Israel kiên trì “chia đôi Bờ Tây” (P.2) - Thủ tướng Netanyahu hứa lời... gió thoảng mây trôi

Nhật Minh| 17/08/2016 07:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2009, Thủ tướngIsrael Netanyahu đã cam kết không xây dựng thêm bất kỳ khu định cư mới nào cho người Do Thái ở khu Bờ Tây. Thế nhưng mới đây, ông đã làm điều ngược lại...

6. Xin được quay trở lại câu chuyện về kế hoạch xây những khu định cư mới cho người Do Thái ở khu vực Bờ Tây của chính quyền Tel Aviv.

Vào tháng 6/1967, Israel đánh chiếm Dải Gaza từ tay Ai Cập. Và để Dải Gaza không bao giờ có thể “quay trở lại với Ai Cập” như tuyên bố của Thủ tướng Israel lúc đó Levi Eshkol, Tel Aviv đã lên kế hoạch lập các khu định cư Do Thái trên đất chiếm của Ai Cập để tạo một vùng đệm tại sườn phía tây nam Israel.

Chính phủ Israel phản đối gay gắt ý tưởng này; song đến tháng 6/1970 đã đồng ý thông qua quyết định ban đầu về việc thành lập các khu định cư tại Gaza. Hai tiền đồn quân sự ở Gaza được dựng lên hai năm sau đó, về sau đã trở thành hai khu dân cư Netzarim và Kfar Darom. Thế rồi, như một lẽ tự nhiên, thường dân Israel được phép chuyển đến sinh sống bên trong các doanh trại ở Gaza ngày một đông; các khu định cư mới cũng tiếp tục mọc lên…

Israel kiên trì “chia đôi Bờ Tây” (P.2) - Thủ tướng Netanyahu hứa lời... gió thoảng mây trôi

Bức ảnh này do phóng viên AFP chụp ngày 9/1/2014. Đây là khu định cư bất hợp pháp Efrat ở Bờ Tây do Israel xây dựng.

Trong cuộc chiến năm 1967, Israel chiếm đóng Bờ Tây và Đông Jerusalem, sau đó sáp nhập Đông Jerusalem và tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cộng đồng quốc tế không công nhận động thái này của Israel; coi Bờ Tây và Đông Jerusalem là các “vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, theo đó tất cả các khu định cư Do Thái xây dựng trên các vùng đất chiếm đóng này là bất hợp pháp”. (Trong khi đó, Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai được thành lập ở Bờ Tây và Dải Gaza).

7. Chưa hết, bên cạnh việc tăng cường xây dựng khu định cư mới cho người Do Thái ở Gaza và Bờ Tây, Israel lại nảy ra một sáng kiến đặc biệt hơn nhiều. Tháng 6/2002, chính quyền Tel Aviv cho tiến hành dựng một bức tường ở Bờ Tây nhằm ngăn “chặn các phần tử đánh bom cảm tử người Palestine xâm nhập lãnh thổ Israel”.

Bức tường Bờ Tây được người Israel xem như “hàng rào an ninh” bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công khủng bố từ phía bên kia, nhưng với người Palestine, đó là một sự ngăn cách bất hợp lý. Bức tường với chiều dài khi hoàn tất lên đến hơn 600km chạy quanh co và vượt ra ngoài Giới tuyến xanh (xác định khoảng năm 1949-1967), lấn sâu vào lãnh thổ Palestine nhiều cây số; và tất nhiên, nó có lợi cho Israel.

Israel kiên trì “chia đôi Bờ Tây” (P.2) - Thủ tướng Netanyahu hứa lời... gió thoảng mây trôi

Những người Palestine cố gắng trèo qua bức tường bê tông để vào thành phố Jerusalem từ Bờ Tây.

8. Hãy xem… 21 khu định cư ở Gaza và 4 khu ở Bờ Tây là kết quả mà Israel đạt được nhằm thực hiện mục tiêu “không cho phép” Dải Gaza về lại tay Ai Cập. Tuy nhiên, vào năm 2005, chính Tel Aviv lại buộc phải tuyên bố tự nguyện dỡ bỏ hoàn toàn 25 công trình bị hứng nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế này.

