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng

Mai Thoa| 07/06/2017 21:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 7/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

“Cục máu đông” cần phải giải quyết

Theo Tờ trình của Chính phủ, thực tế xử lý nợ xấu khó khăn nhất ở khâu xử lý tài sản bảo đảm. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất làm kéo dài thời gian xử lý nợ, giảm giá trị thu hồi nợ từ xử lý tài sản bảo đảm là việc bên bảo đảm không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý như đã cam kết trong hợp đồng bảo đảm. Bên cạnh đó, trên thực tế, việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi xử lý nợ xấu ở nước ta trong 17 năm qua đã giúp TCTD xử lý nợ xấu hiệu quả hơn việc xử lý nợ qua Tòa án, thi hành án dân sự.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của chủ nợ, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, tăng cường kỷ luật hợp đồng, nhưng không lạm quyền, dự thảo Nghị quyết quy định TCTD được thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Trong đó, để bảo đảm các TCTD, Công ty VAMC không lạm quyền xử lý tài sản bảo đảm, một trong các điều kiện cần được đáp ứng khi thu giữ tài sản bảo đảm là phải có sự tham gia của cơ quan Nhà nước.

Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN Việt Nam

Chính phủ cho rằng, quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm đã được bên bảo đảm đồng ý trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, tự do ý chí. Do vậy, quy định này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013, Bộ luật dân sự 2015.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định về việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.

Đối tượng áp dụng là các TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài; Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết về giải quyết nợ xấu, các đại biểu kiến nghị cần quy định rõ ràng về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu. Đồng thời, cần làm rõ động cơ nào, mục đích nào mà các Ngân hàng cho vay vượt quá giá trị tài sản thực tế. Đặc biệt, quá trình xử lý nợ xấu kiên quyết không dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu, cũng như chế tài xử lý rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan liên quan.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, phải xử lý thật nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây nợ xấu, có như vậy mới có tác dụng răn đe, tránh để lặp lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Chính phủ cần tổ chức triển khai quyết liệt ngay khi Nghị quyết có hiệu lực, có chế tài để kiểm soát tình hình, không để các Ngân hàng tuỳ tiện chuyển các khoản nợ khác sang nợ xấu, không để lạm quyền trong thu giữ tài sản của các Ngân hàng đối với khách hàng.

Không dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu

Lo lắng về những tác động của Nghị quyết khi thực thi, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần đánh giá tác động cụ thể của Nghị quyết khi đi vào cuộc sống để giữ được ổn định chính trị xã hội. Trong dự thảo Nghị quyết còn thiếu cơ chế bán đấu giá tài sản, thoả thuận của các bên liên quan đến tài sản, việc thực hiện thanh kiểm tra giám sát cũng chưa được thể hiện rõ trong dự thảo. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung những quy định này vào Nghị quyết.

Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng

ĐB Phạm Hồng Phong tỉnh Hậu Giang phát biểu

Trái với lập luận của đại diện Chính phủ, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm là trái với Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng, không đúng với Điều 301 của BLDS 2015 về giao tài sản bảo đảm để xử lý. Trong Bộ luật này, chỉ sử dụng từ “giao tài sản để xử lý” và không sử dụng cụm từ “thu giữ tài sản bảo đảm”. Bởi lẽ, hợp đồng tín dụng, trong đó có giao dịch bảo đảm, là quan hệ dân sự, được xác lập trên cơ sở bình đẳng, thỏa thuận giữa các bên, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Trong khi đó, thu giữ tài sản bảo đảm là biện pháp hành chính, được giao cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu, coi những tổ chức này như cơ quan công an, cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, Tòa án, cơ quan thi hành án… là không phù hợp.

Cho rằng, phải khơi thông “cục máu đông” nợ xấu hiện nay, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn: tỷ lệ nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu có thể lên đến 10% tính đến 31/12/2016. Vậy, tỷ lệ nợ xấu và tiềm ẩn đã thực sự chính xác chưa, còn giấu ở đâu nữa không, có xuất hiện thêm nợ xấu mới hay không? Từ đó, đại biểu Vượt cho rằng, phải nhận dạng và chỉ rõ ngân hàng nào có nợ xấu cao, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng để xảy ra nợ xấu qua các thời kỳ, không để lẩn tránh trách nhiệm của mình.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) bày tỏ lo lắng, quá trình xử lý nợ xấu phải giám sát chặt chẽ, không để tình trạng “đánh bùn sang ao”, nghiêm trị tổ chức cá nhân lừa đảo, thao túng, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, từng bước làm lành mạnh nền kinh tế đất nước.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cũng chỉ ra dự thảo chưa bổ sung quy định không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, như tinh thần đã thảo luận trước đó. Vì vậy đề nghị Chính phủ bổ sung quy định này vào Nghị quyết.

Giải trình thêm một số nội dung, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN Việt Nam cũng thừa nhận, có tình trạng nợ xấu là do quy trình chưa đầy đủ của các TCTD, chưa chặt chẽ nên tạo khe hở để cán bộ ngân hàng, khách hàng lợi dụng. Một số TCTD năng lực kiểm tra còn hạn chế, chưa đồng bộ, tính tuân thủ các quy chế chưa cao. Các chuẩn  mực đạo đức đối với đội ngũ cán bộc chưa được quan tâm cho nên dẫn đến rủi ro về cho vay; rủi ro về đạo đức cán bộ ngân hàng một bộ  phận cán bộ thoái hóa, biến chất đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với khách hàng, cố ý làm trái quy định; đe dọa đến hoạt động và tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Và các hành vi vi phạm pháp luật này trong thời gian qua đều đã và đang được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đề án cơ cấu lại TCTD thời gian qua bước đầu đã thực hiện nhưng chưa giải quyết được cũng như xử lý nợ xấu một cách triệt để. Công tác thanh tra của NHNN tuy có nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn còn hạn chế…

Ông Hưng cũng khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến của ĐBQH là không dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu và kiên quyết xử nghiêm những hành vi gây ra nợ xấu, gây tổn hại cho khách hàng, ngân hàng vào dự thảo Nghị quyết trước khi thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng