Hậu Giang: Công bố nguyên nhân vụ ngộ độc sữa tại thị xã Ngã Bảy

PV| 06/11/2017 20:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có thông báo chính thức về vụ việc ngộ độc sữa trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang xảy ra hôm 27/10.

Thông báo chính thức được phát đi hôm 6/11 của UBND tỉnh Hậu Giang cho biết lúc 7h20 ngày 27/10, tại trường tiểu học Lái Hiếu, công ty MC và nhà trường phát sữa cho 540 em học sinh, sau đó đến 7h40 phát sữa tại trường tiểu học Nguyễn Hiền với 220 học sinh. Sau khi uống sữa, một số em học sinh ở hai trường có biểu hiện đau bụng, nôn ói.

Sau khi nhận được tin báo, nhà trường và cơ quan chức năng đã đưa các em học sinh đi cấp cứu và qua kết quả khám sàng lọc, có 39 học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đau đầu.

Theo thông báo của UBND tỉnh Hậu Giang, căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm, mẫu sữa và mẫu chất nôn, dương tính vi sinh và vi khuẩn; Kết quả hai mẫu xét nghiệm có vi khuẩn Staphylococcus aureus.

Kết quả hai xét nghiệm mẫu sữa Milo chưa pha và mẫu sữa đặc Ngôi sao Phương Nam đảm bảo các tiêu chuẩn được cấp phép.

Kết luận nêu rõ về nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm qua uống sữa tại Ngã Bảy, Hậu Giang:  “Ngộ độc thực phẩm do uống thức uống của công ty MC pha chế; Có 39 học sinh ngộ độc. Nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus”.

Từ các hành vi vi phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC, UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Y tế kiến nghị Cục An toàn thực phẩm áp dụng Nghị định 178/2013/NĐ CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để xử phạt theo quy định.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC về việc pha chế thức uống cấp phát cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho đến khi khắc phục các hậu quả và có xác nhận của các cơ quan chức năng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC chịu mọi kinh phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, xét nghiệm mẫu, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm và các chi phí khác có liên quan.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu ngành Y tế  và ngành Giáo dục - Đào tạo giám sát, kiểm soát chặt chẽ các chương trình quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trong khu vực trường học, đảm bảo sản phẩm thực phẩm cho học sinh sử dụng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, được bảo quản ở điều kiện phù hợp theo yêu cầu của nhà sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Công bố nguyên nhân vụ ngộ độc sữa tại thị xã Ngã Bảy