Sáng 8/8, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 26. Theo chương trình, Phiên họp kéo dài đến ngày 13/8.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc
Phát biểu khai mạc phiên họp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 26 để cho ý kiến về 8 dự án luật, trong đó có 7 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 gồm: dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Chăn nuôi; dự án Luật Trồng trọt; dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và một dự án luật trình Quốc hội lần đầu là dự án Luật Kiến trúc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 theo Tờ trình của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng cục Thuế sang Tổng cục Hải quan); giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của các bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư thuộc dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14; bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho Chương trình 135.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia; thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; xem xét quyết định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Quốc phòng.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”; đồng thời tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nội dung này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp).
Giữ ba thời điểm đặc xá như dự thảo Luật
Ngay trong sáng 8/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung xem xét, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về thời điểm đặc xá; đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; các trường hợp không đề nghị đặc xá…
Nhiều ý kiến nhất trí quy định về ba thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh (2/9) hoặc ngày Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định ba thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả ba thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá.
Từ đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ ba thời điểm đặc xá như dự thảo Luật của Chính phủ trình; không quy định thời điểm, tần suất cụ thể thực hiện đặc xá mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Mở rộng đối tượng được đề nghị đặc xá
Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước (Điều 11 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, chỉ quy định hai đối tượng được đề nghị đặc xá gồm: người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù và người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống hình phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù. Quy định này chưa thật sự công bằng đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì theo quy định của Bộ luật Hình sự, người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là người đang chấp hành án nhưng vì các lý do như: sức khỏe, mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi... nên được tạm đình chỉ chấp hành. Do vậy, nếu họ có đủ điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt và các điều kiện khác để xét đặc xá mà lại không thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá là chưa phù hợp.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ngoài hai đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật, bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).
Về ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù, người đang thi hành án treo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, theo quy định của Bộ luật Hình sự, người đang được hoãn chấp hành hình phạt tù là người chưa thi hành án. Người đang chấp hành án treo thực chất là được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
Như vậy, những đối tượng này đều ở ngoài xã hội và chưa phải vào trại giam để chấp hành án phạt tù. Nếu quy định người đang được hoãn chấp hành hình phạt tù thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá sẽ không đáp ứng các điều kiện về thời gian đã chấp hành án, về ý thức cải tạo và không bảo đảm công bằng với các đối tượng khác.
Bên cạnh đó, với người đang chấp hành án treo, Bộ luật Hình sự đã có quy định giao Tòa án quyết định rút ngắn thời gian thử thách ngoài xã hội đối với họ nếu đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người đang được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù và người đang thi hành án treo.
Nêu thực tế dư luận xã hội băn khoăn về quá trình bình bầu, lựa chọn đối tượng đặc xá tương đối khép kín trong nội bộ ngành công an, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, để bảo đảm đặc xá được công khai, minh bạch nên thành lập hội đồng tư vấn đặc xá gồm các thành phần đại diện cho Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TANDTC, VKSNDTC, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan tổ chức khác do Chủ tịch Nước đề nghị. Trưởng ban Dân nguyện cũng đề nghị cân nhắc bổ sung thêm thành phần hội đồng xét đặc xá là đại diện cơ quan dân cử ví dụ sự tham gia của các ĐBQH, cơ quan của QH.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, đối tượng được đặc xá được hướng dẫn, giải thích về luật và nhận thức đầy đủ quyền đến đâu, trường hợp nào được đặc xá. Cùng với đó, Viện Kiểm sát Nhân dân cũng thực hiện giám sát thường xuyên, chặt chẽ và là thành viên của hội đồng. Ngoài ra còn có cơ quan tổ chức khác cũng giám sát chặt chẽ quá trình xem xét đặc xá. Do đó, không có chuyện khép kín hay không minh bạch, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định.
Về điều kiện thực hiện nghĩa vụ bồi thường và các nghĩa vụ dân sự, Điểm d khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật quy định:“Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch Nước quyết định trong mỗi lần đặc xá phải thực hiện xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự (THADS) có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước”. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, mục đích của đặc xá là tha tù trước thời hạn, mang tính nhân văn, chứ không phải là xóa nghĩa vụ dân sự. Do vậy, phải ràng buộc trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan THADS. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung căn cứ, thủ tục ra quyết định của thủ trưởng cơ quan THADS, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan THADS khi ra quyết định này để bảo đảm thi hành chặt chẽ, tránh tình trạng lạm dụng và dẫn chiếu với quy định của Luật THADS, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết: về thời điểm đặc xá, đề nghị giữ như quy định hiện hành. Đó là ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại và trong trường hợp đặc biệt; đồng thời cũng không nên quy định tần suất thời gian là 3 năm hay 5 năm đặc xá một lần mà do yêu cầu thực tế Chủ tịch Nước sẽ quyết định cho phù hợp. Riêng đối với các trường hợp đặc biệt vì lý do đối nội, đối ngoại hoặc vì lý do chính trị, với một số lượng đối tượng rất đặc biệt, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị nên giữ như dự thảo Luật.
Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.