Qua 9 năm xây dựng, mô hình “Đội xung kích cứu nạn” ở Quảng Nam đã mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành cứu cánh và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Những con người thầm lặng
Tiên Phước là một xã nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, phải quanh năm bươn chải để lo đủ ăn đủ mặc cho gia đình. Tuy nhiên nhận thấy địa bàn huyện là khu vực miền núi có địa hình phức tạp lại nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, địa hình trắc trở có nhiều điểm đen tai nạn giao thông nên mọi người ai cũng bỏ một phần thời gian của mình tham gia vào đội xung kích cứu nạn do Hội Chữ thập đỏ huyện thành lập.
Cứu người bị tai nạn giao thông tại chốt điểm xã Tiên Sơn.
Những con người ấy không quản ngày đêm, mưa nắng phục vụ 24/24. Ông Hồ Minh Linh, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ kiêm Đội trưởng đội xung kích cứu nạn, cứu hộ xã Tiên Cảnh – người gắn bó nhiều nhất với công tác của hội cho biết đội cứu nạn tại xã Tiên Cảnh hiện nay gồm có 51 thành viên, chủ yếu là những người nông dân trong xã.
Đội nhận thông tin 24/24 giờ qua đường dây nóng và luôn sẵn sàng cứu hộ trong mọi tình huống. “Bất cứ có tai nạn ở đâu, không ngại mưa nắng, đêm hay ngày chỉ cần người dân gọi đến là tôi và anh em liền có mặt”, ông Linh chia sẻ.
Hằng ngày họ thay nhau canh gác các chốt điểm đen để ứng phó tai nạn kịp thời, lại chung tay góp sức tuyên truyền với bà con, tập huấn cho mọi người cách sơ cấp cứu đúng cách.
Công việc của họ là thế nhưng tất cả lại không lương, không có một khoản trợ cấp nào cả. Tất cả đều chung chí hướng, chung một mục đích, cả sự nhiệt tình, bằng tất cả tấm lòng sẵn có họ bỏ công sức, không ngại khó khăn cứu người. “Chúng tôi làm mọi thứ cũng vì muốn đem lại hạnh phúc cho mọi người, giảm được nỗi lo cho các gia đình và cứu được người bị nạn mà thôi”, ông Nguyễn Hiền, đội trưởng đội cứu nạn thôn 7b xã Tiên Cảnh chia sẻ.
Nhân rộng mô hình
Đầu tháng 11 năm 2007, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ Xung kích cứu hộ cứu nạn các xã lần lượt ra đời, đến nay trên toàn huyện đã có 25 Đội và 385 thành viên.
Qua gần 9 năm tổ chức hoạt động lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ Xung kích cứu hộ cứu nạn trên toàn huyện đã trực tiếp tham gia vào các hoạt động cụ thể như: Sơ cấp cứu nhanh người bị tai nạn giao thông, cứu sống nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi, tìm kiếm nạn nhân mất tích và trợ tang mai táng, giúp dân chèn chống nhà cửa, vận động và di dời dân ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi ở an toàn và giúp di dời tài sản của các hộ dân bị ngập lụt.
Để giảm thiểu tai nạn, đội xung kích ra quân tập huấn cứu người bị đuối nước.
Hằng năm, những thành viên trong đội cứu nạn đều đã được trải qua các khóa huấn luyện về kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng bơi cứu đuối, kỹ năng tuyên truyền vận động di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Người này truyền cho người kia, cứ thế tiếp tục nhân rộng mô hình từ xã cho đến thôn, đến trường học. Trên mỗi địa bàn đều có người biết kỹ năng ứng phó khi tai nạn xảy ra.
Từ khi mô hình ra đời đến nay, hàng chục vụ tai nạn giao thông được cấp cứu kịp thời. “Nhớ nhất là vụ hai vợ chồng ở Tiên Kỳ đi đám cưới về, khi về đến cầu Vũng Dầu (thôn 1, Tiên Cảnh) thì xảy ra tai nạn giao thông, người chồng rớt xuống vách đá, bất tỉnh, còn người vợ thì bị thương nặng. Nhận được tin báo của người dân, đội cứu nạn đã có mặt kịp thời giúp sơ cấp cứu cho bệnh nhân, đưa lên và chuyển vào bệnh viện. Nhờ đó mà cứu được tính mạng người bị nạn, nếu trễ một lúc thì không biết hậu quả sẽ thế nào”, ông Linh kể.
Còn ông Ngô Minh Khiêm, Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Tiên Phước nhớ lại: “Một lần trên đường đi công việc, vô tình thấy một người đàn ông bị tai nạn, đầu mắc vào hàng rào, máu miệng chảy ra ai cũng nghĩ là máu phổi không ai dám cứu. Nhờ đã được đào tạo và có kinh nghiệm nên mình lại kiểm tra tình trạng, bấm các huyệt xem tình hình thế nào và từ từ cứu ra, nhờ thế mà không sao. Nếu để cho người dân không biết, họ lôi ra có khi lại đứt đốt sống cổ, chết oan thì thật không may”.
Đội xung kích giúp dân di chuyển đồ đạc tránh bão
Không chỉ riêng về tai nạn giao thông, hằng năm đội xung kích còn quyên góp tiền để lắp đặt các biển báo nguy hiểm tại các điểm đen thường xuyên xảy ra tại nạn, đặt bảng hướng dẫn thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại 7 điểm cầu ngầm có nguy cơ lũ quét và xây dựng các chốt điểm ghi số điện thoại của các đồng chí đội xung kích gần đó để điện thoại báo cáo kịp thời.
Đánh giá về “Đội xung kích cứu nạn”, ông Ngô Minh Khiêm nói, mô hình đã phát huy được hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông về cả ba tiêu chí. Nhờ có đội xung kích mà nhiều năm nay tình trạng tai nạn giao thông được giảm thiểu, cấp cứu tai nạn kịp thời nên khắc phục được hậu quả, giảm được số người thương vong, đem lại niềm tin lớn trong lòng người dân và sự an toàn trong xã hội.