Với các khu định cư, chính quyền Tel Aviv đã kiểm soát được hơn 42% đất đai ở Bờ Tây thông qua các hội đồng khu vực. Nhưng xung đột căng thẳng giữa hai cộng đồng sinh sống tại khu Bờ Tây cũng vì thế mà gia tăng. Cuối cùng, đến năm 2009, trước sức ép của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Netanyahu đã cam kết không xây dựng thêm bất kỳ khu định cư mới nào nữa.

Nhưng, lời hứa cũng chỉ là lời hứa. Một khi Tel Aviv một mực bảo lưu quan điểm, người Palestine đang sống trên “đất đai của tổ tiên người Do Thái mà đã được ghi nhận trong lịch sử cổ đại cũng như Kinh Thánh”, thì việc hành động cụ thể ra sao và vào thời điểm nào cũng chỉ là câu chuyện một sớm một chiều!

9. Ngày 28/12/2015, tổ chức Peace Now chuyên theo dõi các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái công bố báo cáo cho biết, chính quyền Israel đã xem xét việc tái khởi động kế hoạch xây dựng hơn 55.500 nhà định cư mới tại khu Bờ Tây. Trong số đó có 8.300 căn nhà tại khu vực E1 gây nhiều tranh cãi giữa Israel và Palestine.

Mới đây nhất, hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Netanyahu tiếp tục bật đèn xanh cho phép xây dựng hàng trăm căn nhà mới cho người Israel ở Bờ Tây và đông Jerusalem, khi công bố kế hoạch chi 12,9 triệu USD đẩy mạnh 2 khu định cư tại phía nam khu Bờ Tây. Điều này làm làm dấy lên những nghi ngờ về cam kết của ông về một giải pháp hòa bình thông qua thương lượng với Palestine. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng chỉ trích, cho đây là động thái “khiêu khích” và “phá hoại nghiêm trọng triển vọng hòa bình với Palestine”.

Israel kiên trì “chia đôi Bờ Tây” (P.2) - Thủ tướng Netanyahu hứa lời... gió thoảng mây trôi

Thủ tướng Netanyahu tiếp tục bật đèn xanh cho phép xây dựng hàng trăm căn nhà mới cho người Israel ở Bờ Tây và đông Jerusalem

10. Còn về kế hoạch xây dựng khu định cư mới Givat Eitam của Tel Aviv, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah tuyên bố: “Chính quyền Israel đang cố phá hủy tính chất lịch sử của Bethlehem”. Theo ông, động thái xây dựng một khu định cư bất hợp pháp mới và làm đường vòng Bethlehem là “một bước đi nữa chia đôi Bờ Tây và thôn tính Khu C”.

Trong khi đó, ông Jamal Dajani thuộc Văn phòng Thủ tướng Palestine thì cho rằng, kế hoạch của Israel sẽ “cắt đứt Bethlehem khỏi phía Nam Bờ Tây”. “Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ ngăn việc chiếm đất bất hợp pháp hiện nay của Israel”, ông nhấn mạnh.

Xin được nhắc lại, vào năm 2009, chính Thủ tướng Netanyahu đã cam kết không xây dựng thêm bất kỳ khu định cư mới nào cho người Do Thái ở khu Bờ Tây. Và, với kế hoạch này, giới quan sát ngao ngán lắc đầu, dường như lời hứa của nhà lãnh đạo Israel với chính sách ngoại giao được đánh giá là “cứng rắn nhưng cũ kỹ” trong cuộc xung đột với quốc gia láng giềng cũng chỉ như… gió thoảng mây trôi. Và, hòa bình cho “chảo lửa” Trung Đông sẽ tiếp tục là… ước mơ xa vời! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Israel kiên trì “chia đôi Bờ Tây” (P.2) - Thủ tướng Netanyahu hứa lời... gió thoảng mây trôi